Đồng bộ, quyết liệt, liên tục để kết quả bền vững
Hôm vừa rồi, tôi vô tình được chứng kiến vài vị khách du lịch nước ngoài 'mắt tròn mắt dẹt' chăm chú nhìn theo một đoàn học sinh tiểu học nối đuôi thành hàng dài đi bộ dưới lòng đường trong khu phố cổ Hà Nội. Có lẽ họ lo lắng cho sự an toàn của các cháu hơn là hiếu kỳ, bởi lẽ ô tô, xe máy vẫn đi lại bình thường, trong khi con phố cũng không quá rộng.
Nhìn lên vỉa hè, chỗ thì để xe, chỗ thì kê bán hàng hóa, chỗ bán cà phê. Nhìn hàng lối đi lại ngay ngắn dưới sự hướng dẫn, quản lý của các giáo viên, dễ có cảm giác các cháu dường như đã quá quen với việc phải đi bộ trong điều kiện như vậy. Đó là một thực trạng không mấy dễ chịu nhưng đã được nhiều người chấp nhận, thích nghi. Dẫu vậy, cũng có không ít người muốn đi bộ đi làm hằng ngày nhưng đành "lắc đầu" vì không thể cứ “xuống đường” tham gia giao thông cùng đủ loại phương tiện.
Việc chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh, buôn bán không phải vấn đề mới và các cơ quan chức năng thành phố đã không ít lần ra quân xử lý nhằm “đòi lại” vỉa hè cho người đi bộ. Không ít người hẳn còn nhớ, đợt ra quân đồng bộ, quyết liệt và tạo được hiệu ứng xã hội khá lớn được tổ chức vào tháng 3-2017 khi toàn thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch số 01/KH-BCĐ ngày 3-3-2017 của Ban Chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cơ sở, nhiều tuyến phố đã trở nên gọn gàng, ngăn nắp, trật tự hơn. Tiếc là kết quả đó không được duy trì ổn định, bền vững. Không ít người coi vỉa hè trước mặt nhà mình là “tư hữu” nên mặc sức sử dụng, thậm chí cấm người khác dừng, đỗ phương tiện trước cửa.
Nhìn vào kết quả các đợt ra quân trước đây đã đạt được, dễ thấy, nguyên nhân dẫn tới sự thiếu ổn định, bền vững là do các cơ quan chức năng chưa thực hiện tròn vai chức trách, nhiệm vụ, thiếu sát sao, chưa xử lý nghiêm vi phạm theo quy định nên dẫn tới tình trạng “đánh trống, bỏ dùi”. Khoản 1, Điều 36, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã khẳng định rõ, "lòng lề đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông". Các hành vi: Họp chợ, mua hàng hóa trên đường bộ; đặt biển quảng cáo trên đất của đường bộ; các hành vi gây cản trở giao thông... bị nghiêm cấm. Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cũng quy định rõ mức phạt đối với hành vi chiếm dụng, kinh doanh trái phép trên đường phố, vỉa hè.
Vẫn biết, vỉa hè đô thị gắn với cuộc sống mưu sinh của nhiều gia đình nên việc xử lý rốt ráo sẽ hết sức khó khăn, phức tạp. Đó là chưa kể “lực cản” từ những người lớn tiếng cho rằng kinh doanh vỉa hè chính là một “nét văn hóa” nhằm thu hút du khách. Nhưng quy định thì cần phải thực hiện nghiêm, nhất là khi thành phố đã quy hoạch các khu vực tuyến phố đi bộ, chợ đêm, điểm du lịch... cho phép kinh doanh trong khung giờ quy định. Tạo điều kiện cho người dân không đồng nghĩa với buông lỏng xử lý vi phạm. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, hệ thống camera, việc xử lý hành vi lấn chiếm, kinh doanh gây mất trật tự đô thị cũng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều so với trước đây. Vấn đề đặt ra là các cơ quan chức năng, nhất là ở cơ sở, phải sát sao, thường xuyên nhắc nhở, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm. Đặc biệt, việc kiểm tra, xử lý phải được tiến hành đồng bộ để tránh tình trạng “bên nóng, bên lạnh” dẫn tới so đo, bì tị. Khi có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, liên tục, chắc chắn kết quả sẽ ổn định, bền vững và đó mới chính là nét văn hóa đáng quý!