Nhiều vỉa hè ở Hà Nội bị chiếm dụng
Dù nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội tổ chức lập lại trật tự đô thị trên vỉa hè, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, các vi phạm lại tái diễn, vỉa hè bị người bán hàng chiếm dụng theo nhiều hình thức khác nhau khiến người đi bộ lại phải tràn xuống lòng đường.
Dọc các tuyến phố thuộc phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, hay các khu phố cổ quận Hoàn Kiếm, phường Cống Vị (quận Ba Đình), thật không khó để bắt gặp hình ảnh người dân đi bộ xuống lòng đường. Chị Nguyễn Thị Huệ sinh sống và làm việc tại phố Kim Mã Thượng (phường Cống Vị, quận Ba Đình) cho biết, dù vỉa hè có rộng đi chăng nữa thì vẫn không thể đủ chỗ cho người đi bộ đi qua, vì đa phần các hàng quán nghiễm nhiên chiếm dụng và cho rằng đấy là phần đường của họ.
Việc sử dụng lòng đường, vỉa hè được quy định tại Phần III - Thông tư 04/2008/TT-BXD nêu rõ "Không một ai có sổ đỏ trên vỉa hè". Tuy nhiên, về phía những người kinh doanh, họ lại có muôn vàn những lý do khác nhau để lý giải cho việc buộc phải kinh doanh trên vỉa hè.
TS. Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, diện tích giành cho người đi bộ hiện nay còn thiếu rất nhiều và điều này cũng sẽ gây một phần áp lực lên giao thông đô thị. Chính vì vậy, cần có những giải pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng lấn chiếm này.
Mục đích thiết kế ban đầu về cơ sở hạ tầng giao thông là vỉa hè có nhiệm vụ cung cấp một lối đi riêng cho người đi bộ dọc trên các tuyến đường, tách biệt với các phương tiện cơ giới khác; còn lòng đường phục vụ cho nhu cầu lưu thông của các phương tiện tham gia giao thông. Với việc đô thị hóa khi cơ sở hạ tầng chưa thực sự đáp ứng đủ, do đó cần có bài toán giải quyết tổng thể giữa cơ quan chức năng và người dân. Nếu không, nhiều vỉa hè, lòng đường trên địa bàn vẫn sẽ liên tục bị lấn chiếm nhiều trong những năm tới.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/nhieu-via-he-o-ha-noi-bi-chiem-dung-281031.htm