Đồng bộ với các quy định pháp luật, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền
Luật Bảo hiểm tiền gửi đánh dấu bước phát triển lớn cũng như vai trò quan trọng của chính sách bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam. Theo đó, các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực bảo hiểm tiền gửi được điều chỉnh tại một đạo luật riêng, độc lập, thay vì những quan hệ này được điều chỉnh tại nhiều văn bản dưới luật khác nhau của các cấp có thẩm quyền.
Luật Bảo hiểm tiền gửi ra đời đã quy định đầy đủ các nội dung về hoạt động bảo hiểm tiền gửi như: Mục đích, nguyên tắc bảo hiểm tiền gửi, cơ quan quản lý Nhà nước về bảo hiểm tiền gửi, người được bảo hiểm tiền gửi, quyền và nghĩa vụ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi, phí bảo hiểm tiền gửi, thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, hạn mức trả tiền bảo hiểm…
Triển khai các quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi, đặc biệt là các văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về bảo hiểm tiền gửi, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, tích cực tham gia xử lý quỹ tín dụng nhân dân yếu kém, quản lý an toàn nguồn vốn, nâng cao năng lực tài chính. Đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam luôn chú trọng việc giám sát, kiểm tra đối với các quỹ tín dụng nhân dân.
Thông qua các nghiệp vụ giám sát, kiểm tra các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã chủ động kiến nghị NHNN xem xét xử lý nếu phát hiện vi phạm quy định pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm tiền gửi hoặc những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh, đa dạng hóa các kênh tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi, trong đó có Luật Bảo hiểm tiền gửi, nhằm giữ vững niềm tin của người gửi tiền đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, ngăn ngừa các nguy cơ rút tiền hàng loạt khi xảy ra tin đồn thất thiệt, đe dọa an toàn hệ thống ngân hàng. Khi tổ chức tín dụng phá sản, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng thực hiện chi trả kịp thời cho người gửi tiền để niềm tin ấy luôn được củng cố vững chắc.
Có thể thấy, với việc triển khai có hiệu quả Luật Bảo hiểm tiền gửi, quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền luôn được bảo đảm, sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng cũng được duy trì. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, vẫn còn một số vướng mắc, bất cập, cần thiết phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn; đảm bảo đồng bộ các quy định pháp luật liên quan nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng. Cụ thể:
Một số quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi chưa cụ thể, dẫn tới quá trình thực hiện còn gặp khó khăn, vướng mắc.
Chẳng hạn, Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định: tiền gửi được bảo hiểm gồm tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. Tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật chưa có quy định rõ về “các hình thức tiền gửi khác”, do vậy còn có các quan điểm khác nhau trong việc xác định tiền gửi được bảo hiểm đối với hình thức như: tiền gửi ký quỹ, thẻ trả trước...
Một số quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi cần có sự đánh giá lại để phù hợp với tình hình và hệ thống pháp luật thời điểm hiện tại.
Cụ thể, việc áp dụng mức phí bảo hiểm tiền gửi phân biệt giữa các tổ chức tín dụng còn khó khăn. Hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam vẫn đang trong quá trình cơ cấu lại, gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém. Việc áp dụng phí bảo hiểm tiền gửi phân biệt sẽ làm tăng gánh nặng tài chính đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, đặc biệt là những tổ chức tín dụng có độ rủi ro cao, gia tăng khó khăn cho quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức này.
Điều 31 Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định tổ chức bảo hiểm tiền gửi được sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để mua trái phiếu Chính phủ, tín phiếu NHNN và gửi tiền tại NHNN nhưng chưa quy định Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được bán trái phiếu Chính phủ, tín phiếu NHNN khi cần thiết.
Bên cạnh đó, mặc dù các kênh đầu tư hiện tại là kênh đầu tư an toàn, nhưng có thể nghiên cứu đa dạng hóa thêm hình thức đầu tư mới để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong khi vẫn đảm bảo an toàn, qua đó nâng cao hơn nữa năng lực của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong việc chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho người gửi tiền.
Một số quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi cần được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo thống nhất với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, đồng thời tạo cơ sở để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện được các nhiệm vụ mới được giao.
Cụ thể, ngày 20/11/2017, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng (Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017), trong đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được giao thêm một số nhiệm vụ mới như: Phối hợp với Ban Kiểm soát đặc biệt đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô được kiểm soát đặc biệt; phối hợp với Ban Kiểm soát đặc biệt xây dựng phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ.
Như vậy, các quy định pháp luật về tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng dù đã bước đầu tạo điều kiện cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phát huy vai trò trong tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, nhưng các quy định về quyền hạn của tổ chức bảo hiểm tiền gửi tại Luật Bảo hiểm tiền gửi chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản pháp lý hiện hành về tái cơ cấu, cản trở sự tham gia có hiệu quả của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đối với tiến trình này.
Chẳng hạn, quyền và nghĩa vụ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, tại khoản 2 Điều 148 và khoản 1 Điều 152a Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017 quy định, tổ chức bảo hiểm tiền gửi tham gia vào quá trình xây dựng các phương án tái cơ cấu quỹ tín dụng nhân dân. Tuy nhiên, quy định quyền và nghĩa vụ tổ chức bảo hiểm tiền gửi tại Luật Bảo hiểm tiền gửi chưa đảm bảo để tổ chức bảo hiểm tiền gửi có thể tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng (ví dụ như tham gia hỗ trợ kiểm tra, giám sát đối với quỹ tín dụng nhân dân, tham gia quá trình xây dựng các phương án tái cơ cấu quỹ tín dụng nhân dân, cho vay đặc biệt đối với quỹ tín dụng nhân dân bị kiểm soát đặc biệt…).
Về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017 quy định, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho vay đặc biệt đối với công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô; Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ theo quyết định của NHNN. Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm tiền gửi chưa quy định các nội dung này.
Luật Bảo hiểm tiền gửi cũng chưa có quy định NHNN quyết định việc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ. Trong khi đó, nội dung này được quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017.
Sửa Luật Bảo hiểm tiền gửi phù hợp thực tiễn và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo quan trọng liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi. Theo đó, tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, Thủ tướng chỉ đạo NHNN: “Tăng cường vai trò và giao nhiệm vụ Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong việc phối hợp tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của NHNN đối với các quỹ tín dụng nhân dân; thực hiện tốt vai trò trách nhiệm đầu mối liên kết hệ thống của Ngân hàng Hợp tác xã trong điều hòa vốn, hỗ trợ cho vay đối với quỹ tín dụng nhân dân gặp khó khăn về tài chính, thanh khoản; tích cực tham gia xử lý các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém hoặc có dấu hiệu mất an toàn trong hoạt động; nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi để sử dụng nguồn tiền kết dư phí bảo hiểm tiền gửi để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém”.
Tại hội nghị chuyên đề quỹ tín dụng nhân dân, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng giao nhiệm vụ cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tiếp tục rà soát, đề xuất cơ sở, nội dung sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Luật Bảo hiểm tiền gửi và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Đồng thời, trong thời gian chờ sửa Luật này, chủ động phối hợp với Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN đề xuất, nghiên cứu phương án, giải pháp để tham gia mạnh mẽ hơn vào tái cơ cấu quỹ tín dụng nhân dân bằng nguồn lực của bảo hiểm tiền gửi.
Bên cạnh đó, gần đây, một loạt các văn bản khác của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng đề cập đến việc cần khẩn trương sửa Luật Bảo hiểm tiền gửi. Đó là, tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 có một trong ba Dự án Luật quan trọng Chính phủ giao NHNN xây dựng, triển khai giai đoạn 2015-2025 là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm tiền gửi.
Quyết định số 1382/QĐ-NHNN ngày 2/8/2022 của NHNN về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, được quy định tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025", cũng nêu rõ: “Nghiên cứu sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi để sử dụng nguồn kết dư phí bảo hiểm tiền gửi xử lý quỹ tín dụng nhân dân yếu kém”.
Tại Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã yêu cầu tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý, tổ chức thực hiện có hiệu quả về chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, trong đó có Luật Bảo hiểm tiền gửi. Hay trong nội dung Báo cáo số 302/BC-NHNN ngày 19/9/2022, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và tình hình triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 gửi đến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, NHNN cho biết “Sửa Luật Bảo hiểm tiền gửi là một trong những nhiệm vụ quan trọng thời gian tới nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng”.
Để Luật Bảo hiểm tiền gửi có hiệu quả thực thi, thống nhất với các quy định pháp luật khác có liên quan, tạo cơ sở pháp lý cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phát huy được vai trò, vị thế của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, Luật Bảo hiểm tiền gửi cần được sửa đổi trên cơ sở tham khảo, học tập kinh nghiệm của các nước, hướng dẫn phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả của các tổ chức quốc tế nhằm từng bước hướng tới chuẩn mực chung của quốc tế về bảo hiểm tiền gửi.
Đồng thời, Luật Bảo hiểm tiền gửi sửa đổi cần khắc phục những bất cập, hạn chế qua quá trình thực thi Luật Bảo hiểm tiền gửi từ năm 2013 đến nay. Trong đó, cần bám sát, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về bảo hiểm tiền gửi và cơ cấu lại tổ chức tín dụng. Đặc biệt là định hướng sử dụng công cụ bảo hiểm tiền gửi một cách hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng để xử lý nợ xấu. Bởi lẽ, quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi chính sách bảo hiểm tiền gửi cần được hoàn thiện để phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi.
Chẳng hạn, liên quan đến việc tham gia xây dựng phương án phục hồi của quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi (2017), để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện tốt nhiệm vụ này, Luật Bảo hiểm tiền gửi cần quy định rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, bổ sung quy định theo hướng Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng, xử lý tổ chức tín dụng yếu kém như: Xử lý, can thiệp sớm, đặc biệt đối với các quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt thông qua các hình thức như: Tiếp quản trực tiếp, tham gia quản trị hoặc góp vốn để chi phối hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân...
Luật Bảo hiểm tiền gửi cũng cần quy định rõ vai trò giám sát, kiểm tra của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam để cơ quan này có thể đánh giá rủi ro và cảnh báo sớm đối với tổ chức tín dụng có vấn đề thông qua việc trao quyền cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được tiếp cận sâu và đầy đủ với các thông tin về đánh giá sự lành mạnh của tổ chức tín dụng. Bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam như: Quy định Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phối hợp với NHNN kiểm tra, giám sát quỹ tín dụng nhân dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng theo yêu cầu của NHNN...
Về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, bổ sung quy định Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt để thống nhất với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017 và cụ thể hóa một số nội dung để đảm bảo cơ sở pháp lý cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong quá trình cho vay đặc biệt, ví dụ: Nguồn vốn cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản đối với tổ chức tín dụng, cơ chế xử lý rủi ro...
Về mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ, bổ sung quy định Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ để thống nhất với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017 và cụ thể hóa một số nội dung để đảm bảo cơ sở pháp lý cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong quá trình mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ, ví dụ: nguồn vốn mua trái phiếu dài hạn, cơ chế xử lý rủi ro...
Bên cạnh đó, sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi cần bổ sung quy định về hoạt động đầu tư của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam theo hướng đa dạng hóa các hình thức đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi của bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và thống nhất với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017, ví dụ, bổ sung quy định về bán trái phiếu Chính phủ, tín phiếu NHNN...
Ngoài ra, Luật Bảo hiểm tiền gửi sửa đổi cần theo hướng bổ sung chức năng, nhiệm vụ mới để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có vai trò lớn hơn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và kiểm soát rủi ro tổ chức tín dụng; tăng cường năng lực tài chính cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; sử dụng hiệu quả nguồn lực từ bảo hiểm tiền gửi vào thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý nợ xấu; nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi phù hợp với yêu cầu thực tế nhằm bảo vệ tốt hơn người gửi tiền, nâng cao niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống tổ chức tín dụng.