Đóng chặt cửa, bật điều hòa có gây mệt mỏi, đau đầu, rụng tóc?

Một chia sẻ với nội dung 'điều hòa không giết ai, nhưng thiếu hiểu biết thì có đấy' lan truyền trên mạng đang thu hút sự quan tâm của nhiều người, bởi hầu hết đều có thói quen đóng thật chặt cửa khi bật điều hòa để tiết kiệm điện.

Mới đây, một bài chia sẻ trên mạng xã hội có nội dung cảnh báo việc "đóng cửa, dùng điều hòa liên tục gây mệt mỏi, đau đầu, rụng tóc... do thiếu oxy, dư khí CO₂" đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người.

Bài viết về việc dùng điều hòa nhận được nhiều sự quan tâm (ảnh chụp màn hình).

Bài viết về việc dùng điều hòa nhận được nhiều sự quan tâm (ảnh chụp màn hình).

Với tựa bài viết "điều hòa không giết ai, nhưng thiếu hiểu biết thì có đấy", chủ tài khoản này viết: "Bình thường ai cũng vậy thôi bật điều hòa thì phải đóng kín cửa để tiết kiệm điện, giữ mát lâu… Nhưng dạo gần đây, trời mới nóng bật điều hòa nhiều, tôi bắt đầu để ý vì sao ngủ dậy người mệt rũ, đầu đau như búa bổ, tim đập nhanh bất thường…

Tôi mua hẳn cái máy đo CO2 về thử trong phòng ngủ. Đêm đóng cửa bật điều hòa, sáng dậy giật mình thấy chỉ số lên 2.000ppm, vượt xa ngưỡng an toàn. Ngủ kiểu đó vài năm rồi hỏi sao người lúc nào cũng mệt, đầu đặc như khói...

Tôi làm tóc 13 năm rồi, gặp hơn 20.000 khách, từ doanh nhân tới bà nội trợ, từ em bé tới cụ ông. Có người rụng tóc, mệt mỏi, stress, mất ngủ kéo dài… tưởng là do hormone, do tuổi. Nhưng hỏi kỹ mới thấy đêm nào cũng đóng kín cửa ngủ điều hòa".

Câu chuyện khiến nhiều người đặc biệt quan tâm bởi hiện đang là thời điểm nắng nóng, nhà nhà đều dùng tới máy điều hòa.

Trước thông tin này, TS Nguyễn Hồng Vũ (Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia City of Hope, Mỹ) cho hay, "thông điệp này đánh đúng vào tâm lý sợ "ngạt khí" của nhiều người, nhưng dưới góc độ khoa học, cần nhìn nhận khách quan và chính xác hơn để tránh hiểu lầm và hoang mang không cần thiết…".

Lý giải cho câu hỏi CO₂ từ đâu ra trong phòng ngủ?, theo TS Vũ, điều hòa chỉ làm mát, không tiêu hao oxy hay sinh CO₂. Khí CO₂ do con người thở ra trong quá trình hô hấp. Trong phòng kín, CO₂ do người thở ra sẽ tích tụ dần theo thời gian nếu không có thông khí. Đồng thời, tốc độ tích tụ CO₂ phụ thuộc vào số người, diện tích phòng, và thời gian ngủ.

Tuy nhiên, TS Vũ cho biết thêm, theo Cục Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp của Mỹ mức CO₂ tối đa an toàn trong 8 giờ là dưới 5.000 ppm (0.5%); Mức CO₂ gây nguy hiểm ngay lập tức đến tính mạng là 40.000 ppm (4%).

Ảnh hưởng của CO₂ mức 2.000 - 5.000 ppm có thể gây mệt mỏi, giảm tỉnh táo, đau đầu nhẹ, đặc biệt khi ngủ dậy. Tuy nhiên, chưa có chứng minh khoa học nào chỉ ra rằng nồng độ CO₂ ở khoảng 5000 ppm trong không khí gây rụng tóc. Và dĩ nhiên không gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc ngạt thở.

Theo TS Vũ, cách thiết kế thông khí cho phòng máy lạnh là nên làm một khe nhỏ cố định (~5-10 cm²) ở cửa sổ hoặc cửa chính, ở vị trí cao (gần trần nhà). Mục đích là cho không khí xả bớt CO₂ ra ngoài một cách tự nhiên do chênh lệch áp suất. Mở hé cửa (0.5-1 cm), đặt quạt nhỏ quay về hướng khe hở. Quạt sẽ tạo luồng hút khí tươi vào phòng + đẩy khí giàu CO₂ ra ngoài. Dùng quạt đối lưu hoặc quạt thông gió nhỏ đặt ở vị trí cao nhất của phòng (trên tường hoặc trần). Công suất thấp nên gần như không ảnh hưởng điện điều hòa, nhưng hiệu quả thông khí rất cao.

Cùng quan điểm, BS Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng) cho hay, việc sử dụng điều hòa, đóng kín cửa trong nhiều giờ có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, tuy nhiên không đến mức độ như bài viết chia sẻ trên mạng xã hội.

Ông Hoàng cũng cho rằng, lựa chọn tốt nhất khi dùng điều hòa là cần kết hợp thông gió để kiểm soát CO2. Người dùng có thể áp dụng một số biện pháp như mở hé cửa sổ, hoặc bật quạt thông gió 1-2 giờ/lần khi dùng điều hòa. Hoặc đầu tư điều hòa có gió tươi hoặc máy đo CO2 (cảm biến NDIR). Vệ sinh điều hòa 6 tháng/lần, dùng máy lọc không khí nếu cần, duy trì độ ẩm 40-60%...

"Tóm lại, các bạn không cần hoang mang lo sợ vì dù có đóng kín cửa, ngủ trong phòng điều hòa cũng không có "giết" được ai và cũng không vì thế mà rụng tóc. Việc thông gió cho phòng cũng nên quan tâm để đạt được giấc ngủ ngon nhất", TS Vũ khuyến cáo.

Vũ Vũ

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/dong-chat-cua-bat-dieu-hoa-co-gay-met-moi-dau-dau-rung-toc-192250517154535352.htm