Dòng chảy di sản ngàn năm đất Thăng Long - Hà Nội

Tại 'Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình', thành phố Hà Nội đã giới thiệu về các di sản văn hóa Hà Nội được UNESCO và Quốc gia vinh danh, các đại biểu và quần chúng nhân dân đã được thưởng thức các nét văn hóa đặc sắc nhất của Thăng Long - Hà Nội.

Chương trình "Ngày hội Văn hóa vì hòa bình" diễn ra sáng 6/10 là ngày hội lớn, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc nhất của Thủ đô Hà Nội nhằm biểu dương lực lượng gắn với quảng bá, giới thiệu về văn hóa Thủ đô Hà Nội, góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch trên địa bàn Thành phố.

Sau khi xem phim giới thiệu về các di sản văn hóa Hà Nội được UNESCO và Quốc gia vinh danh, các đại biểu và quần chúng nhân dân đã được thưởng thức các nét văn hóa đặc sắc nhất của Thăng Long - Hà Nội.

Mở đầu là màn trình diễn Trống hội Thăng Long đến từ những người dân huyện Thanh Trì; Múa Cờ - nghiềm quân Hội Quán Giá, Yên Sở đến từ huyện Hoài Đức; Múa rồng lân đến từ huyện Thanh Oai.

Tiếp đó, là màn trình diễn giới thiệu tục thờ, lễ hội Tản viên Sơn Thánh. Dân gian có câu: “Nhất cao là núi Ba Vì, thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn”. Tản Viên Sơn Thánh là vị thần núi Ba Vì - ngọn núi thiêng sừng sững giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tản Viên Sơn Thánh được tôn kính là vị đệ nhất phúc thần của nước Việt, đứng đầu trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh ở huyện Ba vì, lễ hội đình Tường Phiêu ở huyện Phúc Thọ, Lễ hội đền Và ở thị xã Sơn Tây, nghệ thuật hát Dô ở huyện Quốc Oai được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, đang được người dân gìn giữ và phát huy.

Tại đây, tín ngưỡng thờ Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương cũng được giới thiệu. Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc gắn với truyền thuyết về một cậu bé được mẹ sinh ra ở làng Phù Đổng. Khôi ngô, tuấn tú nhưng lên 3 vẫn chưa biết nói, biết cười. Vậy mà khi nghe thấy lời kêu gọi của nhà Vua, tìm người tài giỏi đánh giặc ngoại xâm, Gióng bỗng lớn nhanh như thổi, xin ra trận cứu nước, cứu dân. Sau khi dẹp tan quân giặc, Gióng về lại núi Sóc rồi cưỡi ngựa bay lên trời thành vị thánh bất tử.

Năm 2010, UNESCO đã chính thức công nhận hội Gióng ở đền Phù Đổng, huyện Gia Lâm, huyện Sóc Sơn là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tín ngưỡng thờ Chử Đồng Tử, Hai Bà Trưng, Thăng Long tứ trấn và thờ Mẫu cũng được giới thiệu. Đức Thánh Chử Đồng Tử là một trong bốn vị Thánh trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng văn hóa truyền thống làng Chử Xá (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm) là quê hương của Chử Đồng Tử.

Lễ hội Chử Đồng Tử mang giá trị văn hóa sâu sắc, là bức tranh về đời sống hết sức phong phú, sinh động của người Việt cổ vùng đồng bằng, trung du Bắc bộ trong việc khai phá đầm lầy, phù sa ven sông Hồng từ hàng nghìn năm trước…

Tại Lễ hội làng Chử Xá, huyện Gia Lâm diễn ra các hoạt động sôi nổi, đặc biệt là điệu múa cổ truyền được lưu giữ từ nghìn đời nay.

Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung ở xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, cũng là lễ hội đặc sắc. Những địa danh như: Khu Giá ngự, Bãi tắm nàng Tiên, đình cổ cùng với các hoạt động diễn ra trong lễ hội đề cao đạo đức, luân lý, tình yêu nam nữ, tình cảm vợ chồng, tình thân giữa cha mẹ và con cái, và tinh thần quật khởi trong dựng nước và giữ nước.

Sau màn trình diễn giới thiệu về tín ngưỡng thờ Chử Đồng Tử là màn giới thiệu về tín ngưỡng “Thờ Hai Bà Trưng”. Tín ngưỡng thờ Hai Bà Trưng - Trưng Trắc và Trưng Nhị - hai vị nữ anh hùng dân tộc đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa lật đổ ách thống trị của nhà Đông Hán vào năm 40 - 43 (sau Công nguyên), giành lại nền độc lập, tự chủ dân tộc - gắn với di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh; đền Hát Môn, huyện Phúc Thọ và hai địa điểm tại quận Hai Bà Trưng là Di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt Đền - Chùa - Đình Hai Bà Trưng, phường Đồng Nhân và Miếu thờ Hai Bà Trưng, phường Bạch Đằng.

Tiếp đó là màn diễu hành giới thiệu truyền thống thờ phụng “Thăng Long tứ trấn”. Trong chiếu dời đô, Đức vua Lý Thái Tổ nhận thấy thành Đại La -Thăng Long là “nơi ở vào trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam - Bắc - Đông - Tây, tiện nghi núi sông sau trước”. Địa thế nơi đây ắt sẽ mang lại thái bình và thịnh vượng, phải được bảo vệ một cách linh thiêng.

Tiếp đó là màn giới thiệu tín ngưỡng “Thờ mẫu Việt Nam”. Tín ngưỡng thờ Mẫu, cùng nghi lễ và lễ hội, với những diễn xướng vô cùng độc đáo, Đạo Mẫu thực sự là một bảo tàng sống của văn hóa truyền thống, được lưu truyền đến ngày nay.

Năm 2016, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trên địa bàn thành phố Hà Nội có gần 1.000 ngôi đền thờ mẫu, tiêu biểu là di tích Phủ Tây Hồ - quận Tây Hồ; đền Bà Kiệu - quận Hoàn Kiếm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia.

Nghệ thuật hát chầu văn (hát văn) là loại hình nghệ thuật gắn với thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu chứa đựng tinh hoa văn hóa dân gian, phong phú về điệu thức, có sức truyền cảm, lôi cuốn. Lời hát văn ca ngợi công đức của các bậc nhân thánh, nhân thần và khuyến thiện trừ ác.

Truyền thống hiếu học là nét đặc sắc của đất ngàn năm văn hiến. Văn Miếu - Quốc Tử Giám nằm trong hệ thống các di tích lịch sử của Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn phát triển kể từ khi thành lập kinh đô Thăng Long dưới triều Lý. Đây là quần thể di tích đặc biệt của Thủ đô, nơi hội tụ của giá trị di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, lịch sử và nghệ thuật, khoa học và giáo dục, thông tin tư liệu ký ức, niềm tự hào của người dân Thủ đô và dân tộc Việt Nam trong truyền thống nghìn năm văn hiến của Việt Nam.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám được coi là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, biểu tượng của “nguyên khí quốc gia”, nơi đào tạo sĩ tử, tôn vinh nhân tài.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Di tích Quốc gia đặc biệt. Năm 2010, UNESCO công nhận 82 tấm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Di sản Tư liệu Thế giới trên phạm vi toàn cầu.

Tiếp nối sau phần vinh danh di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám là phần diễu hành của các làng khoa bảng tiêu biểu của Thủ đô.

Ca trù của Hà Nội không chỉ là di sản văn hóa mà còn là niềm tự hào của người dân Thủ đô, đại diện cho sự thanh lịch và tinh tế trong nghệ thuật cổ truyền Việt Nam, với các giáo phường danh tiếng như: Giáo phường ca trù Thăng Long - quận Hoàn Kiếm; giáo phường ca trù Bích Câu Đạo Quán; giáo phường ca trù Lỗ Khê; giáo phường ca trù Thái Hà - quận Tây Hồ; giáo phường ca trù Chanh Thôn; giáo phường ca Trù thôn Đồng Trữ - huyện Chương Mỹ; giáo phường ca trù Ngãi Cầu - An Khánh - huyện Hoài Đức; giáo phường ca trù Thăng Long (Trúc Mai) quận Ba Đình.

Nối tiếp là phần diễu hành, giới thiệu nghệ thuật trình diễn dân gian múa cổ “Giảo long”, múa bồng, nghệ thuật “Chèo tàu tổng gối”; trình diễn và giới thiệu nghệ thuật múa rối, hát xẩm; giới thiệu di sản Nghi thức và trò chơi kéo co được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; giới thiệu và trình diễn chiêng Mường...

Phương Ngân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dong-chay-di-san-ngan-nam-dat-thang-long-ha-noi-178661.html