Dòng chảy giúp TP Hồ Chí Minh chuyển mình
Với độ dài 256km, riêng đoạn chảy qua TP HCM khoảng 80km, sông Sài Gòn được đánh giá thực sự có tiềm năng vô cùng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội một vùng rộng lớn khu vực Đông Nam Bộ.
Mới đây, việc phát triển sông Sài Gòn tiếp tục được đặt ra quyết liệt, mục tiêu là định hướng lấy không gian ven sông Sài Gòn làm mặt tiền cho đô thị, phát triển dải đô thị hai bên sông, tổ chức các dải công viên công cộng ven sông nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận và sử dụng các tiện ích, dịch vụ ven sông. Đây là cơ hội để dòng sông này thực sự "hóa rồng", đóng góp cho sự phát triển của TP HCM.
Tại một hội thảo vừa được tổ chức, theo lãnh đạo TP HCM, TP xác định sông Sài Gòn là trung tâm của quy hoạch TP HCM thời kỳ mới và là điểm nhấn trong việc rà soát quy hoạch chung. Việc xây dựng quy hoạch phát triển hành lang sông Sài Gòn sẽ vừa đóng góp cho việc nghiên cứu quy hoạch sông Sài Gòn và cũng sẽ kết nối với việc xây dựng quy hoạch chung TP.
Theo ý tưởng do Sở Quy hoạch & Kiến trúc TP cùng liên danh tư vấn công bố mới đây. Sông Sài Gòn có 5 đặc trưng độc đáo. Thứ nhất là, giá trị lịch sử đặc biệt. Thứ hai là, bản sắc sông nước gắn kết tình cảm vùng Nam Bộ. Thứ ba là, đường ranh giới vật lý kết nối các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương. Thứ tư là, tài sản độc đáo với hệ sinh thái đa dạng sinh học (ví dụ rừng ngập mặn Cần Giờ). Thứ năm là, thách thức lũ lụt.
Với những đặc trưng đó, liên danh tư vấn đề xuất chia sông Sài Gòn thành 4 phân khu. Đầu tiên là phân khu Bắc kết nối bản sắc, qua huyện Củ Chi (TP HCM), Bến Cát (Bình Dương), từ TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) đến ranh giới TP HCM và tỉnh Tây Ninh. Khu này nên được phát triển theo hình thức công viên tự nhiên mới để bảo tồn và nâng cao nền nông nghiệp, cảnh quan và di sản của khu vực ngoại ô.
Phân khu 2 từ cầu đường sắt đến cầu Thủ Dầu Một, dự kiến sẽ tạo ra không gian mới giao thoa giữa thành thị và nông thôn, chuyển đổi các khu đất trồng trọt thành các công viên nông nghiệp - giải trí, sinh thái và sản phẩm thủ công.
Phân khu 3, Thanh Đa (quận Bình Thạnh) gồm bán đảo Thanh Đa và vùng phụ cận từ QL52 đến tuyến đường sắt Bắc - Nam. Tại đây, đề xuất phát triển khu đô thị hỗn hợp mật độ cao TOD và công viên nông nghiệp - giải trí ngập nước rộng 300ha.
Phân khu 4 là “khu trung tâm cánh cửa tương lai”, chạy từ ngã ba sông Đồng Nai - Nhà Bè đến QL52, là “cửa ngõ nổi bật” vào TP.
Viễn cảnh mà liên danh tư vấn đưa ra là rất đẹp, ai cũng mong mỏi. Và để viễn cảnh này trở thành sự thật, thì TP còn rất nhiều điều phải làm, từ chuyện xác định hành lang sông Sài Gòn đang bị một số hộ dân lấn chiếm ra sao, sẽ đền bù giải tỏa như thế nào. Rồi nhà đầu tư nào, nguồn vốn ở đâu để biến các bản vẽ thành sự thật. Có thể nói, đó là khối lượng việc khổng lồ. Nhưng với kinh nghiệm TP HCM đã từng hồi sinh những “dòng kênh chết”, chúng ta có quyền tin tưởng trong tương lai không xa, sông Sài Gòn sẽ thực sự là dòng chảy giúp TP HCM chuyển mình, phát triển hiện đại hơn, xanh - sạch - đẹp hơn.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/dong-chay-giup-tp-ho-chi-minh-chuyen-minh-post506143.html