Dòng chảy hàng hóa bị gián đoạn: 162 hiệp hội doanh nghiệp Canada 'kêu cứu'
Hơn 160 hiệp hội doanh nghiệp Canada ngày 11/2 đã gửi thư ngỏ kêu gọi chính phủ có biện pháp để chấm dứt các cuộc phong tỏa đang làm gián đoạn dòng chảy hàng hóa qua biên giới với Mỹ - vốn là điểm đến của 75% hàng hóa xuất khẩu của Canada.
Bức thư - với chữ ký của đại diện từ 162 hiệp hội doanh nghiệp, trong đó có các phòng thương mại ở cấp quốc gia, tỉnh và thành phố - có đoạn viết: “Các nhà sản xuất phụ thuộc vào việc giao hàng đúng kế hoạch đã buộc phải hủy bỏ ca làm việc của hàng nghìn lao động, các chuyến hàng chở gia súc và nông sản tươi sống phải đối mặt với sự chậm trễ nghiêm trọng hoặc bị hư hỏng, đe dọa an ninh lương thực".
Thư ngỏ của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp được đưa ra khi những người biểu tình phản đối các quy định về vaccine và các biện pháp y tế khác liên quan đến đại dịch, đã chặn các cửa khẩu biên giới ở Coutts, Alberta và Windsor, Ontario, trong những ngày qua. Biểu tình cũng lan sang các cửa khẩu khác như Emerson ở Manitoba, và Sarnia ở Ontario. Cầu Ambassador, nối Windsor (Canada) với Detroit (Mỹ), là cửa khẩu biên giới nhộn nhịp nhất của Canada, nơi ước tính có tới 450 triệu CAD hàng hóa đi qua mỗi ngày.
Cũng trong ngày 11/2, ông Doug Ford, Thủ hiến tỉnh Ontario đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở tỉnh đông dân nhất Canada, để đối phó với cuộc phong tỏa của các lái xe tải ở khu vực biên giới với Mỹ và các cuộc biểu tình tại thủ đô Ottawa. Ông Doug Ford cho biết chính quyền Ontario sẽ ban hành lệnh cấm phong tỏa biên giới và đường cao tốc, đồng thời phạt 100.000 CAD (78.600 USD) và quy định các hình phạt tù đối với những đối tượng không tuân thủ lệnh này. Chính quyền Ontario sẽ xem xét tước giấy phép cá nhân và thương mại của bất kỳ ai từ chối rời khỏi các cuộc biểu tình. Ông Ford khẳng định ông ủng hộ quyền biểu tình nhưng việc phong tỏa cây cầu Ambassador ở thành phố Windsor đang làm tổn hại đến “huyết mạch” kinh tế của tỉnh. Ông cũng gọi các cuộc biểu tình ở Ottawa là một "cuộc bao vây" và là "sự chiếm đóng bất hợp pháp".
Trong thư ngày 11/2, các hiệp hội doanh nghiệp cũng đề cập đến nguy cơ uy tín của Canada trên thị trường quốc tế bị "sứt mẻ" bởi các cuộc phong tỏa của người biểu tình. Bức thư viết: “Chúng tôi đã nghe thấy những lời kêu gọi chuyển đầu tư, hợp đồng và hoạt động sản xuất khỏi Canada vì chúng tôi không thể đảm bảo giao hàng đúng hạn cho các khách hàng quốc tế”.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong nhiều ngày qua đã bày tỏ sự lo ngại về tình hình ở biên giới. Ông Michael Graydon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn Food, Health & Consumer Products of Canada cho rằng các cuộc phong tỏa chẳng khác gì "khủng bố kinh tế", mà nếu không được kiểm soát, sẽ dẫn đến tình trạng thiếu sản phẩm trên các kệ hàng tạp hóa và nguy cơ sa thải nhân công.