Dòng chảy phương Bắc 1 bảo trì: Đức lo 'một đi không trở lại', thời cơ tốt để Nga trả đũa EU?
Ngày 11/7 là thời điểm đường ống dẫn khí đốt chính của Nga (Dòng chảy phương Bắc 1) tới châu Âu ngừng hoạt động trong 10 ngày để bảo trì.
Đức và các đồng minh đang chuẩn bị cho tình huống Tổng thống Nga Vladimir Putin sử dụng cơ hội này để cắt đứt Dòng chảy phướng Bắc 1 đến châu Âu.
Nếu Moscow báo hiệu đường ống Dòng chảy phướng Bắc 1 sẽ không hoạt động trở lại như kế hoạch, chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz có thể sẽ kích hoạt các biện pháp khẩn cấp như phân bổ năng lượng và cứu trợ các công ty.
Hậu quả gần như chắc chắn sẽ xảy ra một cuộc suy thoái sâu sắc đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu và tạo ra hiệu ứng gợn sóng trên khắp lục địa.
Cơ hội để Điện Kremlin trả đũa EU
Christian Kullmann, giám đốc điều hành của tập đoàn hóa chất khổng lồ Evonik Industries AG của Đức nhấn mạnh: “Chúng tôi có lo lắng không? Vâng, chúng tôi rất lo lắng".
Do Đức phụ thuộc vào Nga hơn 1/3 nguồn cung cấp khí đốt và hiện tại, quốc gia này đang thiếu các giải pháp thay thế khả thi trong ngắn hạn. Đây là cơ hội để Điện Kremlin trả đũa các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).
Các quốc gia EU đang nỗ lực lấp đầy kho dự trữ khí đốt để đảm bảo đủ nhiên liệu sưởi ấm trong mùa Đông. Vì vậy, Moscow càng sớm có hành động phá vỡ thị trường khí đốt, giá càng cao và Nga càng sớm gặt hái thành quả.
Nhiều thập niên, Nga đóng vai trò là một đối tác năng lượng ổn định của EU. Tuy nhiên, vai trò này đã bị ngắt quãng kể từ khi quốc gia này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022.
Đức chạy đua ngăn chặn sự sụp đổ của thị trường năng lượng
Đức đã và đang từng bước chuẩn bị cho đất nước 80 triệu dân cho những thời kỳ khó khăn phía trước. Thủ tướng Olaf Scholz đã so sánh tình hình hiện tại với sự gia tăng lạm phát trong những năm 1960-1970 và cảnh báo rằng, tình trạng này sẽ không sớm kết thúc.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cũng gợi lại những hình ảnh về cuộc khủng hoảng tài chính và cảnh báo về sự lây lan giống như sự sụp đổ của ngân hàng Mỹ Lehman Brothers
Lần này, điều cấp bách là tập trung vào việc ngăn chặn sự sụp đổ của thị trường năng lượng.
Tại Munich, thủ phủ của tiểu bang Bayern đã hạ nhiệt độ các hồ bơi công cộng, Cologne giảm đèn đường, trong khi đó, Hamburg dự định chỉ cung cấp nước ấm ở hồ bơi vào những thời điểm nhất định trong ngày.
Vonovia SE - công ty cung cấp nhà lớn nhất của Đức cũng tuyên bố sẽ ngắt bớt thiết bị sưởi ấm vào ban đêm trong phần lớn các căn hộ để "tiết kiệm khí đốt nhiều nhất có thể".
Chính quyền của Thủ tướng Scholz cũng đang gấp rút giải cứu các công ty năng lượng đang gặp khó khăn như Uniper SE. Tập đoàn năng lượng khổng lồ này đang lỗ “vài chục triệu Euro” mỗi ngày do lượng khí đốt của Nga bị giảm.
Giám đốc điều hành của Uniper, ông Klaus-Dieter Maubach cảnh báo rằng: "Uniper sẽ sớm không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rút khí từ kho chứa, tăng giá cho khách hàng và thậm chí giảm nguồn cung. Chúng tôi sẽ không cho phép một công ty quan trọng về mặt hệ thống bị phá sản và kết quả là khiến thị trường năng lượng toàn cầu rơi vào tình trạng hỗn loạn".
Để chống lại cuộc khủng hoảng, Đức đang thực hiện các cam kết về môi trường bằng cách hồi sinh các nhà máy than để sản xuất điện.
Theo ước tính của Bloomberg, động thái này sẽ giúp nước này cắt giảm 52% lượng khí đốt được sử dụng cho năng lượng trong vòng 12 tháng tới.
Ngày 23/6, Đức cũng đã chuyển sang giai đoạn hai của kế hoạch khí đốt khẩn cấp ba giai đoạn sau khi Nga giảm lượng giao hàng khi đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 gặp sự cố sửa chữa tuabin.
Văn bản chính thức cho biết, có sự gián đoạn trong nguồn cung khí đốt hoặc nhu cầu khí đốt đặc biệt cao dẫn đến nguồn cung khí đốt giảm đáng kể, nhưng thị trường vẫn có thể đối phó với tình trạng gián đoạn mà không cần thực hiện các biện pháp phi thị trường.
Bộ Kinh tế Đức đã ngừng kích hoạt một điều khoản có thể cho phép các công ty điện nước chuyển gánh nặng chi phí tăng cao từ việc mua khí đốt trên thị trường giao ngay để đáp ứng các nghĩa vụ cung cấp cho các hộ gia đình và ngành công nghiệp.
Klaus Muller, Giám đốc Cơ quan mạng lưới liên bang Đức cho hay, cơ quan này đang gấp rút làm việc trên các mô hình để đưa ra "quyết định ít tồi tệ nhất" về việc phân bổ năng lượng. Tuy nhiên, vấn đề này có thể không cầm cự được đến mùa Thu.
Đức đặt mục tiêu đến tháng 11/2022 sẽ lấp đầy 90% kho khí đốt dự trữ. Mức dự trữ hiện tại của quốc gia này là khoảng 63% và có thể sẽ tiếp tục giảm khi Dòng chảy phương Bắc 1 bảo trì.
Đồng thời, các công ty trên khắp nước Đức đảm bảo nguồn dự trữ, tìm kiếm các loại nhiên liệu thay thế và xem xét các rủi ro của việc Dòng chảy phương Bắc 1 bảo trì.
Berlin còn rất ít lựa chọn
Ông Christian Kullmann, người đứng đầu Hiệp hội ngành công nghiệp hóa chất Đức (VCI) chia sẻ: “Lo lắng về việc Nga cắt đứt Dòng chảy phướng Bắc 1 là chưa đủ. Chúng tôi phải hành động và chuẩn bị kỹ lưỡng cho kịch bản này".
Ngay cả khi Dòng chảy phương Bắc 1 không bị ngừng hoàn toàn, kinh tế châu Âu cũng bị ảnh hưởng khi khí đốt Nga bị thiếu hụt.
Tập đoàn ING - một ngân hàng và dịch vụ tài chính đa quốc gia Hà Lan ước tính, khu vực đồng Euro sẽ không chống chọi được với suy thoái, bất kể Nga có đưa ra động thái tiếp theo về năng lượng hay không.
Khi căng thẳng gia tăng, Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck kêu gọi Canada trả lại thiết bị khí đốt cho Nga.
Ông Robert Habeck nói với Bloomberg: "Tuabin cho đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 cần được trả lại trước khi việc bảo trì đường ống quan trọng này bắt đầu vào ngày 11/7. Việc đưa tuabin trở lại là một động thái quan trọng để tránh nguy cơ Moscow đóng cửa hoàn toàn một đường ống dẫn khí quan trọng tới châu Âu".
Đó là một dấu hiệu cho thấy, Berlin còn rất ít lựa chọn.
Ông Habeck nhấn mạnh: “Sai lầm đáng tiếc của Đức là quá phụ thuộc vào một quốc gia cung cấp năng lượng và quốc gia này là Nga. Phải mất hàng thập kỷ để xây dựng sự phụ thuộc vào khí đốt của Moscow và chúng tôi đang cố gắng thay đổi điều này trong vài tháng".