Dòng chảy Phương Bắc 2 khai thông nút cuối
Hãng TASS ngày 6-7 đưa tin, Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA) quyết định cho phép các tàu đặt đường ống mới của dự án Nord Stream-2 (Dòng chảy Phương Bắc 2) được phép đi vào vùng biển nước này và thực hiện việc lắp đặt. Như vậy là trong khi Mỹ đang tìm đủ mọi cách ngáng đường dự án này bằng các biện pháp trừng phạt mới thì Đan Mạch, cửa ải cuối của đường ống đưa khí đốt của Nga sang châu Âu, đã mở tung chốt chặn cuối cùng.
Nhà điều hành Nord Stream-2 cho biết, DEA cho phép các tàu có định vị được hoạt động ở phần chưa hoàn thành của đường ống khí Nord Stream-2 nằm tại phía đông nam đảo Bornholm. Động thái của Đan Mạch đã mở đường cho tàu đặt đường ống của Gazprom là Akademik Chersky được phép hoàn thiện nốt phần dang dở của dự án.
Tàu Akademik Chersky thuộc sở hữu của Tập đoàn Gazprom hiện đã được đăng ký vào Quỹ đầu tư ngắn hạn (STIF) hoạt động ở Nga. Điều này sẽ cho phép Nga hoàn thành đường ống mà không bị các biện pháp trừng phạt về tài chính, kinh tế của Mỹ tác động.
Trước đó, giới chức Đan Mạch trì hoãn cấp phép cho tàu của Gazprom được thực hiện việc lắp đặt phục vụ dự án được cho là chịu sức ép lớn từ Mỹ, nhằm ngăn đường ống dẫn khí đốt từ Nga được thông dòng. Hồi tháng 6 vừa qua, tờ báo Đức Die Welt viết: “Thủy thủ đoàn tàu đặt ống Akademik Chersky đã chuẩn bị hoàn thành một sứ mệnh có ý nghĩa chính trị là đặt đoạn cuối cùng của đường ống Nord Stream-2 dọc theo đáy biển Baltic. Khí đốt sẽ chảy từ Nga sang Đức thông qua đường ống này”.
Mỹ đã làm hầu hết những gì có thể để thuyết phục các nước châu Âu, trước hết là Đức, từ bỏ dự án Nord Stream-2, nhưng đã không thành công, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Quốc hội: “Chúng tôi đã làm hầu hết mọi thứ có thể để thuyết phục châu Âu, trước hết là Đức, không xây dựng Nord Stream-2, nhưng cho đến thời điểm này chúng tôi chưa thành công. Người Đức vẫn thể hiện rõ mục đích tiếp tục xây dựng đường ống dẫn khí. Chúng tôi đang làm việc với họ để xem liệu có cách nào có thể đảm bảo cung cấp một phần năng lượng thông qua Ukraine hay không”, ông Pompeo nói.
Nord Stream-2 là dự án xây dựng hai đường ống dẫn khí đốt ghép song đôi với tổng công suất 55 tỷ mét khí mỗi năm từ bờ biển nước Nga chạy xuyên biển Baltic đến Đức, đi qua lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức. Chi phí xây dựng ước tính khoảng 9,5 tỷ euro. Mỹ phản đối mạnh mẽ dự án này. Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với dự án, bao gồm cả những người tham gia từ phía châu Âu. Theo các nhà chức trách Nga, điều này có thể là do nỗ lực tăng nguồn cung cấp cho châu Âu khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ, có giá đắt hơn đáng kể so với khí vận chuyển bằng đường ống của Nga.
Quyết tâm ngăn chặn Nga, đầu tháng 6 vừa qua, các thượng nghị sĩ Mỹ đã đưa ra một dự luật mới để xử phạt tất cả các công ty cung cấp chứng nhận, bảo hiểm và các cơ sở cảng cho dự án Nord Stream 2, sau khi áp dụng các biện pháp trừng phạt với đường ống này vào tháng 12 năm ngoái. Các công ty thực hiện các thử nghiệm, kiểm tra và chứng nhận cần thiết liên quan đến hoạt động của Nord Stream 2 cũng bị ảnh hưởng. Mặc dù ngày Quốc hội Mỹ bỏ phiếu cho dự luật này vẫn chưa được xác định, Forbes tin rằng rất có khả năng dự luật sẽ được thông qua. Tuy nhiên, áp lực từ các lệnh trừng phạt của Mỹ khó có thể ngăn chặn dự án Nord Stream 2, hiện gần hoàn thành.
Nicolas Mazzucchi, chuyên gia nghiên cứu tại Quỹ Nghiên cứu chiến lược (FRS) đã giải thích trong một cuộc phỏng vấn với báo Marianne, Pháp, về hậu quả của việc cố tình ngăn chặn Nord Stream-2 của Mỹ. Theo ông, nỗ lực cô lập Nga theo cách này là một ý tưởng thất bại bởi vì, “nếu người châu Âu cần khí đốt của Nga, họ sẽ được cung cấp thông qua các đường ống hiện có, ngay cả khi không có dự án Nord Stream 2”.
“Nếu Washington phong tỏa Nord Stream 2, chẳng có gì đảm bảo rằng điều đó có lợi cho khí thiên nhiên hóa lỏng của Mỹ. Mặt khác, một rủi ro đó là một số quốc gia châu Âu sẽ bắt đầu xem Mỹ là một quốc gia thù địch thật sự”, Nicolas Mazzucchi cho biết. Theo Nicolas Mazzucchi, môi trường quốc tế hiện không thuận lợi cho Mỹ xét về mặt cuộc cạnh tranh chiến lược tổng thể của họ với Trung Quốc. “Nếu ý định của Mỹ là ngăn chặn Nga đặt ống thì thực sự châu Âu đã bị hình sự hóa”, Mazzucchi nói.
Ngày 1-7, trước quốc hội Đức (Bundestag), Thủ tướng Angela Merkel chỉ trích các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với đường ống Nord Stream 2. Thủ tướng Đức nhấn mạnh rằng các biện pháp này không tương ứng với “sự hiểu biết của chúng tôi về luật pháp” và đã đi ngược lại các cuộc thảo luận hiện tại. Tố cáo “các biện pháp trừng phạt ngoài lãnh thổ của Mỹ”, bà Merkel kêu gọi hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Thủ tướng Merkel cũng nhắc lại những nỗ lực của Đức trong các cuộc đàm phán, nhấn mạnh “khía cạnh chính trị” của dự án. Bà cũng nhấn mạnh về các biện pháp để không cô lập Ukraine, bỏ qua tuyến đường trung chuyển khí đốt này khi Nord Stream 2 đi vào hoạt động. “Đây là lý do tại sao Đức đã nỗ lực rất nhiều để tìm ra một thỏa thuận về hợp đồng vận chuyển khí đốt trong những năm tới, và không chặt đứt Ukraine khỏi hệ thống quá cảnh khí đốt sang châu Âu và lợi ích kinh tế mà Nga đem lại”, bà Merkel nói trước Bundestag.
Trong khi một dự luật trừng phạt đang được thảo luận tại Quốc hội Mỹ, các nhân vật chính trị Đức liên tục thay nhau lên tiếng tố cáo Mỹ. Trước bà Merkel, Peter Altmaier, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức, cũng đã tố cáo sự “leo thang đe dọa trừng phạt của Mỹ”, có thể “xung đột với luật pháp quốc tế”. Chính phủ Đức cũng đang xem xét một biện pháp đáp trả về mặt kinh tế nếu Washington kiên trì cách tiếp cận này, báo cáo của Bloomberg. Hành động phối hợp của Liên minh châu Âu không thể loại trừ.