Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thăm Làng gốm Bồ Bát
Sáng 25/5, đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã tới thăm và khảo sát tại HTX gốm Bồ Bát, xã Yên Thành, huyện Yên Mô và Di chỉ khảo cổ học Mán Bạc. Cùng đi có lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy; Sở Văn hóa, Thể thao; Sở Du lịch và huyện Yên Mô.
Làng gốm Bồ Bát thuộc thôn Bạch Liên, xã Yên Thành đã có trên 3.000 năm lịch sử và là nguồn gốc của gốm Bát Tràng ngày nay. Hợp tác xã gốm Bồ Bát được thành lập năm 2018 sau khi được Liên minh Hợp tác xã tỉnh tư vấn, hỗ trợ thành lập, với quy mô hơn 5.000m2, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 20 lao động.
Đây là hợp tác xã đầu tiên và duy nhất của làng Bạch Liên được thành lập sau một thời gian dài chìm vào quên lãng, hiện đang đạt được nhiều thành công nhất định trong việc khôi phục lại sản phẩm gốm được đánh giá là có chất lượng thuộc loại tốt nhất hiện nay và ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên thị trường.
Tuy nhiên, qua quá trình phát triển, hiện nay đơn vị cũng đang gặp một số vấn đề khó khăn như: Việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng; mặt bằng để phục vụ việc mở rộng quy mô sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường; vấn đề đào tạo nhân lực; nguồn cung cấp nhiên liệu để phục vụ cho việc sản xuất...
Do vậy đại diện Hợp tác xã mong muốn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương có giải pháp hỗ trợ để đơn vị có điều kiện phát triển xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh, hướng đến đưa các sản phẩm gốm xuất khẩu ra nước ngoài với quy mô lớn.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trao quà cho HTX gốm Bồ Bát.
Qua nghe báo cáo về quá trình hình thành và phát triển của Hợp tác xã gốm Bồ Bát, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn ghi nhận, biểu dương những kết quả mà Hợp tác xã đã đạt được. Đồng chí mong muốn trong thời gian tới Hợp tác xã cần tiếp tục nỗ lực khôi phục làng nghề và sản xuất được những sản phẩm chất lượng cung cấp cho thị trường, góp phần giải quyết việc làm, thu nhập cho nhiều lao động tại chỗ.
Đồng thời, đề nghị Hợp tác xã nỗ lực khắc phục khó khăn, tiếp thu, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, cải tiến mẫu mã, cải tiến quy trình quản lý, sản xuất, kinh doanh để làm ra nhiều sản phẩm tốt hơn, mở rộng được quy mô sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm, phục vụ thương mại, du lịch... tạo việc làm và thu nhập cao hơn cho người lao động.
Đối với những ý kiến, kiến nghị của Hợp tác xã, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các sở, ngành, địa phương nghiên cứu các cơ chế, chính sách hiện có để tạo điều kiện hỗ trợ cho Hợp tác xã phát triển. Đồng thời, tiếp tục triển khai các hoạt động khảo cổ của lịch sử nghề gốm Bồ Bát qua các thời kỳ. Nếu thành công trong việc khai quật các di chỉ khảo cổ học minh chứng cho sự phát triển của nghề gốm ở đây từ thế kỷ thứ X sẽ là cơ sở để nghiên cứu thêm về các giá trị của di sản như nghệ thuật, kiến trúc, hội họa... thông qua các họa tiết trên sản phẩm gốm cổ. Trên cơ sở đó phải có những bài báo công bố quốc tế dưới góc độ khảo cổ học, dân tộc học và lịch sử đối với nghề gốm Bồ Bát tại thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn và đoàn công tác cũng đã đến thăm Di chỉ khảo cổ học Mán Bạc tại thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô.
Đoàn công tác thăm Di chỉ khảo cổ học Mán Bạc tại thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô.
Năm 1998 di chỉ được phát hiện và liên tục tiến hành 5 đợt khai quật, kết quả cho thấy di chỉ chứa đựng một khối lượng tư liệu đồ sộ về đồ đá, đồ gốm, di tích động, thực vật, đặc biệt là di tích mộ táng thuộc giai đoạn văn hóa cuối Phùng Nguyên, đầu Đồng Đậu, có niên đại gần 4.000 năm cách ngày nay.
Những di tích, di vật thu được qua các đợt khai quật góp thêm tư liệu để phác thảo về diện mạo văn hóa vật chất và tinh thần, cũng như cơ bản khám phá đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của cư dân Mán Bạc nói riêng, người Việt cổ nói chung thời kỳ tiền Đông Sơn.