Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại các huyện Hải Hậu, Nam Trực, Nghĩa Hưng
Sáng 27-5-2022, đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh dẫn đầu Đoàn công tác của tỉnh đi kiểm tra công tác PCTT và hệ thống công trình PCTT tại các địa phương. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Sáng 27-5-2022, đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh dẫn đầu Đoàn công tác của tỉnh đi kiểm tra công tác PCTT và hệ thống công trình PCTT tại các địa phương. Cùng tham gia đoàn công tác của tỉnh có các đồng chí: Mai Văn Quyết, Ủy viên Ban TVTU, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Hà Lan Anh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Để chủ động PCTT và TKCN năm 2022, UBND tỉnh đã kiện toàn Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh và phân công phụ trách địa bàn, lĩnh vực cho các thành viên. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã tiến hành rà soát, đánh giá và báo cáo hiện trạng đê, phương án hộ đê toàn tuyến với Tổng cục PCTT (Bộ NN và PTNT). Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở NN và PTNT đã ký hiệp đồng, giao nhiệm vụ PCTT năm 2022 với các cơ quan, đơn vị có liên quan; các huyện và thành phố Nam Định đã tổng kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều trước lũ, xác định 24 trọng điểm phòng chống lụt bão, gồm 2 trọng điểm cấp tỉnh, 22 trọng điểm cấp huyện. Các địa phương đã lập, duyệt phương án bảo vệ trọng điểm phòng, chống lụt bão theo phương châm “4 tại chỗ”.
Đoàn đã đi kiểm tra tuyến kè trên đê hữu Hồng thuộc địa bàn xã Nam Hồng (Nam Trực); tuyến đê, kè Hải Thịnh 2, Hải Thịnh 3 và kè khu du lịch Thịnh Long (Hải Hậu); tuyến đê hữu Ninh và cống Quần Vinh 2, xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng). Tại huyện Nam Trực, trên tuyến đê hữu Hồng, đoạn kè Vị Khê phía ngoài sông địa chất nền yếu là đất thịt pha cát, đê được đắp qua nhiều thời kỳ bằng đất pha phù sa, trong mùa mưa bão mái đê dễ bị sóng làm sạt lở. Ở đoạn kè này, kè hộ bờ bằng đá hộc đã được xây dựng từ lâu nên đã bị bong xô, mất tác dụng. Huyện Hải Hậu có 33km đê biển và gần 24km đê sông. Liên tục trong những năm gần đây, hệ thống đê, kè biển Hải Hậu chịu nhiều thiệt hai do thiên tai. Đặc biệt năm 2020, do ảnh hưởng của các cơn bão số 2, số 7, số 8 và gió mùa Đông Bắc kết hợp triều cường đã làm hệ thống kè khu du lịch Thịnh Long bị hư hỏng rất nghiêm trọng. Hiện đã xử lý giờ đầu một số vị trí nhưng toàn bộ phần hư hỏng vẫn chưa được xử lý khắc phục. Ở các vị trí đê xung yếu: Cồn Tròn, Hải Thịnh 2, Hải Thịnh 3 và kè khu du lịch Thịnh Long dòng chảy áp sát chân đê, kè nên mỗi khi gặp triều cường cùng gió mạnh tạo sóng lớn áp sát thân đê hoặc mưa lớn gây sạt lở mái đê, kè…
Tại huyện Nghĩa Hưng, tuyến đê hữu Ninh dài 12,35km được hình thành từ lâu, qua nhiều giai đoạn, đất đắp không đồng nhất, mặt cắt ngang hẹp; mái đê phía sông nhiều đoạn dốc đứng. Đoạn từ K31+710 đến K32+276, nhiều vị trí cao trình đê thấp hơn mực nước thiết kế. Cống Quần Khu trên tuyến đê hữu Ninh được xây dựng từ năm 1973, hiện thân cống bị nứt ngang vị trí giữa cống, mái đá bị sụt, nước rò qua mái đá và khe nứt ngang cống vào trong đồng. Đê biển Phúc Thắng được hình thành từ lâu và trải qua nhiều giai đoạn tôn cao ấp trúc, đất đắp không đồng nhất, chủ yếu đê được đắp bằng lõi cát ngoài bọc đất thịt, nhiều đoạn đê có cao trình thấp, mặt đê hư hỏng nặng, nhiều ổ gà, rãnh nước, mái đê phía biển bị sạt lở lên đến cao trình khoảng +2. Đặc biệt, trên địa bàn huyện đang có nhiều dự án đang thi công xây dựng như: Dự án cải tạo, nâng cấp khẩn cấp tuyến đê tả Đào từ K18+565 đến K30+075 huyện Nghĩa Hưng giai đoạn I; Dự án WB6 xây dựng tuyến kênh nối sông Đáy với sông Ninh Cơ;…
Tại những điểm kiểm tra, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận sự cố gắng khắc phục khó khăn, chủ động xây dựng các phương án hộ đê, phương án sơ tán dân, phương án bảo vệ vùng nuôi thủy sản và các phương án bảo vệ trọng điểm PCTT của các địa phương, đặc biệt là trọng điểm đê kè Hải Thịnh. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phải bảo đảm vật tư, phương tiện, lực lượng xung kích phòng, chống được bão có sức gió cấp 10 kết hợp triều cường trung bình. Sẵn sàng vận hành các phương án phòng chống lũ, giữ không tràn, không vỡ tuyến đê sông Ninh, không để úng hạn trên diện rộng. Trước mắt bảo vệ an toàn hệ thống công trình đê điều, thủy lợi, nhất là các công trình trọng điểm PCTT và bảo vệ an toàn sản xuất vụ xuân, vụ mùa. Tập trung các nguồn lực tu sửa, nâng cấp các công trình dưới đê, nạo vét, khơi thông dòng chảy trên các tuyến kênh tiêu. Chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung nạo vét kênh mương, ấp trúc bờ vùng, bảo đảm chủ động tưới tiêu nước phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh yêu cầu tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức PCTT, tránh tư tưởng lơ là, chủ quan cho người dân; tập trung nâng cao chất lượng công tác điều hành, quản lý và kiểm soát chặt chẽ các phương tiện tàu thuyền hoạt động trên biển, trên sông. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố sạt, sập tại các tuyến đê, kè biển, đê sông, báo cáo kịp thời Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh./.
Tin, ảnh: Văn Đại