Đồng chí Khamtay Siphandone trong ký ức các cựu chiến binh và chuyên gia Việt Nam
Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Lào và mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt-Lào, đồng chí Khamtay Siphandone, nguyên Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước Lào đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng nhân dân hai nước.

Đoàn cựu chiến binh và chuyên gia Việt Nam đến thăm đồng chí Khamtay Siphandone. (Ảnh do ông Nguyễn Tự Lạc cung cấp)
Những ký ức về ông qua lời kể của các cựu chiến binh, chuyên gia Việt Nam từng chiến đấu và công tác tại Lào là minh chứng sống động về một nhà lãnh đạo giản dị, gần gũi nhưng có tầm nhìn chiến lược, luôn kiên định vun đắp tình đoàn kết Việt-Lào.
Ký ức về một nhà lãnh đạo giản dị, gần gũi
Gần 10 năm chiến đấu trên đất bạn Lào (từ tháng 4/1964 đến tháng 6/1973), Trung tướng Nguyễn Tiến Long, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Lào cũng có cơ hội hai lần được gặp đồng chí Khamtay Siphandone.
“Những lần gặp gỡ này vô cùng ngắn ngủi nhưng hình ảnh đồng chí Khamtay Siphandone - người chỉ huy cách mạng Lào giản dị, gần gũi đã để lại những ấn tượng khó quên đối với tôi cũng như các đồng đội lúc bấy giờ”, Trung tướng Nguyễn Tiến Long nhớ lại.

Trung tướng Nguyễn Tiến Long, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Lào.
“Lần đầu tiên tôi được gặp đồng chí Khamtay Siphandone khi đó tôi đang là chính trị viên đại đội 23, trinh sát ở trung đoàn 174 ở chiến trường phía đông bắc cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng. Hôm đó, chúng tôi được giao nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho quãng đường đồng chí Khamtay Siphandone sẽ đi qua. Khi đi qua đoạn đường này, đồng chí Khamtay Siphandone đã xuống xe, đến hỏi han tình hình sức khỏe, công việc của các thành viên trong đội trinh sát.
Chúng tôi rất xúc động trước cử chỉ thân thiện, gần gũi của đồng chí Khamtay Siphandone bởi nó không chỉ thể hiện sự quan tâm của cấp trên còn thể hiện tình thương yêu của thế hệ cha chú dành cho các con cháu trong gia đình. Mà nói rộng hơn, đây còn thể hiện tình nghĩa, tấm lòng của người dân tộc Lào đối với thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng cũng như đối với nhân dân Việt Nam nói chung”, Trung tướng Nguyễn Tiến Long cho biết.
Sau khi hai nước giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, đồng chí Khamtay Siphandone đã trải qua nhiều trọng trách quan trọng của Đảng, Nhà nước Lào như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Thủ tướng, Thủ tướng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước nhưng đồng chí vẫn giữ vẹn tròn tình cảm đặc biệt với Việt Nam, vẫn luôn không ngừng chăm lo xây dựng và vun đắp mối quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Lào-Việt.
Sau này, khi đã nghỉ công tác, đồng chí Khamtay Siphandone luôn sắp xếp đón tiếp các đoàn cán bộ, cựu chiến binh, các chuyên gia Việt Nam đã từng tham gia hỗ trợ cách mạng Lào khi trở lại thăm chiến trường xưa. Trong các cuộc gặp, đồng chí Khamtay Siphandone luôn ân cần, hỏi thăm từng thành viên trong đoàn.
Đồng chí Khamtay Siphandone luôn tỏ lòng biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân Việt Nam đã ủng hộ cách mạng Lào. Theo đồng chí, nhân dân Lào, nhất là lực lượng vũ trang Lào luôn tự hào, tin tưởng, tôn trọng Việt Nam đặc biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Mỗi lần kể về thắng lợi của cách mạng Lào, của quân đội nhân dân Lào, đồng chí Khamtay Siphandone đều gắn với sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam, chiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Với cả cuộc đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, phát triển, trưởng thành từ cơ sở qua nhiều cương vị công tác, đến chức vụ cao nhất của Đảng, Nhà nước và Quân đội Lào, đồng chí Khamtay Siphandone đã để lại cho các thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Lào một di sản quý giá, trong đó có mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt-Lào.
Trung tướng Nguyễn Tiến Long, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Lào
Không ngừng xây dựng và vun đắp mối quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Lào-Việt

Ngoài những năm tham gia chiến đấu tại chiến trường Lào, ông Đào Văn Tiến (96 tuổi) đã gắn bó với Lào hơn 50 năm với vai trò là chuyên gia văn hóa.
Vào năm 1948, ông Đào Văn Tiến đã tham gia hoạt động và chiến đấu tại mặt trận miền tây Thanh Hóa. Chính tại nơi đây, ông và các đồng đội đã có cơ hội phối hợp, kết nối với một số cán bộ người Lào để xây dựng lực lượng, xây dựng cơ sở cách mạng, xây dựng căn cứ Sầm Nưa.
Trong suốt hơn 10 năm đồng cam cộng khổ, nếm mật nằm gai cùng các bạn Lào tham gia kháng chiến, ông Đào Văn Tiến đã có may mắn gặp đồng chí Khamtay Siphandone khi đó ông đang đảm giữ Trưởng Ban tham mưu quân khu thường xuyên đi thực địa, kiểm tra tại các đơn vị, đặt tại hai nước.
“Đến năm 1959, sau khi xin ra quân, nhờ sử dụng thông thạo tiếng Lào nên tôi chuyển sang công tác tại Ban công tác miền tây Trung ương, sang xây dựng cơ sở bên Lào. Sau này khi, hai đất nước được giải phóng, tôi tiếp tục tham gia giúp Lào với tư cách là chuyên gia. Trong suốt gần nửa thế kỷ qua, tôi đã giúp đỡ các bạn Lào nghiên cứu, biên soạn một số tài liệu, tư liệu về lịch sử, văn hóa của nhân dân các bộ tộc Lào”, ông Đào Văn Tiến chia sẻ.
Do yêu cầu của công việc, nên ông Đào Văn Tiến có cơ hội đọc, tìm hiểu nhiều tư liệu, tài liệu bằng tiếng Lào liên quan cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Khamtay Siphandone. Đây là những tư liệu quý giá để sau này biên tập và dịch sang tiếng Việt sẽ giúp cho thế hệ trẻ Việt Nam hiểu rõ hơn về đồng chí Khamtay Siphandone - nhà lãnh đạo xuất sắc, người con ưu tú của nhân dân Lào, người bạn thân thiết, rất mực thủy chung của nhân dân Việt Nam.
Với ông Đào Văn Tiến, đồng chí Khamtay Siphandone đã cống hiến trí tuệ và sức lực không biết mệt mỏi để tổ chức và lãnh đạo phong trào cách mạng, làm cho cách mạng Lào lớn mạnh, phát triển và liên tiếp giành được thắng lợi hết sức to lớn vẻ vang. Nhiều năm qua, trên cương vị là người đứng đầu của Đảng, Chính phủ và Nhà nước Lào, đồng chí đã có những cống hiến lớn lao cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân Lào, góp phần to lớn nâng cao vị thế của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào trên trường quốc tế.
“Là người bạn thân thiết, rất mực thủy chung của nhân dân Việt Nam, đồng chí Khamtay Siphandone không ngừng chăm lo xây dựng và vun đắp mối quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Lào-Việt; luôn khẳng định mối quan hệ đó là quy luật khách quan, là điều kiện tồn tại và phát triển của cách mạng mỗi nước; thắt chặt quan hệ đoàn kết, hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Lào”, ông Đào Văn Tiến nói.

Với vai trò là chuyên gia văn hóa tại Lào, ông Đào Văn Tiến (thứ 3 từ trái sang) đã kết nối các Đoàn công tác của Nhà xuất bản Quân đội Việt Nam hợp tác với đơn vị liên quan của Lào. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Đại tướng Khamtay Siphandone - một người chỉ huy dũng cảm
Đó là nhận xét đầu tiên của ông Nguyễn Tự Lạc khi nói về Đại tướng Khamtay Siphandone, nguyên Chủ tịch Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước Lào.
Trong cuốn sách “Đồng chí Khamtay Siphandone trong cuộc kháng chiến chống Mỹ”, ông Nguyễn Tự Lạc là người được phân công viết đoạn từ cuối chương IV và chương V với chủ đề “Từ chuẩn bị chuyển hướng đấu tranh đến giải phóng hoàn toàn đất nước” (từ tháng 8/1958-12/1975).
Ông Nguyễn Tự Lạc là người đã tham gia chiến đấu cả hai chiến dịch Trung Lào và Thượng Lào. Trong các chiến dịch này, ông đã có cơ hội gặp đồng chí Khamtay Siphandone với vai trò là người trực tiếp chỉ huy các chiến dịch quan trọng này.
“Đồng chí Khamtay Siphandone là một người chỉ huy dũng cảm, ông luôn luôn có mặt tại các điểm nóng để trực tiếp chỉ đạo cuộc chiến”, ông Nguyễn Tự Lạc cho biết.
Có một kỷ niệm ông Nguyễn Tự Lạc không bao giờ quên, đó là vào năm 1962, khi đoàn công tác do đồng chí Khamtay Siphandone dẫn đầu đi đến Sầm Nưa - nơi tập trung nhiều bọn phỉ Vàng Pao phục kích. Là người có kinh nghiệm và hiểu rõ về văn hóa của nhân dân các dân tộc Lào nên đồng chí Khamtay Siphandone chỉ đạo anh em bình tĩnh, lựa chọn đúng trung tâm của điểm phỉ phục kích để nghỉ ngơi. Sự chỉ đạo thông minh của đồng chí Khamtay Siphandone đã khiến bọn phỉ nao núng, rút khỏi nơi tập kích. Trong khi các đồng chí Việt Nam trong đoàn chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì đồng chí Khamtay Siphandone giải thích, muốn thắng địch phải hiểu rõ về chúng. Từ bài học đó, sau này, các đồng chí chuyên gia Việt Nam học hỏi để áp dụng vào việc xây dựng, tư vấn kế hoạch tác chiến phù hợp với từng giai đoạn và từng trường hợp cụ thể.
Năm 1963, với những kiến thức, kinh nghiệm trau dồi được trong thời gian học tập tại Việt Nam, ông Nguyễn Tự Lạc lại quay trở lại Lào với vai trò là chuyên gia công tác tại phòng tham mưu (nay là Bộ tổng tham mưu) của Bộ Quốc phòng Lào. Nhiệm vụ chính của ông là hỗ trợ bạn tăng cường công tác huấn luyện.
“Hơn 37 năm công tác trong vai trò của một chuyên gia công tác tại Bộ tổng tham mưu và Cục tác chiến thuộc Bộ Quốc phòng Lào, tôi lại có cơ hội nhiều lần tiếp xúc trực tiếp với đồng chí Khamtay Siphandone. Khác với vẻ ngoài lạnh lùng, khô khan, đồng chí lại là người rất tâm lý, thực tiễn và sâu sắc. Đồng chí rất thương anh em chuyên gia phải sống xa gia đình nên luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để giúp Lào tốt hơn, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Với mong muốn giúp chúng tôi hòa nhập nhanh với cuộc sống, người dân bản địa, đồng chí luôn chỉ bảo tỉ mỉ về văn hóa và phong tục tập quán của người dân Lào. Đặc biệt, sau năm 1975, sau khi đất nước Lào được giải phóng, năm nào cứ vào dịp Tết Nguyên đán của Việt Nam, đồng chí Khamtay Siphandone cũng đến thăm, động viên, chúc Tết anh em chuyên gia”, ông Nguyễn Tự Lạc xúc động nhớ lại.

Ông Nguyễn Tự Lạc, nguyên là chuyên gia, đã có hơn 40 năm công tác tại Lào.
Giờ đã ở tuổi 92 nhưng ông Nguyễn Tự Lạc vẫn cần mẫn ghi chép, ôn lại những kỷ niệm mà cả đời ông đã gắn bó với đất nước Lào, nơi ông coi là quê hương thứ 2 của mình.
Đặc biệt, ông đã có công viết, biên soạn một phần trong cuốn sách “Đồng chí Khamtay Siphandone trong cuộc kháng chiến chống Mỹ”. Đây được coi là một trong những tư liệu quý giá để các thế hệ trẻ hai nước Việt Nam và Lào hiểu rõ hơn về đồng chí Khamtay Siphandone - nhà lãnh đạo xuất sắc, người con ưu tú của nhân dân các bộ tộc Lào, người bạn thân thiết, rất mực thủy chung của nhân dân Việt Nam.