Đồng chí Lê Duẩn và những bài học lớn về công tác công an

Đồng chí Lê Duẩn là một người học trò trung thành và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo lỗi lạc của cách mạng Việt Nam. Đồng chí là hiện thân của sự tận tâm, tận tụy, của cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Khi nói về đồng chí Lê Duẩn, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã viết: 'Bằng tư duy sáng tạo và phẩm chất lớn lao (...). Tự giác tôi luyện mình trong cuộc đấu tranh cách mạng vĩ đại của dân tộc, đồng chí Lê Duẩn đã trở thành nhà lãnh đạo lỗi lạc của cách mạng Việt Nam'. Cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Lê Duẩn đã để lại nhiều bài học quý báu, có giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta; trong đó, có những bài học lớn đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự và công tác công an.

Bài học về sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng quyết định mọi thắng lợi của công tác công an.

Đồng chí Lê Duẩn từ rất sớm đã tham gia các hoạt động yêu nước và cách mạng, khi hoạt động ở giai đoạn tiền khởi nghĩa cũng như các giai đoạn cách mạng sau này, đồng chí luôn giữ vững nguyên tắc tổ chức quán triệt, thực hiện có hiệu quả cao nhất phương châm Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với cách mạng Việt Nam, trong đó, có sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự và công tác công an. Đồng chí khẳng định: “Trong thời kỳ kháng chiến, chính nhờ Đảng ta đã rất coi trọng việc xây dựng và củng cố lực lượng vũ trang nhân dân, tiến hành chiến tranh nhân dân có tính chất toàn dân, toàn diện và trường kỳ, cho nên đã đưa cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân ta tới thành công rực rỡ”.

Ở giai đoạn tiền khởi nghĩa, đồng chí đã góp phần quan trọng trong bảo đảm an toàn, an ninh, chính trị nội bộ Xứ ủy Trung kỳ, Xứ ủy Nam Bộ trước sự khủng bố, đàn áp đẫm máu của thực dân Pháp. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí đã cùng với Trung ương Đảng xác định rõ đối tượng, nhiệm vụ, biện pháp, phương châm, nguyên tắc đấu tranh của lực lượng Công an nhân dân. Theo đó, đối tượng đấu tranh của lực lượng Công an nhân dân không chỉ có kẻ thù giai cấp, kẻ thù dân tộc, mà còn có bọn phản động, tội phạm khác hoạt động chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và nhân dân ta. Phương châm, nguyên tắc cơ bản trong công tác công an được đồng chí nhấn mạnh: “Đảng lãnh đạo, dựa vào quần chúng, kết hợp tính tích cực của quần chúng với công tác nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn”; do đó, “các cấp ủy Đảng cần tăng cường công tác lãnh đạo công tác công an để giữ gìn an ninh cho tốt”.

Bên cạnh đó, trên cương vị Bí thư thứ nhất của Đảng cùng với Trung ương, đồng chí đã có nhiều chỉ đạo rất quan trọng đối với lực lượng Công an nhân dân trong bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, góp phần củng cố hậu phương miền bắc và đánh Mỹ ở miền nam, đặc biệt là những chỉ đạo về phòng, chống chiến tranh biệt kích, gián điệp của Mỹ - ngụy, đấu tranh chống bọn phản cách mạng và các tội phạm khác thông qua việc ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết như: Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 21-01-1962 của Bộ Chính trị “Về tăng cường đấu tranh chống bọn phản cách mạng”; Nghị quyết số 49-NQ/TVQH ngày 20-6-1961 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Về tập trung hóa giáo dục, cải tạo những phần tử có hành động nguy hại cho xã hội”; Chỉ thị số 66/CT-TW bổ sung “Về công tác phòng, chống gián điệp, biệt kích”...

Sau năm 1975, trước những thách thức mới khi Mỹ tiến hành bao vây, cấm vận nước ta, trên cương vị là Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã chèo lái con thuyền cách mạng, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, tiếp tục có những chỉ đạo lớn đối với công tác công an. Ngày 2-12-1980, đồng chí Lê Duẩn đã ký ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW “Về nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới”; với 7 nguyên tắc chỉ đạo, 8 công tác lớn và 6 biện pháp công tác công an; đồng thời, quy định tổ chức bộ máy và lần đầu tiên cho phép tuyển công dân phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân. Nghị quyết này đặt nền móng lý luận cho cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng và hoàn thiện các biện pháp công tác công an, góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong thời kỳ cách mạng mới. Cùng với Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 25-10-1982 “Về toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kiên quyết đập tan kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của kẻ địch”... và các chỉ thị, nghị quyết khác đã kịp thời chỉ đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phát huy sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và sự gắn bó mật thiết của nhân dân đối với công tác công an.

Bài học về nắm vững chuyên chính vô sản; tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân.

Là một nhà yêu nước và lý luận, đồng chí Lê Duẩn hiểu rõ chỉ có chuyên chính vô sản, chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam mới định hướng, soi đường cho dân tộc Việt Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Điều này đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Duẩn, nhất là trong chỉ đạo, huấn thị, rèn giũa lực lượng vũ trang, trong đó có lực lượng Công an nhân dân. “Nắm vững chuyên chính vô sản là nắm vững đường lối của Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, thực hiện và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, xây dựng Nhà nước vững mạnh; tập hợp các tầng lớp nhân dân đông đảo chung quanh giai cấp công nhân để tiến hành ba cuộc cách mạng, xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xóa bỏ nghèo nàn lạc hậu, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội; củng cố và tăng cường lực lượng quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội, đập tan mọi sự phản kháng và mọi hành động xâm lược của kẻ thù...".

Đồng chí luôn chỉ rõ lực lượng vũ trang nhân dân phải thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Trong phát biểu tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 13 (năm 1959), đồng chí khẳng định: “Công an là vũ khí sắc bén, là trụ cột của Đảng, Đảng giao cho Công an nhiệm vụ bảo vệ Đảng. Công an phải thấy Đảng giao vận mệnh của Đảng cho mình. Vì vậy, Đảng lựa chọn Công an trong những người trung thành nhất với Đảng, những người chỉ biết sống chết với Đảng, chỉ biết còn Đảng thì còn mình”. Đây là sự cổ vũ rất to lớn, bài học xuyên suốt, có ý nghĩa sống còn đối với lực lượng Công an nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Thực tế lịch sử vẻ vang của Công an nhân dân hơn 70 năm qua đã cho thấy, bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng kiên định, vững vàng, trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, với lợi ích quốc gia, dân tộc là một trong những yếu tố quan trọng quyết định để lực lượng Công an nhân dân hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Bài học về xây dựng lực lượng Công an nhân dân vững mạnh về tổ chức, tư tưởng chính trị, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Cùng với xây dựng, củng cố, phát triển lực lượng cách mạng, đồng chí Lê Duẩn luôn chú trọng công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân vững mạnh về mọi mặt. Đồng chí và Trung ương đã có nhiều chỉ đạo quan trọng trong xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng nói chung, lực lượng Công an nhân dân nói riêng nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng lực lượng cách mạng từ ít đến nhiều, củng cố và phát triển phong trào đấu tranh của quần chúng từ thấp đến cao... “Phải xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh về mọi mặt, thật sự là công cụ sắc bén của Nhà nước chuyên chính vô sản". Trên cương vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, đồng chí đã quan tâm, chỉ đạo sâu sát hơn đối với công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Ngày 20-1-1962, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TW Về tăng cường lực lượng Công an, trong đó nhấn mạnh: “Phải kiên quyết và khẩn trương tăng cường lực lượng Công an thành một công cụ chuyên chính tuyệt đối trung thành với Đảng, có liên hệ mật thiết với quần chúng, thành một lực lượng chiến đấu vững mạnh, có tính chất vũ trang, có tổ chức chặt chẽ, thông thạo về nghiệp vụ và có trình độ khoa học, kỹ thuật. Toàn Đảng phải nắm chắc lực lượng Công an và phải coi việc tăng cường lực lượng Công an là một nhiệm vụ chính trị quan trọng”; “công tác củng cố và tăng cường lực lượng Công an bao gồm nhiều mặt: tư tưởng chính trị, tổ chức, nghiệp vụ, trang bị vũ khí và phương tiện... trong đó, việc tăng cường lực lượng Công an về mặt tư tưởng chính trị là vấn đề quan trọng nhất”.

Ở miền bắc, lực lượng Công an được xây dựng, kiện toàn đến tận cấp cơ sở, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa, chi viện cho miền nam. Ở miền nam, lực lượng An ninh cũng không ngừng được củng cố, lớn mạnh, cùng với các lực lượng cách mạng khác vận động, dựa vào quần chúng nhân dân vừa đấu tranh vũ trang, vừa đấu tranh chính trị trên khắp các vùng miền, các khu vực, địa bàn, phá thế kìm kẹp, trực tiếp chiến đấu, tiêu diệt Mỹ - ngụy, bảo vệ các cơ quan của Đảng, căn cứ cách mạng tạo điều kiện và tiền đề quan trọng để thực hiện thắng lợi cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên xã hội chủ nghĩa.

Đất nước thống nhất, nhiệm vụ cách mạng thay đổi, kéo theo sự thay đổi về nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự của lực lượng Công an nhân dân. Nghị quyết hội nghị lần thứ 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhấn mạnh nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là: “Tiếp tục truy quét tàn quân địch, các lực lượng phản cách mạng hiện hành, sẵn sàng đập tan mọi hoạt động bạo loạn, phá hoại, chống đối của chúng, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ chính quyền cách mạng”. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, nghị quyết cũng chỉ rõ phải “xây dựng lực lượng Công an nhân dân vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, có trình độ khoa học, kỹ thuật khá, có tổ chức kỷ luật chặt chẽ, có lực lượng chuyên trách chính quy và cơ sở quần chúng vững mạnh”. Thời gian này, đồng chí Lê Duẩn và Bộ Chính trị đã chỉ đạo cải tiến hệ thống chính trị theo 4 cấp (trung ương, tỉnh, huyện, xã). Theo đó, tổ chức của lực lượng Công an nhân dân cũng được xây dựng, kiện toàn theo 4 cấp: cấp bộ (bao gồm các tổng cục và các đơn vị trực thuộc); cấp tỉnh (bao gồm công an tỉnh, công an thành phố, công an đặc khu); cấp huyện (bao gồm công an ở quận, huyện, thị xã, công an trực thuộc tỉnh); công an cấp xã (bao gồm công an ở cơ sở, phường, thị trấn). Đây là sự chuyển đổi lớn có tác động toàn diện đến công tác xây dựng lực lượng, tạo tiền đề, nền tảng vững chắc cho sự phát triển, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, lực lượng Công an như ngày nay.

Bài học về xác định đúng nhiệm vụ, biện pháp công tác công an ở từng giai đoạn cách mạng.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng gắn liền với vai trò của đồng chí Lê Duẩn, nhiệm vụ, biện pháp công tác công an luôn được đổi mới, bổ sung, chuyển hướng linh hoạt, chủ động, trước những diễn biến của tình hình trong nước và thế giới. Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ (năm 1954) ký kết, đồng chí Lê Duẩn với tư cách là Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách miền nam, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ đã soạn thảo đề cương “Đường lối cách mạng miền nam”, đồng thời, chỉ đạo lực lượng Công an xác định rõ tính chất, nhiệm vụ, đối tượng và yêu cầu mới của cuộc đấu tranh, trong đó nhấn mạnh cần phải tích cực kiện toàn tổ chức; tăng cường công tác nắm tình hình hoạt động gián điệp và phản cách mạng khác, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc, phục vụ đắc lực cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. “Trong thời kỳ kháng chiến,(...) xây dựng và củng cố lực lượng vũ trang nhân dân là một trong những điều kiện quan trọng của cách mạng nước ta để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ và phát triển những thành quả của cách mạng”. Khi chỉ đạo Trung ương Cục miền Nam, đồng chí chỉ rõ: “Phải "cấy" người vào những vùng chưa có hoặc thưa dân cư, xây dựng cho được lực lượng vũ trang tại chỗ để làm chủ khắp các vùng rừng núi”.

Đất nước thống nhất, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện hai nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12-1976) xác định bảo đảm an ninh, trật tự “là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của Nhà nước, là một trong những công tác lớn ở vùng mới giải phóng miền nam. Chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động của bọn gián điệp, đế quốc, tư bản; kịp thời và kiên quyết trấn áp bọn phá hoại hiện hành, đập tan mọi mưu mô ngóc đầu dậy của giai cấp bóc lột và của phản động; ra sức đấu tranh chống các tội phạm khác, tích cực bài trừ các tệ nạn xã hội; ngăn ngừa và làm giảm tới mức thấp nhất các tệ nạn xã hội”. Đồng chí nhấn mạnh: “Nhà nước ta phải đủ sức bảo vệ an ninh chính trị và trật tự xã hội, kịp thời đập tan mọi mưu mô của bọn phản cách mạng”; “Phong trào giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội, củng cố quốc phòng, xây dưng các lực lượng vũ trang lớn mạnh, bảo vệ vững chắc biên giới của Tổ quốc”. Đây là sự chuyển hướng quan trọng về nhiệm vụ công tác công an trước những thay đổi của tình hình thực tế gắn liền với dấu ấn của đồng chí Lê Duẩn đối với cách mạng nói chung, lực lượng Công an nói riêng; qua đó góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị của đất nước trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, tạo điều kiện, tiền đề cơ bản đưa đất nước ra khỏi tình trạng khủng hoảng, thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới.

Bài học về phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân và thế trận lòng dân vững chắc.

“Lấy dân làm gốc” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, có tính nguyên tắc của Đảng ta trong mọi thời kỳ cách mạng. Đối với lực lượng vũ trang nói chung, lực lượng Công an nói riêng, quan điểm đó lại càng được thể hiện sâu sắc. Đồng chí Lê Duẩn chỉ rõ: “Công tác an ninh và quốc phòng cần được chú ý đầy đủ đối với một tỉnh biên giới... Phải phối hợp tất cả các lực lượng vũ trang và an ninh, dựa chắc vào quần chúng, để đấu tranh chống lại những âm mưu và hành động phá hoại của các loại phản động”. Đồng chí cũng nhấn mạnh: “Phối hợp tốt giữa lực lượng Công an nhân dân với quân đội nhân dân, dân quân tự vệ và lực lượng của quần chúng trong việc giữ gìn an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội”. Trong thực tiễn, lực lượng Công an đã luôn chú trọng, kiên trì tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc bằng nhiều hình thức, biện pháp phù hợp. Nếu trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp khẩu hiệu “3 không” phát huy tác dụng to lớn thì trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lực lượng Công an miền bắc đã kịp thời đưa ra khẩu hiệu “3 phòng” nhằm đẩy mạnh phong trào “bảo vệ trị an” ngoài xã hội và phong trào “bảo mật, phòng gian”, xây dựng cơ quan, đơn vị an toàn. Ở miền nam, lực lượng An ninh cũng xây dựng và duy trì có hiệu quả phong trào “phòng gian, bảo mật” với nội dung, hình thức phù hợp nhằm giáo dục ý thức cảnh giác cách mạng, phát huy tính tích cực của quần chúng trong thực hiện các nhiệm vụ công tác công an.

Có thể khẳng định, những chiến công, thành tích vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân từ khi ra đời đến nay là do sự chăm lo, dìu dắt của Đảng, của Bác Hồ và của các đồng chí lãnh đạo Đảng, trong đó có đồng chí Lê Duẩn. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Duẩn đã để lại nhiều bài học sâu sắc, quý báu và còn nguyên giá trị đối với lực lượng Công an nhân dân. Nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí, lực lượng Công an nhân dân xin khắc ghi, nguyện nỗ lực học tập những bài học mà đồng chí đã để lại cho ngành. Đồng thời, không ngừng củng cố, kiện toàn và xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, đi đầu trong đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nêu, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Thượng tướng, GS, TS TÔ LÂM - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/32503502-dong-chi-le-duan-va-nhung-bai-hoc-lon-ve-cong-tac-cong-an.html