Đồng chí Lê Quang Đạo, Nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta

Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (8/8/1921-8/8/2021), Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Dung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng đã có bài viết: 'Đồng chí Lê Quang Đạo, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta'.

Đồng chí Lê Quang Đạo, một nhà lãnh đạo, chỉ huy ưu tú của quân đội, một vị tướng có đủ những đức tính trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung như Bác Hồ đã từng dạy. Trong ảnh: Chân dung Trung tướng Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (1976). Ảnh: TTXVN

Đồng chí Lê Quang Đạo, một nhà lãnh đạo, chỉ huy ưu tú của quân đội, một vị tướng có đủ những đức tính trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung như Bác Hồ đã từng dạy. Trong ảnh: Chân dung Trung tướng Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (1976). Ảnh: TTXVN

Thông tấn xã Việt Nam trên trọng giới thiệu bài viết này.

Đồng chí Lê Quang Đạo, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo gặp gỡ các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa VIII (1992). Ảnh: Xuân Tuân/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo gặp gỡ các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa VIII (1992). Ảnh: Xuân Tuân/TTXVN

Đồng chí Lê Quang Đạo, tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyện, sinh ngày 8/8/1921, tại xã Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Đồng chí tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi (1938), hoạt động trong phong trào Thanh niên dân chủ. Năm 1940, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1941-1942, là Bí thư Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Phúc Yên, Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ. Năm 1943-1945, là Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Từ tháng 5/1945 đến tháng 8/1945, là Chính trị viên Chi đội giải phóng quân Bắc Giang, trực tiếp tham gia lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Bắc Giang.

Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa VIII (14/6/1990). Ảnh; Xuân Lâm/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa VIII (14/6/1990). Ảnh; Xuân Lâm/TTXVN

Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được giao các trọng trách: Bí thư Thành ủy Hải Phòng (9/1945 – 5/1946); Bí thư Thành ủy Hà Nội, Phó Bí thư Khu ủy đặc biệt Hà Nội - Khu XI (5/1946 – 12/1946); Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Liên Tỉnh ủy Hà Nội - Hà Đông, Ủy viên Thường vụ Liên khu ủy Liên khu III (1947-1948); Phó trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương (1949).

Năm 1950, đồng chí được điều động vào Quân đội. Năm 1978, rời Quân đội, đồng chí được Trung ương phân công giữ chức Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội (1978-1982); Trưởng ban Khoa giáo Trung ương (1982-1986). Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII (6/1987), đồng chí được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1987-1992). Tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ tư (8/1994), đồng chí được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và giữ cương vị này cho đến khi qua đời (24/7/1999).

Đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa III đến khóa VI (dự khuyết từ năm 1960, chính thức từ năm 1972 đến 1991); Bí thư Trung ương Đảng khóa IV và V (1976-1986); Đại biểu Quốc hội khóa VIII và IX.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Quang Đạo gắn bó với Đảng, Nhà nước, Mặt trận và Quân đội nhân dân Việt Nam. Trên các cương vị công tác, đồng chí luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm việc tận tụy, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đồng chí là "nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta", "tấm gương người cộng sản mẫu mực, một nhà yêu nước chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh" (trích Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc tại lễ truy điệu đồng chí Lê Quang Đạo, ngày 27/7/1999). Do có nhiều công lao và thành tích đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng (truy tặng năm 2002) và nhiều Huân, Huy chương khác.

Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo gặp mặt và nói chuyện với thiếu nhi là con thương binh, liệt sỹ, học sinh xuất sắc của tỉnh Hà Tĩnh (22/7/1992). Ảnh: Xuân Tuân/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo gặp mặt và nói chuyện với thiếu nhi là con thương binh, liệt sỹ, học sinh xuất sắc của tỉnh Hà Tĩnh (22/7/1992). Ảnh: Xuân Tuân/TTXVN

Hoạt động và đóng góp của đồng chí Lê Quang Đạo với cách mạng Việt Nam là rất to lớn, trên nhiều lĩnh vực. Có thể khái quát những đóng góp của đồng chí trên một số nội dung sau: Một là, trong thời kỳ vận động cách mạng, đấu tranh giành chính quyền, đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn trong công tác xây dựng, phát triển tổ chức Đảng và phong trào cách mạng ở các tỉnh Bắc Ninh, Phúc Yên, Hà Nội, Bắc Giang.

Được Trung ương Đảng và Bác Hồ giao phụ trách ở những địa bàn quan trọng, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, khốc liệt, Đảng hoạt động bí mật, đồng chí đã cùng các đồng chí trong Ban cán sự Đảng các tỉnh, tích cực gây dựng cơ sở cách mạng, phát triển đảng viên, lập Mặt trận Việt Minh và các tổ chức quần chúng, xây dựng địa bàn đứng chân vững chắc của cách mạng, tổ chức bảo vệ chu đáo nhiều cuộc họp của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ, tạo tiền đề và điều kiện thuận lợi cho khởi nghĩa thắng lợi ở các tỉnh này. Qua thực tiễn, đồng chí Lê Quang Đạo đã thể hiện tư chất của một nhà lãnh đạo trẻ tuổi, kiên định, dũng cảm, năng động, sáng tạo.

Hai là, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí là một nhà lãnh đạo đầy bản lĩnh, người chỉ huy chính trị-quân sự tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo tiếp đoàn đại biểu Quốc hội Indonesia do Ngài Mohamad Kharis Suhud, Chủ tịch Hội đồng Hiệp thương nhân dân, Chủ tịch Hội đồng đại biểu nhân Indonesia làm trưởng đoàn (1992). Ảnh: Xuân Tuân/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo tiếp đoàn đại biểu Quốc hội Indonesia do Ngài Mohamad Kharis Suhud, Chủ tịch Hội đồng Hiệp thương nhân dân, Chủ tịch Hội đồng đại biểu nhân Indonesia làm trưởng đoàn (1992). Ảnh: Xuân Tuân/TTXVN

Trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" của chính quyền cách mạng non trẻ, là Bí thư Thành ủy Hải Phòng đồng chí đã cùng Ban lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ Hải Phòng tổ chức lập lại Thành ủy Hải Phòng và cùng Thành ủy chú trọng công tác xây dựng đảng, xây dựng chính quyền, mở rộng các đoàn thể cứu quốc, tổ chức thành công Tổng tuyển cử, phát triển lực lượng vũ trang cách mạng, chuẩn bị sẵn sàng đối phó với âm mưu xâm lược của thực dân Pháp.

Khi thực dân Pháp gây chiến, quyết tâm cướp nước ta một lần nữa, là Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Liên tỉnh ủy Hà Nội-Hà Đông, đồng chí đã cùng Ban lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ Hà Nội bảo vệ Trung ương rút khỏi Hà Nội an toàn, cùng Trung đoàn Thủ đô chiến đấu, cầm cự suốt 2 tháng trong nội thành. Khi quân Pháp tiến hành càn quét đánh phá, đồng chí quyết định đưa cán bộ về cơ sở, tổ chức lực lượng du kích, đào hầm bí mật, chiến đấu ngay trong lòng địch, gây cho địch nhiều khó khăn, tổn thất, góp phần đưa phong trào cách mạng ở Hà Nội phát triển.

28 năm trong quân ngũ đầy gian khổ hy sinh (1950-1978), đồng chí được Đảng, Quân đội tin tưởng, giao giữ những cương vị quan trọng: Phụ trách công tác tuyên huấn chiến dịch Biên giới (1950), Cục trưởng Cục Tuyên huấn (1951); Phó Chủ nhiệm chính trị chiến dịch Điện Biên Phủ, Phó trưởng đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ban Liên hiệp đình chiến Việt - Pháp (1954); Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, phụ trách công tác tuyên huấn quân đội (1955); Ủy viên Quân ủy Trung ương (1960); Chính ủy các chiến dịch: Đường 9 - Khe Sanh (12/1967-7/1968), Đường 9-Nam Lào (2/1971-3/1971), Trị-Thiên (3/1972-6/1972)); Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, kiêm Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Học viện Chính trị quân sự, (1973-1978). Trên các cương vị công tác, đồng chí Lê Quang Đạo đã thể hiện bản lĩnh chính trị, tư duy sắc sảo của một nhà chỉ huy chính trị - quân sự tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1958, đồng chí được phong quân hàm Thiếu tướng; năm 1974, được phong quân hàm Trung tướng.

Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo thăm và chúc tết chiến sĩ, lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Lạng Sơn (1992). Ảnh: Đình Trân/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo thăm và chúc tết chiến sĩ, lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Lạng Sơn (1992). Ảnh: Đình Trân/TTXVN

Ba là, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đồng chí là một nhà lãnh đạo tài năng, có uy tín lớn của Đảng, Quốc hội và Mặt trận, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước.

Là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, khi đất nước bắt đầu lâm vào khủng hoảng kinh tế-xã hội, đồng chí đã đi sâu nghiên cứu và nhận thức được những khó khăn của đất nước, thẳng thắn chỉ ra những yếu kém trong công tác khoa giáo, kịp thời đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư một số vấn đề cấp bách của công tác khoa giáo, nhằm nâng cao chất lượng trong hệ thống giáo dục, từng bước đổi mới cơ chế quản lý nghiên cứu khoa học- kỹ thuật. Những quan điểm và hoạt động của đồng chí trong công tác khoa giáo thể hiện tầm nhìn mới và tư duy đổi mới sáng tạo về công tác khoa giáo, đóng góp vào quá trình hình thành đường lối đổi mới của Đảng.

Là người đứng đầu Quốc hội khóa VIII khi tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến đổi nhanh chóng, phức tạp và khó lường, đồng chí Lê Quang Đạo đã quyết tâm chỉ đạo nhằm thể chế hóa đường lối đổi mới của Đảng, đổi mới sâu sắc, toàn diện về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, phục vụ công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Quốc hội khóa VIII đã xây dựng các bộ luật, đạo luật và pháp lệnh, với nội dung toàn diện hơn, bao gồm cả vấn đề kinh tế, chính trị, tổ chức bộ máy, bảo đảm quyền dân chủ của công dân, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Quốc hội đã tiến hành sửa đổi Hiến pháp năm 1980 một cách cơ bản và toàn diện, thành Hiến pháp năm 1992, phục vụ cho công cuộc đổi mới. Quốc hội cũng đã chú trọng hơn đến chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đặc biệt là vấn đề về kinh tế-xã hội và thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.

Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Lê Quang Đạo tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng (20/12/1994). Ảnh: Thu Hoài/TTXVN

Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Lê Quang Đạo tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng (20/12/1994). Ảnh: Thu Hoài/TTXVN

Trên cương vị Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí Lê Quang Đạo có đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong hoạt động của Mặt trận. Đồng chí trực tiếp chỉ đạo xây dựng và đề xuất với Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 17-CT/TW, ngày 18/4/1983, "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới". Đồng chí đã cùng Đảng đoàn Mặt trận tham mưu để Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 07/NQ-TW, ngày 17/11/1993 về "Đại đoàn kết dân tộc, tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất trong tình hình mới. Đồng chí đã cùng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định mở cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư". Đồng chí dành nhiều tâm huyết, trí tuệ và thời gian vào việc xây dựng Luật Mặt trận, xác định rõ tính chất, vị trí, vai trò, quyền và trách nhiệm của Mặt trận. Những chủ trương, chính sách mới của Đảng, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đi vào cuộc sống đã tạo ra bước ngoặt trong công tác Mặt trận, nâng cao vai trò của Mặt trận, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bốn là, đồng chí Lê Quang Đạo, tấm gương người cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn sáu thập kỷ hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Quang Đạo đã hiến dâng trọn đời tranh đấu cho độc lập của dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đồng chí là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức cách mạng, tinh thần tiên phong, gương mẫu, ý chí kiên cường của người chiến sĩ cộng sản. Đồng chí Lê Quang Đạo là tấm gương mẫu mực về thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư: Sống giản dị, tiết kiệm, chân thành, trung thực, ham học, ham làm, ham tiến bộ; làm bất cứ việc gì đều đặt lợi ích của nhân dân, của Đảng lên trên hết, trước hết, không vụ lợi cho cá nhân và gia đình; không ngừng rèn luyện, phấn đấu trở thành một cán bộ vừa có tâm vừa có tài, vững lý luận, thạo thực hành, cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không chỉ kính trọng phẩm chất đạo đức cách mạng và tài năng của "người cộng sản kiên cường mẫu mực, một nhà yêu nước chân chính", mà còn đặt trọn niềm tin đối với một nhân cách lớn - nhân cách Lê Quang Đạo - nhân cách để đồng chí trở thành một nhà lãnh đạo "có uy tín lớn", một "học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Hiện nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang tích cực triển khai đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào thực tiễn; thực hiện Kết luận 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa phòng chống hiệu quả dịch COVID-19, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội.

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của đồng chí Lê Quang Đạo là dịp để chúng ta khẳng định và tôn vinh những cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam. Chúng ta cùng tri ân sâu sắc công lao, cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và các thế hệ cách mạng tiền bối, có thêm tinh thần, ý chí và nghị lực để kế thừa, phát huy những giá trị cao đẹp được trao truyền lại, quyết tâm đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.

TTXVN/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/dong-chi-le-quang-dao-nha-lanh-dao-co-uy-tin-lon-cua-dang-nha-nuoc-va-nhan-dan-ta-20210806122050208.htm