Đồng chí Nguyễn Ngọc Ẩn: Người lãnh đạo trong giai đoạn khó khăn của thành phố
Chú Năm Ẩn (Nguyễn Ngọc Ẩn) thuộc thế hệ lãnh đạo TPHCM trong thời kỳ đầy khó khăn sau ngày giải phóng. Thế hệ lãnh đạo ấy đã một lòng vì nước, vì dân; hợp lực cùng Đảng bộ và nhân dân vượt qua mọi thách thức, đưa thành phố đi lên.
Chú Năm Ẩn sinh ra trong một gia đình yêu nước ở xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Ông tham gia cách mạng ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945, làm công tác bình dân học vụ, phụ trách thiếu nhi và làm liên lạc đội trinh sát trừ gian. Sau đó, ông được cử đi học trường Trung học kháng chiến Nguyễn Văn Tố, Nam bộ và được kết nạp vào Đảng năm 1949. Trước khi tập kết ra Bắc năm 1954, ông làm việc ở Phân Sở Công an miền Đông. Ra Bắc, ông có thời gian làm việc khá lâu ở Bộ Tài chính (trước và sau khi tốt nghiệp Đại học Tài chính ở Liên Xô).
Tháng 4-1975, cùng các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn có đoàn tài chính do Trung ương Cục thành lập. Chú Năm Ẩn được giao nhiệm vụ phụ trách đoàn và đã vào tiếp quản tại Bộ Tài chính chế độ cũ. Ngay sau đó, chú Năm Ẩn đảm trách chức vụ Giám đốc Sở Tài chính đầu tiên của thành phố (từ tháng 8-1975 đến tháng 11-1976), với nhiệm vụ ban đầu chủ yếu là đảm bảo ngân sách cho chính quyền mới thành lập ở các cấp; quản lý và tiếp thu các tài sản, vật tư do chế độ cũ để lại; thực hiện chức năng thanh tra, giám đốc tài chính và xây dựng đội ngũ cán bộ tài chính…
Từ tháng 11-1976 đến tháng 11-1980, chú Năm Ẩn giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Tài chính. Sau đó, chú Năm Ẩn tham gia Thành ủy, giữ các chức vụ: Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy các khóa II, III, IV, V; Ủy viên Thường trực Thành ủy TPHCM; Trưởng Ban Kinh tế Thành ủy TPHCM; Phó Chủ tịch UBND TPHCM.
Nhờ có thâm niên công tác trong ngành tài chính, chú Năm Ẩn là một trong những người đã tham mưu cho Thành ủy TPHCM lãnh đạo thành công việc xóa bỏ cơ chế quản lý kinh tế tập trung, bao cấp, hình thành tư duy đổi mới cơ chế quản lý, huy động các thành phần kinh tế phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước đưa TPHCM vượt qua khó khăn, thách thức.
Chú Năm Ẩn còn là thành viên soạn thảo đề án thành lập ngân hàng cổ phần thí điểm đầu tiên trên thị trường tài chính tiền tệ của nước ta, và có thời gian làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của Sài Gòn Công thương Ngân hàng (đại diện cổ phần kinh tế Đảng). Ông cho rằng đây là việc làm cần thiết để đáp ứng nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của thành phố bấy giờ; nhưng đây là mô hình mới mẻ, phải lắng nghe ý kiến chuyên gia, kể cả các chuyên gia giỏi về lĩnh vực ngân hàng ở miền Nam trước đây như Lâm Võ Hoàng, Huỳnh Bửu Sơn và một số anh em khác, cùng với các cuộc trao đổi nhằm tạo sự đồng tình, thống nhất với Ngân hàng Nhà nước…
Dù ở bất kỳ cương vị công tác nào, chú Năm Ẩn đã luôn thể hiện sự tâm huyết, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, thể hiện sự khiêm tốn, giản dị và chân tình. Là Ủy viên Thường vụ Thành ủy nhưng được phân công là Thường trực Thành ủy, giúp việc trực tiếp cho Bí thư Thành ủy Võ Trần Chí những năm 1993-1996, chú Năm Ẩn được nhiều đồng chí trong Thành ủy nể trọng bởi tinh thần làm việc kỹ càng, thận trọng, trong sáng, vô tư, sự công tâm, khách quan và ứng xử chuẩn mực.
Nhiều Thành ủy viên lúc bấy giờ vẫn còn nhớ tinh thần làm việc hết sức dân chủ, cởi mở. Họp Thành ủy thường chia tổ thảo luận, ý kiến phát biểu được tổng hợp đầy đủ và ai cũng cảm thấy mình được lắng nghe, tôn trọng và phát huy, ai cũng thấy mình được trưởng thành qua công việc. Chú Năm Ẩn với tư cách là Ủy viên Thường vụ - Thường trực Thành ủy đã “làm đúng vai và thuộc bài”. Ông là một người chu đáo, luôn muốn lắng nghe, luôn muốn giúp đỡ. Ông không bao giờ thể hiện mình là người có quyền uy, quan cách, khó tính hay hở chút là phê phán. Ông luôn là người có nụ cười hiền, muốn được chia sẻ, giúp đỡ người khác, nhất là cấp dưới của mình.
Những năm gần đây, chú Năm Ẩn yếu, ít tham dự các cuộc họp mặt do Thành ủy tổ chức. Dù ít được gặp chú nhưng trong thâm tâm vẫn rất quý trọng chú, một nhà lãnh đạo, một nhân cách đẹp không màng chức vụ, không nặng đặc quyền.
Với 92 tuổi đời, hơn 50 năm hoạt động cách mạng, hôm nay chú Năm Ẩn đã về với thế giới người hiền, để lại bao niềm tiếc thương. Xin kính cẩn tiễn biệt chú Năm Ẩn và luôn nhớ về chú với tấm lòng biết ơn và cảm phục.