'Đồng chí Nguyễn Thị Thập-cuộc đời và sự nghiệp' (P4)

phunuvietnam.vn xin giới thiệu bài viết 'Nguyễn Thị Thập với phong trào 'Ba đảm đang' của TS. Trần Thị Thu Hiền Phó Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng cán bộ, Học viện Phụ nữ Việt Nam.

NGUYỄN THỊ THẬP VỚI PHONG TRÀO “BA ĐẢM ĐANG”

Mùa xuân năm 1975, sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước của dân tộc ta đã kết thúc thắng lợi nhưng dư âm bản hùng ca vĩ đại đó còn mãi vang vọng. Phụ nữ Việt Nam có quyền tự hào với huyền thoại “Đội quân tóc dài” của phụ nữ miền Nam và phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ Miền Bắc.

Những ngày tháng này, chúng ta đang hướng đến kỷ niệm 20 năm ngày mất đồng chí Nguyễn Thị Thập, người con ưu tú của đất Thành đồng, người Mẹ Việt Nam anh hùng, người đảng viên kiên trung, người lãnh đạo Hội tận tụy hết lòng vì sự phát triển của tổ chức Hội và phong trào phụ nữ Việt Nam trong đó nổi bật là phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”. Đó là một hoạt động có ý nghĩa sâu sắc nhằm tri ân sự hy sinh cao cả của đồng chí Nguyễn Thị Thập với sự nghiệp cách mạng của nước nhà và phong trào phụ nữ đồng thời tôn vinh những đóng góp của đồng chí Mười Thập (bí danh của đồng chí Nguyễn Thị Thập) nói riêng, phụ nữ cả nước nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ anh dũng của dân tộc.

Cách đây hơn 50 năm, đế quốc Mỹ đã leo thang bắn phá miền Bắc nhằm hủy diệt và ngăn chặn sự ủng hộ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến miền Nam. Nêu cao khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, miền Bắc lúc đó đã sục sôi một phong trào tình nguyện vào miền Nam chiến đấu; đồng thời vừa tích cực lao động sản xuất, vừa sẵn sàng trực chiến chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Khắp nơi, thanh niên nam nữ đồng lòng lên đường nhập ngũ hoặc xin vào dân công để Nam tiến. Những người mẹ, người vợ, người yêu, người em một mặt động viên con, chồng, người yêu, anh trai tham gia bảo vệ tổ quốc một mặt viết đơn tình nguyện xin được làm thêm những công việc nặng nhọc để người thân yên tâm đi chiến đấu.

Trước nhiệm vụ cứu nước khẩn trương, bảo vệ miền Bắc, ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam, đánh bại âm mưu của giặc Mỹ, thể theo nguyện vọng yêu nước thiết tha của hàng triệu phụ nữ, Chủ tịch Nguyễn Thị Thập cùng với tập thể Ban Thường trực Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã thảo luận, xin ý kiến Ban chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam và đi đến quyết định đề xuất với Trung ương Đảng phát động trong toàn thể phụ nữ miền Bắc phong trào “Ba đảm nhiệm”. Bộ chính trị Trung ương Đảng đã nhất trí cao với đề xuất này, coi đó là sự chuyển hướng kịp thời khẩu hiệu vận động phụ nữ trước tình thế cấp bách của đất nước.

Ngày 19-3-1965, Báo Nhân dân đưa tin trên trang nhất: “Hôm qua Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tuyên bố kêu gọi chị em hãy nhiệt liệt hưởng ứng phong trào “Ba đảm nhiệm” với nội dung chính là:

Đảm nhiệm sản xuất thay thế chồng con đi chiến đấu

Đảm nhiệm gia đình để chồng con yên tâm chiến đấu

Đảm nhiệm sẵn sàng phục vụ chiến đấu khi cần thiết

Ngay lập tức, phong trào đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của phụ nữ khắp các ngành, địa phương.

Bà Nguyễn Thị Thập (hàng đầu, bìa trái) với các đại biểu dự Hội nghị phụ nữ “Ba đảm đang” ngành đường sắt năm 1966.

Trước đó, tại Hội nghị mở rộng của Ban chấp hành Hội LHPN tỉnh Hà Tây tháng 3-1965, Hội LHPN huyện Đan Phượng đã gửi thư lên Ban chấp hành Đảng bộ Hà Đông hứa sẽ quyết tâm vận động phụ nữ trong huyện thực hiện tốt ba nhiệm vụ: (1) Gánh vác thêm phần việc của chồng, con, anh em và động viên chồng, con, anh em lên đường đi chiến đấu; (2) Đảm nhiệm và hoàn thành mọi nhiệm vụ sản xuất, công tác ở địa phương để nam giới yên tâm ở lại chiến trường chiến đấu cho đến ngày không còn một tên giặc; (3) Sẵn sàng tham gia phục vụ chiến đấu và chiến đấu ở địa phương khi cần thiết”. Nhận được báo cáo, với cương vị là chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đồng chí Mười Thập đã họp bàn thống nhất trong Ban Thường trực đề ra chủ trương cử các đoàn đi công tác cơ sở, nắm bắt rõ thực tế, tổng hợp tình hình để có những chỉ đạo chiến lược. Từ kết quả này, đồng chí càng thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, khả năng cách mạng của phụ nữ miền Bắc để có những định hướng chỉ đạo sát hợp.

Ngày 22-3-1965, Chỉ thị số 03 của Ban Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam về mở cuộc vận động phong trào “Ba đảm nhiệm” trong phụ nữ, tăng cường đẩy mạnh sản xuất và chiến đấu được ban hành. Chỉ thị xác định rõ nhiệm vụ cấp thiết của Hội lúc này là: “Giáo dục, động viên toàn thể phụ nữ nhận rõ tình hình nhiệm vụ mới, thấy rõ trách nhiệm để có một sự chuyển biến mới về tư tưởng, tình cảm cũng như trong hành động, phát huy truyền thống và lực lượng cách mạng tiềm tàng của phong trào phụ nữ nước ta, trong đó quan trọng nhất là chị em phụ nữ nông dân ra sức nỗ lực nâng cao sản xuất, tích cực phục vụ chiến đấu và tham gia chiến đấu. Cụ thể làm cho mỗi người phụ nữ gánh vác thêm việc sản xuất, công tác cũng như việc gia đình, để thay thế thanh niên đi phục vụ chiến đấu hoặc sẵn sàng đi chiến đấu khi Tổ quốc cần đến”.

Chỉ thị xác định mục đích phong trào là giáo dục, động viên chị em phụ nữ nhận rõ tình hình mới, trách nhiệm để quyết tâm đẩy mạnh sản xuất và chiến đấu, nâng cao năng suất lao động và hiệu suất công tác, qua đó tạo thêm điều kiện thực hiện bình đẳng của phụ nữ. Chỉ thị cũng phân tích cụ thể nội dung của phong trào, kế hoạch triển khai cụ thể về công tác tuyên truyền, tổ chức lễ phát động ở cơ sở, chỉ đạo điểm để rút kinh nghiệm và nhân rộng điển hình. Đặc biệt, Chỉ thị nhấn mạnh cần làm cho các cấp Hội thông suốt tư tưởng và nhận thức về việc kết hợp nội dung “5 tốt” vào phong trào “3 đảm nhiệm" để hướng dẫn cho quần chúng phụ nữ thực hiện và bình bầu thi đua. Không thực hiện “5 tốt” một cách đơn thuần, tĩnh tại mà phải nâng nội dung phù hợp với thực tiễn của tình hình nhiệm vụ.

Từ định hướng chỉ đạo này, phong trào “Ba đảm nhiệm” nhanh chóng được tất các các cấp Hội triển khai thực hiện với những hoạt động cụ thể và sự đồng lòng hưởng ứng của hàng triệu hội viên, phụ nữ toàn miền Bắc. Xuất phát từ tình hình nhiệm vụ mới và yêu cầu thực tiễn, sau khi phong trào được phát động được một thời gian ngắn, Chủ tịch Hồ Chí Minh gợi ý cho Hội LHPN Việt Nam đổi tên phong trào “Ba đảm nhiệm” thành phong trào “Ba đảm đang”.

Phong trào phát triển sôi động ở tất cả các cấp hội cơ sở. Đến tháng 5 năm 1965 (sau hơn 2 tháng kể từ khi phát động), toàn miền Bắc đã có 1 triệu 70 vạn phụ nữ đăng ký danh hiệu “Ba đảm đang” thi đua lập thành tích xuất sắc. Hàng triệu lá đơn của các mẹ, các chị đăng ký sẵn sàng thay thế chồng, con, anh, em đi chiến đấu. Chị em phấn đấu vươn lên gánh vác việc nước, việc nhà; phong trào phát triển nhanh chóng, thu hút không chỉ hội viên phụ nữ tham gia mà dường như lôi cuốn toàn thể nhân dân miền Bắc hưởng ứng, ủng hộ một cách thiết thực theo hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương, của từng ngành.

Lệnh Tổng động viên cục bộ được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 5-5-1965 đã động viên hàng chục vạn thanh niên trai tráng xung phong lên đường nhập ngũ. Đoàn thanh niên phát động phong trào “Ba sẵn sàng”; Tổng Công đoàn đẩy mạnh phong trào “Ba điểm cao”. Khi tiền tuyến yêu cầu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, hậu phương yêu cầu phải giữ vững sản xuất trong điều kiện lực lượng trai tráng sung sức lên đường diệt giặc. Trước tình thế đó, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi hậu phương miền Bắc“Cả nước một lòng đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, tạo nên chuyển biến mới trong phong trào thi đua yêu nước khắp các ngành, các địa phương miền Bắc.

Năm 1965, một số địa phương đã tổ chức Đại hội “Ba đảm đang” cấp tỉnh/thành. Đại hội phụ nữ “Ba đảm đang” lần thứ nhất của phụ nữ thủ đô đã vinh dự được đón chủ tịch Hồ Chí Minh về dự. Trong bài phát biểu tại Đại hội, Người nói: “Hai nghìn năm trước đây ta đã có các nữ anh hùng: Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, trong kháng chiến chống Pháp trước kia và trong kháng chiến chống Mỹ ngày nay, ta cũng có nhiều anh hùng là phụ nữ. Trên thế giới chưa có nơi nào phụ nữ làm Phó Tổng tư lệnh như ở miền Nam nước ta. Thi đua với phụ nữ miền Nam là đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh. Khó khăn đến mấy ta cũng vượt qua được và nhất định chúng ta đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược”. Lời của Bác đã động viên, khích lệ tinh thần không chỉ của phụ nữ thủ đô mà còn có sức lan tỏa đến phụ nữ cả nước. Đại hội phụ nữ “Ba đảm đang” nhiều tỉnh/thành khác đã được Bác gửi điện chúc mừng. Trong bức điện gửi phụ nữ Hải Phòng, Bác viết: “Bác vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi các chị em phụ nữ "Ba đảm đang" của Hải Phòng đã có thành tích khá trong sản xuất và chiến đấu. Chúc các cô cố gắng hơn nữa và tiến bộ hơn nữa để góp phần xứng đáng trong công cuộc chống Mỹ, cứu nước”. Những lời căn dặn của Bác như tiếp thêm sức mạnh cho phụ nữ miền Bắc nỗ lực thi đua, góp sức cùng miền Nam đánh Mỹ.

Để tiếp tục đưa phong trào lên một tầm cao mới, ngày 19-2-1966, Chủ tịch Nguyễn Thị Thập cùng Ban Thường trực Trung ương Hội LHPN Việt Nam ra chỉ thị về việc tổ chức Đại hội "Ba đảm đang" và bình bầu những người xuất sắc trong phong trào nhằm biểu dương thành tích, sơ kết và rút kinh nghiệm cho việc chỉ đạo phong trào trong thời gian tới. Chủ trương đẩy mạnh cuộc vận động “Ba đảm đang” thành phong trào quần chúng lớn mạnh duy nhất của phụ nữ. Chỉ thị khẳng định cuộc vận động “Ba đảm đang” hiện nay là bước phát triển mới của phong trào “5 tốt” phù hợp với thời chiến. Từ thời điểm này trở đi, phong trào “Ba đảm đang” trở thành nội dung trọng tâm trong hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Nhằm động viên phong trào của phụ nữ hai miền Nam - Bắc, ngày 8-3-1966, Chủ tịch Nguyễn Thị Thập, thay mặt Hội LHPN Việt Nam phát động chị em hai miền thi đua thực hiện “Ba đảm đang” với tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội Liên hiệp phụ nữ Giải phóng miền Nam cùng giao ước thi đua thực hiện nhiệm vụ do yêu cầu của cách mạng đề ra cho Hội trong tình hình mới và khẳng định cuộc thi đua yêu nước của phụ nữ hai miền Nam – Bắc nhất định thắng lợi. Đồng chí Nguyễn Thị Định - Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam - đã hoan nghênh chủ trương của Chủ tịch Nguyễn Thị Thập và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Đồng chí Ba Định đề nghị “Phụ nữ hai miền cùng nhau thi đua đẩy mạnh phong trào “Ba đảm đang” ở miền Bắc và phong trào “5 tốt” ở miền Nam để cùng với toàn dân đẩy mạnh hơn nữa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”. Đồng chí Ba Định cũng tin tưởng rằng, với truyền thống đấu tranh bất khuất, sự nỗ lực thi đua, chị em phụ nữ hai miền nhất định sẽ đẩy mạnh phong trào phụ nữ trong cả nước, cùng toàn dân đập tan mọi âm mưu xâm lược của kẻ thù. Ghi nhận sự đóng góp to lớn của phụ nữ hai miền Nam – Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng và Chính phủ tặng phụ nữ Việt Nam 12 chữ vàng: “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang, chống Mỹ, cứu nước” nhân kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1966).

Năm 1967, Chủ tịch Nguyễn Thị Thập thống nhất trong Ban thường trực Trung ương Hội đã trao tặng cờ “Ba đảm đang” cho phong trào phụ nữ 19 tỉnh/thành có thành tích xuất sắc, tặng bằng khen cho 7 tỉnh/thành có nhiều cố gắng đạt thành tích từng mặt trong phong trào “Ba đảm đang”.

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn ác liệt, hậu phương miền Bắc đã làm hết sức mình vì tiền tuyến đánh to thắng lớn. Yêu cầu chi viện chiến trường về sức người và sức của càng đòi hỏi chị em ở hậu phương cố gắng đảm nhiệm mọi công việc ở mức tối đa. Đáp ứng yêu cầu to lớn, khẩn trương của sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, ngày 30-5-1968, Chủ tịch Nguyễn Thị Thập họp bàn trong Ban Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 03/BTT, quyết định nâng cao chất lượng phong trào Ba đảm đang, tiến lên cao trào Ba đảm đang quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Nội dung cụ thể là: Đảm đang sản xuất, công tác; Đảm đang gia đình; Đảm đang phục vụ chiến đấu và chiến đấu. Các cấp Hội đã nhanh chóng triển khai thực hiện Nghị quyết 03 vào điều kiện cụ thể của từng địa phương. Đến giữa năm 1968, các cấp, các ngành đã tổ chức học tập Nghị quyết 03 cho toàn thể cán bộ và hội viên, đạt tỉ lệ trên 50%.

Từ sau năm 1969, phong trào “Ba đảm đang” với những hoạt động cụ thể, hiệu quả đã có tác động vô cùng quan trọng trong mọi ngành, trên các lĩnh vực. Trong nông nghiệp, phong trào được cụ thể hóa bằng thi đua sản xuất lập nhiều cánh đồng, nhiều huyện và nhiều tỉnh 5 tấn. Trong cơ quan xí nghiệp các tổ chức Hội chủ động phối hợp cùng công đoàn, đoàn thanh niên duy trì và phát huy tối đa nội dung Ba đảm đang.

Từ năm 1972 đến năm 1975 yêu cầu tuyển quân cho tiền tuyến rất lớn, những người mẹ, người chị lại tiễn con, tiễn chồng lên đường chiến đấu. Nhiều bà mẹ đã có 2,3 con nhập ngũ nay lại tiễn con, tiễn cháu lên đường. Người phụ nữ không chỉ sẵn sàng động viên chồng con lên đường mà khi chồng con hy sinh phải nén đau thương, khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong phong trào, tình thương yêu đùm bọc, tình đoàn kết giúp đỡ và mối quan hệ gia đình, làng xóm càng thêm tốt đẹp. Nhiều bà mẹ có con đi chiến đấu, ở nhà hết lòng thương yêu, đỡ đần con dâu. Nhiều người con dâu hết lòng quý trọng, chăm sóc bố mẹ chồng, nuôi dạy con ngoan để chồng yên tâm lên đường chiến đấu. Các chị còn động viên chia sẻ, giúp đỡ nhau đảm đang việc nước, việc nhà để an lòng chồng, con nơi tuyến lửa.

Phong trào thi đua “Ba đảm đang” do Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đứng đầu là chủ tịch Nguyễn Thị Thập tổ chức đã phát triển không ngừng và trở thành phong trào yêu nước rộng lớn. Đó là một trong những phong trào thi đua có qui mô lớn nhất trong lịch sử Việt Nam thời kỳ hiện đại, trở thành hoạt động nổi bật trong lịch sử hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và là một bộ phận khăng khít của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc như lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng đánh giá: “Phong trào này có những bước tiến bộ nổi bật, xứng đáng với 12 chữ vàng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng tặng”. Phong trào đã có gần 2000 phụ nữ được tặng Huy hiệu Hồ Chủ Tịch, gần 4 triệu phụ nữ đạt danh hiệu Ba đảm đang.

Trong chiến công đó, vai trò to lớn của người đứng đầu Hội LHPN Việt Nam – đồng chí Nguyễn Thị Thập đã được Đảng, nhà nước, nhân dân và phụ nữ cả nước ghi nhận. Nắm bắt tình hình thực tế, với tầm lãnh đạo chiến lược, đồng chí cùng với tập thể lãnh đạo đề ra những chủ trương chỉ đạo sáng tạo, phù hợp với nguyện vọng của phụ nữ và tình hình của đất nước. Đồng chí đã dẫn dắt Hội LHPN Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động, nhiều phong trào thi đua sôi nổi của phụ nữ thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, đặc biệt là phong trào “Ba đảm đang” có sức lôi cuốn toàn thể phụ nữ từ thành thị đến nông thôn hăng hái tham gia. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Nguyễn Thị Thập, phong trào “Ba đảm đang” đã trở thành cao trào cách mạng của phụ nữ, ghi dấu mốc son trong lịch sử tổ chức và hoạt động của phong trào phụ nữ và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, một phong trào đã có tác dụng vận động to lớn trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Để đến hôm nay, phong trào “Ba đảm đang” vẫn sống động và ngân vang mãi trong trái tim chúng ta với bao niềm tự hào, kính phục về người phụ nữ Việt Nam trong thế kỷ XX. Đó là niềm khích lệ để phụ nữ Việt Nam tiếp tục cống hiến xây dựng đất nước phồn thịnh, giàu mạnh, văn minh.

Cuộc đời cách mạng chông gai gần 60 năm, đồng chí Nguyễn Thị Thập đã hy sinh hết thảy bản thân, gia đình, chồng con cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, phát triển phụ nữ Việt Nam. Nhớ về đồng chí, chúng ta thấy chân dung một người lãnh đạo cán bộ Hội xuất sắc trong phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” nói riêng và sự nghiệp giải phóng phụ nữ nói chung; chân dung người đại biểu của nhân dân, người chiến sỹ cách mạng kiên trung đầu tiên của Nam Bộ được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng; chân dung một Người mẹ Việt Nam anh hùng cao cả nhưng lại vô cùng dung dị.

Phụ nữ Việt Nam có quyền tự hào về người mẹ, người chị của mình – NGUYỄN THỊ THẬP. Bài viết này như một nén tâm nhang kính cẩn dâng lên mẹ trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày mẹ rời xa cõi thế. Những thế hệ phụ nữ hậu sinh như chúng con sẽ tiếp nối sự nghiệp vẻ vang của mẹ để tô thắm trang sử hào hùng của phụ nữ Việt Nam, con cháu của Bà Trưng, Bà Triệu anh hùng.

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/dong-chi-nguyen-thi-thap-cuoc-doi-va-su-nghiep-p4-6150.htm