Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa làm việc với lãnh đạo tỉnh An Giang và Kiên Giang về công tác sắp xếp bộ máy
Theo sự phân công của Bộ Chính trị, sáng nay (28/5), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa có cuộc làm việc với Thường trực Tỉnh ủy 2 tỉnh là Kiên Giang và An Giang về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII gắn với xây dựng, hoàn thiện văn kiện, công tác nhân sự.

Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa làm việc với Thường trực Tỉnh ủy 2 tỉnh là Kiên Giang và An Giang về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII gắn với xây dựng, hoàn thiện văn kiện, công tác nhân sự - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Theo nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, chủ trương là hợp nhất tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang, lấy tên gọi là tỉnh An Giang, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tại TP. Rạch Giá.
Sau khi hợp nhất, tỉnh An Giang mới có diện tích hơn 9.888 km2 (tỉnh có diện tích lớn nhất miền Tây), dân số gần 5 triệu người, với 102 xã, phường, trong đó có 3 đặc khu, gồm Phú Quốc, Thổ Châu và Kiên Hải. Tổng số biên chế của tỉnh An Giang sau hợp nhất là 29.911 người, trong đó, biên chế hiện có của tỉnh An Giang là 16.939 người, Kiên Giang là 12.972 biên chế.
Qua rà soát, tổng số trụ sở công (cấp tỉnh) của 2 tỉnh là 876. Trong đó, dự kiến 718 trụ sở sẽ tiếp tục được sử dụng; 40 trụ sở không sử dụng và 118 trụ sở có phương án khác.
Theo phương án sắp xếp, số lượng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh An Giang mới sau hợp nhất tối đa không vượt quá tổng số biên chế của An Giang và Kiên Giang trước hợp nhất và thực hiện tinh giản gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ theo lộ trình.
Sau khi chính quyền địa phương tỉnh An Giang mới đi vào hoạt động, căn cứ quy mô dân số, diện tích tự nhiên, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tỉnh để xây dựng vị trí việc làm trình cấp có thẩm quyền giao biên chế cho tỉnh theo quy định.
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đánh giá cao 2 tỉnh đã có sự quán triệt sâu sắc, triển khai nghiêm túc các nghị quyết của Trung ương, các kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; nhấn mạnh dù sắp xếp bộ máy, nhưng không được lơ là các nhiệm vụ thường xuyên, nhiệm vụ chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng; trong đó tập trung xây dựng dự thảo, báo cáo chính trị của Đảng bộ mới; công tác chuẩn bị nhân sự đại hội...

Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đề nghị Ban Thường vụ 2 tỉnh An Giang, Kiên Giang thực hiện nghiêm túc Kết luận số 155-KL/TW ngày 17/5/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Kết luận số 157-KL/TW của Bộ Chính trị; không được lơ là các nhiệm vụ thường xuyên - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Ban Thường vụ 2 tỉnh An Giang, Kiên Giang thực hiện nghiêm túc Kết luận số 155-KL/TW ngày 17/5/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về "một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính từ nay đến ngày 30/6/2025"; Kết luận số 157-KL/TW của Bộ Chính trị về triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính... Xây dựng đề án thành lập đảng bộ mới, phương án nhân sự cấp tỉnh, cấp xã đúng nguyên tắc, yêu cầu.
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhấn mạnh, phải đánh giá tổng thể, nhìn nhận đúng cán bộ, có chính sách thu hút nhân tài. Công tác cán bộ phải thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch, công tâm, khách quan. Phải phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh các hành vi tiêu cực, gây mất đoàn kết, chạy chức, chạy quyền, cục bộ bè phái trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy. Sắp xếp, bố trí cán bộ phải gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng tốt yêu cầu phân cấp, phân quyền và thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Đồng thời, rà soát, đánh giá kỹ tác động và thực hiện hiệu quả, minh bạch chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng bởi sắp xếp. Đặc biệt, không vì sắp xếp bộ máy mà xem nhẹ công tác chuẩn bị đại hội. Khi hợp nhất lại, tinh thần đoàn kết phải tốt hơn, Đảng và hệ thống chính quyền phải mạnh hơn, kinh tế năng động hơn.