Đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ (1912 - 1941), quê ở huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tham gia cách mạng từ khi còn là học sinh. Năm 1929, ông gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng. Khi ba tổ chức Cộng sản hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam (1930), Nguyễn Văn Cừ được cử làm Bí thư Đặc khu Hòn Gai - Uông Bí.

Năm 1931, ông bị thực dân Pháp bắt và đày đi Côn Đảo. Năm 1936, được trả tự do. Tháng 9-1937, ông được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Tại Hội nghị Trung ương Đảng tháng 3-1938, Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ là người triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương tại Bà Điểm, Gia Định (11-1939), quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược và thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương. Tháng 8-1940, ông bị thực dân Pháp bắt và kết án tử hình. Tháng 8-1941, ông bị giết hại tại Hóc Môn (Sài Gòn - nay là Thành phố Hồ Chí Minh).

1. Những quyết định đúng đắn, quan trọng góp phần chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của cách mạng Việt Nam

Năm 1930, khi Đảng ta vừa mới thành lập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được cử làm Bí thư đặc khu Hòn Gai - Uông Bí. Ngày 15-2-1931, trên đường đi công tác tại Cẩm Phả về Hòn Gai, Nguyễn Văn Cừ đã bị mật thám Pháp bắt[1]. Chúng đưa đồng chí Nguyễn Văn Cừ về Sở Mật thám Hòn Gai tạm giam. Sau biết Nguyễn Văn Cừ là một cán bộ quan trọng của Đảng, lập tức chúng dẫn giải đồng chí về Sở Mật thám Hải Phòng. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị Hội đồng đề hình Hà Nội kết án chung thân, đày đi Côn Đảo..

Giữa năm 1936, hơn một tháng sau khi Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp lên cầm quyền, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình, đòi trả tự do cho tù chính trị phát triển mạnh buộc Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp phải tuyên bố ân xá tù chính trị ở Đông Dương. Nắm được tình hình đó, tù chính trị ở nhà tù Côn Đảo nổi dậy đấu tranh đòi thả tự do. Nhờ vậy, hơn 200 chiến sĩ cách mạng được trở về đất liền.

Nguyễn Văn Cừ được ân xá, nhưng mãi đến tháng 11-1936 mới được thực dân Pháp trả tự do và buộc phải về quê sống và chịu sự quản thúc của chính quyền địa phương. Bất chấp lệnh quản thúc của chính quyền thuộc địa, về Bắc Ninh được vài ngày đồng chí lại ra Hà Nội tiếp tục hoạt động gây dựng lại tổ chức đảng và phong trào quần chúng.

Sau khi được trả tự do, chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều chiến sĩ cộng sản trở về Hà Nội tiếp tục hoạt động như: Nguyễn Văn Cừ, Trần Huy Liệu, Lương Khánh Thiện, Khuất Duy Tiến, Đặng Xuân Khu, Đinh Xuân Nhạ (tức Trần Quý Kiên), Bùi Vũ Trụ...[2]. Nói về Kỷ niệm sâu sắc về đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Nguyễn Văn Minh[3] đã viết: “…Sau một thời gian tìm hiểu, tôi bắt được liên lạc với các đồng chí Trần Huy Liệu, Trần Quý Kiên, Đặng Việt Châu, Tô Hiệu và Nguyễn Văn Cừ. Cuộc gặp đồng chí Nguyễn Văn Cừ là do đồng chí Tô Hiệu giới thiệu - vì Tô Hiệu và Nguyễn Văn Cừ cùng bị tù với nhau ở Côn Đảo. Khi gặp anh Cừ, chúng tôi rất dễ thông cảm nhau, hiểu biết nhau, vì cùng học với nhau ở Bắc Ninh thời niên thiếu”[4]... Đây là hàng trăm, hàng nghìn tù chính trị cộng sản vừa được giải thoát khỏi tù đày, ngục tù của đế quốc thực dân là nguồn cán bộ quý của Đảng, vì họ đã được thử thách rèn luyện trong các nhà tù đế quốc thực dân, có tài năng, có phẩm chất cách mạng, kiên trung, lực lượng này sẽ góp phần phục hồi và đẩy nhanh phong trào cách mạng tiến lên mạnh mẽ hơn.

 Đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Tổng Bí thư, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, người đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng trong những năm 1938-1940

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Tổng Bí thư, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, người đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng trong những năm 1938-1940

Vào cuối năm 1936, các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Đinh Xuân Nhạ (tức Trần Quý Kiên) và Nguyễn Văn Minh hẹn nhau họp tại một địa điểm gần sân bay Gia Lâm nhằm trao đổi về việc củng cố và phát triển các cơ sở đảng, cơ sở cách mạng, tại cuộc họp, các đồng chí bàn nhau “thành lập cơ quan lãnh đạo lâm thời của Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội, lấy tên là Ủy ban sáng kiến”[5].

Các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Trần Quý Kiên và Nguyễn Văn Minh lại bàn cách thành lập một Ủy ban hành động làm nhiệm vụ củng cố tổ chức Đảng ở Bắc Kỳ và liên lạc với các đồng chí cũ ở nhà tù về. Sau đó, Ủy ban sáng kiến được bổ sung thêm nhiều cán bộ, trong đó có nhiều đồng chí giàu kinh nghiệm hoạt động cách mạng[6], đồng thời trực tiếp tham gia khôi phục và phát triển các cơ sở đảng ở khu vực Hà Nội và các vùng phụ cận[7].

Ủy ban sáng kiến tiến hành phân công cán bộ bắt mối với các đồng chí, các cơ sở đảng nhiều địa phương để khôi phục tổ chức đảng và phong trào cách mạng trong Xứ. Ủy ban sáng kiến làm việc như một Xứ ủy lâm thời. Như Báo cáo của Ban Trung ương gửi Quốc tế Cộng sản đã khẳng định: “Việc tổ chức lại các tổ chức của Đảng có thể tiến hành khá nhanh, đó là nhờ hoạt động của các cựu tù chính trị được ân xá sau thắng lợi của Mặt trận bình dân ở Pháp”[8].

Tháng 3-1937, Xứ ủy Bắc Kỳ được thành lập do đồng chí Hoàng Tú Hưu (Hoàng Văn Nọn) làm Bí thư. Xứ ủy viên gồm các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt), Nguyễn Văn Minh, Tô Hiệu, Lương Khánh Thiện, Đinh Xuân Nhạ (Trần Quý Kiên), Đặng Xuân Khu. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ và Hạ Bá Cang được cử làm đại diện Xứ ủy đi họp Hội nghị Trung ương (từ ngày 25-8 đến ngày 4-9-1937). Hai đồng chí đều được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng[9].

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ lúc đó cũng được phân công hoạt động bí mật. Hoạt động công khai có đồng chí Đặng Xuân Khu và một số đồng chí khác”[10]. Như đồng chí Nguyễn Văn Minh nhận định về đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã viết: “Ngay từ bấy giờ tôi đã thấy rõ: Đồng chí Nguyễn Văn Cừ lúc đó đã trưởng thành, chín chắn về chính trị, không bồng bột. Trong hoạt động cách mạng, đồng chí Cừ biết tiến, biết lui, biết đánh, biết đỡ. Làm việc gì cũng biết nghĩ việc trước, lo việc sau, biết tính toán thuận lợi, khó khăn, tính đến thành công và khả năng thất bại. Có đồng chí tù ở Côn Đảo ra cũng nhận định như vậy. Vốn học vấn không nhiều, lại bị tù đày mà đã có đầu óc như thế là rất giỏi. Diễn đạt vấn đề rất khoa học. Nghĩa là có trình bày, có phân tích sâu sắc, có thực tiễn chứng minh, có tổng hợp... Nói năng gọn, mạch lạc, chắc chắn. Chữ nghĩa viết đúng. Đồng chí tỏ ra là một con người rất khiêm tốn, không bao giờ tỏ ra kiêu căng, tự mãn. Mặc dù thuyết phục được mọi người nghe ý kiến mình rồi nhưng vẫn không bao giờ tỏ ra kiêu ngạo mà vẫn khiêm tốn”[11].

2. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đấu tranh đòi quyền tự do, dân chủ cho nhân dân trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ có tư duy lý luận sắc sảo, sáng tạo; nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn được đồng chí giải quyết một cách nhuần nhuyễn, phù hợp với thực tế Việt Nam. Nói về các văn kiện, tác phẩm do đồng chí Nguyễn Văn Cừ soạn thảo kể từ khi đồng chí giữ cương vị Tổng Bí thư trước hết phải kể đến tác phẩm “Các quyền tự do dân chủ với nhân dân Đông Dương”, được Tân văn hóa Tòng thơ (Sài Gòn) xuất bản cuối năm 1938, sách dài 41 trang. Với bút danh Trí Thành, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã biên soạn tác phẩm “Các quyền tự do dân chủ với nhân dân Đông Dương”, đây là tác phẩm phân tích khá sâu sắc một số vấn đề về nội dung chỉ đạo cuộc vận động đòi quyền dân sinh dân chủ của Đảng ta đã chính thức được Hội nghị Trung ương tháng 3-1938 khẳng định.

Trong tác phẩm, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ nêu rõ ý nghĩa của tự do dân chủ và vấn đề pháp luật; việc thể chế hóa quyền tự do dân chủ của nhân dân như thế nào. Đồng chí còn nêu lên những khái niệm về tự do dân chủ tư sản, vấn đề đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ của nhân dân Đông Dương; khái quát những quan niệm cơ bản về quyền tự do dân chủ của một quốc gia dân tộc, quyền tự do dân chủ của từng đối tượng cụ thể trong cộng đồng dân tộc - xã hội.

Mặc dầu dân chủ tư sản có tiến bộ hơn so với chuyên chế phong kiến, phát xít, nhưng tác giả phê phán dân chủ tư sản là rất hẹp hòi và bất bình đẳng, vì nó dựa trên cơ sở tài sản cá nhân, vẫn cần phải loại bỏ. Để phân tích rõ ràng và cụ thể tính hẹp hòi, bất bình đẳng của dân chủ tư sản, tác giả nêu ra bốn điều tự do cơ bản của nhân dân lao động đã bị tước đoạt ngăn cấm đó là: Tự do ngôn luận; tự do hội họp, tự do đi lại; tự do bầu cử và ứng cử[12].

Tác giả kêu gọi mọi người phải: “Đoàn kết là luật sinh tồn tiến hóa của loài người... Một dân tộc muốn mạnh mẽ, muốn chống lại với các nước mạnh cần phải có các tổ chức kiên cố của các lớp quần chúng và hoạt động thống nhứt, mới chống được cuộc chiến tranh cướp diệt của phát xít”[13]. Chỉ có tập hợp hết thảy lực lượng, thống nhất tranh đấu thật sự mới đòi được quyền tự do dân chủ. Cần đề phòng các luận điệu cách mạng đầu lưỡi của bọn Tờrốtkít. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đưa ra 11 yêu cầu[14] về tự do dân chủ của nhân dân Đông Dương, đòi chính quyền thuộc địa phải thực thi, giải quyết. Có thể nói rằng, tác phẩm Các quyền tự do dân chủ với nhân dân Đông Dương của đồng chí Nguyễn Văn Cừ với bút danh Trí Thành đã luận giải trúng và có sức thuyết phục những vấn đề lý luận cơ bản, trên cơ sở đó giúp Đảng ta đưa ra những quyết sách chiến lược, sách lược trong thời kỳ Mặt trận dân chủ và giành thắng lợi.

Ngoài ra, trong hơn 80 số Báo Dân chúng xuất bản từ ngày 22-7-1938 đến ngày 30-8-1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết 12 bài tập trung vào các chủ đề lớn, như vấn đề đấu tranh nghị trường trong thời kỳ Mặt trận dân chủ có bài Những thái độ sai lầm của mấy ông đại biểu Bắc Kỳ, đăng ở số Dân chúng đầu tiên ra ngày 22-7-1938 (bút danh Trí Thành). Tác giả phê phán mấy vị dân biểu tuy được nhân dân bầu thành nghị viên, nhưng vì ma lực của đồng tiền đã thoái hóa, không dám đấu tranh vì quyền lợi của nhân dân. Tác giả cho rằng đó là hành động “tả” khuynh cô độc đi ngược lại với quyền lợi của nhân dân. Tác giả khẳng định: “Chỉ có cuộc hành động thống nhất rộng rãi, bao gồm các đảng phái, các lớp nhân dân thì mới chống nổi thế lực phản động thuộc địa và đòi được các điều cải cách dân chủ tiến bộ và chính đáng”[15]...

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đã lặn lội vào Nam ra Bắc, vượt qua sự truy lùng gắt gao của địch, luôn có mặt ở những nơi sóng gió, chỉ đạo sát sao phong trào cách mạng, kịp thời uốn nắn những lệch lạc, sai lầm trong Đảng. Với tinh thần tự phê bình và phê bình nghiêm khắc, đồng chí đã đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện cơ hội “tả” khuynh và hữu khuynh trong Đảng, đưa phong trào cách mạng phát triển đúng hướng.

Tác phẩm Tự chỉ trích do đồng chí biên soạn là một tài liệu giáo dục chính trị tư tưởng quan trọng cho cán bộ, đảng viên, đấu tranh trực diện với tư tưởng giáo điều “tả” khuynh và hữu khuynh, cải lương, thỏa hiệp, đả phá căn bệnh ích kỷ, hẹp hòi trong Đảng, là một đóng góp có giá trị vào kho tàng lý luận của Đảng ta.

Trước sự chuyển biến nhanh chóng của tình hình trong nước và thế giới do tác động của Chiến tranh thế giới thứ hai, tháng 11-1939, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ sáu của Đảng, quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng, chủ trương thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, mở ra một bước ngoặt quan trọng về chỉ đạo chiến lược của Đảng, đưa cách mạng Việt Nam trở về với quỹ đạo phát triển theo tư tưởng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra trước đó.

Giữa lúc cách mạng đang ở bước ngoặt lịch sử, đầy cam go, thử thách, Đảng cần những cán bộ tài trí, kiên định để đưa phong trào vượt qua ghềnh thác, thì đồng chí lại bị địch bắt tại Sài Gòn - Gia Định. Không lay chuyển được ý chí cách mạng của người cộng sản, thực dân Pháp đã kết án tử hình đồng chí với tội danh “chủ trương bạo động” chống lại chính quyền thuộc địa chịu trách nhiệm tinh thân về cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ. Ngày 28-8-1941, cùng với một số đồng chí lãnh đạo của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã bị thực dân Pháp xử bắn tại Hóc Môn - Gia Định.

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà chính trị có bản lĩnh, luôn kết hợp nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn, nhà chỉ đạo chiến lược và sách lược tài tình, một tấm gương sáng về tinh thần tự phê bình và phê bình, giữ gìn kỷ luật và sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Trong 13 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ nhiều lần bị thực dân Pháp bắt, giam cầm, tra tấn rất dã man, tàn bạo, nhưng đồng chí luôn nêu cao tinh thần kiên trung, bất khuất. Khi bị giải ra pháp trường, trước họng súng của kẻ thù, đồng chí vẫn hiên ngang tỏ rõ khí phách của người cộng sản. Những khẩu hiệu cách mạng mà Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và các đồng chí của mình hô vang trước lúc bị giặc Pháp xử bắn vào rạng sáng ngày 28-8-1941, còn vang vọng mài đến hôm nay. Tấm gương hy sinh lẫm liệt của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ như là một biểu tượng bất diệt về lòng yêu nước, bằng chứng quật khởi của một dân tộc không chịu làm nô lệ, một dân tộc bị áp bức quyết đánh ngã kẻ thù.

Đánh giá cao về vai trò, hoạt động và cống hiến của đồng chí Nguyễn Văn Cừ và các nhà cách mạng tiền bối, chủ chốt, tiêu biểu của Đảng đóng góp lớn lao cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Hoàng Văn Thụ và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay”[16].

* *

*

Trong lịch sử 95 năm Đảng ta trường tồn cùng dân tộc, đã có biết bao anh hùng liệt sĩ như các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai… và hàng vạn đảng viên gương mẫu, “trung với nước, hiếu với dân”, khí phách hiên ngang cho đến hơi thở cuối cùng. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một trong số đó.

Ðồng chí Nguyễn Văn Cừ (1912-1941), Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, nhà lãnh đạo xuất sắc của Ðảng và cách mạng Việt Nam, người chiến sĩ cộng sản kiên trung đã trọn đời chiến đấu, hy sinh vì độc lập của Tổ quốc, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân. Cuộc đời đồng chí Nguyễn Văn Cừ tuy ngắn ngủi nhưng cao đẹp, đã để lại một tấm gương chói lọi về đạo đức cách mạng, chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập. Những cống hiến to lớn và sự hy sinh oanh liệt của đồng chí đã góp phần làm rạng danh Tổ quốc ta, dân tộc ta; tô thắm thêm lịch sử và truyền thống vẻ vang của Ðảng ta.

NGUYỄN VĂN BIỂU, Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[1] Trần Bảo, Hạt máu (hồi ký),Nxb. Lao động, Hà Nội, 1973. tr.137.

[2] Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Thành phố Hà Nội, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1930-2000), Nxb. Hà Nội, 2004, tr.62.

[3] Sau này là Chánh án Tòa án dân sự, Tòa án Nhân dân tối cao.

[4] Nguyễn Văn Minh, Kỷ niệm sâu sắc về đồng chí Nguyễn Văn Cừ, in trong: Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc - một tấm gương Cộng sản mẫu mực, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr.293.

[5] Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1930-2000), Sđd, tr.62.

[6] Ủy ban sáng kiến tổ chức thành hai bộ phận, một bộ phận hoạt động công khai, một bộ phận hoạt động bí mật. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ hoạt động ở bộ phận bí mật. Ủy ban sáng kiến phân công đồng chí Tô Hiệu về hoạt động tại Hải Phòng, Quảng Ninh, đồng chí Hoàng Văn Thụ về hoạt động ở các vùng dân tộc thiểu số phía Bắc. Ngoài ra, ủy ban còn phân công đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng các đồng chí Nguyễn Văn Minh, Đinh Xuân Nhạ (Trần Quý Kiên) phụ trách việc móc nối liên lạc với các đồng chí ở Trung Kỳ.

[7] Trần Minh Trưởng (Chủ biên), Nguyễn Văn Cừ tiểu sử, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.102-103.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.300.

[9] Viện Lịch sử Đảng, Biên niên sự kiện Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 1 (1930 - 9/1945), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.273-274.

[10] Nguyễn Văn Minh, Kỷ niệm sâu sắc về đồng chí Nguyễn Văn Cừ, in trong: Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc - một tấm gương Cộng sản mẫu mực, Sđd, tr.295.

[11] Nguyễn Văn Minh, Kỷ niệm sâu sắc về đồng chí Nguyễn Văn Cừ, in trong: Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc - một tấm gương Cộng sản mẫu mực, Sđd, tr.295-296.

[12] Trí Thành, Các quyền tự do dân chủ với nhân dân Đông Dương, Sđd, tr.8-9.

[13] Trí Thành, Các quyền tự do dân chủ với nhân dân Đông Dương, Sđd, tr.11, 13.

[14] Các quyền tự do dân chủ với nhân dân Đông Dương, Sđd, tr.40.

[15] Trí Thành, Những thái độ sai lầm của mấy ông dân biểu Bắc Kỳ, báo Dân chúng, số 22, ngày 5-10-1938. Dẫn theo Trần Minh Trưởng (Chủ biên), Nguyễn Văn Cừ tiểu sử, Sđd, tr.151.

[16] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.25. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.19-20.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/dong-chi-nguyen-van-cu-nha-lanh-dao-xuat-sac-cua-dang-813531