Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta
Đồng chí Trần Phú, người cộng sản Kiên trung, bất khuất, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng chí Trần Phú là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta, người cộng sản kiên cường, suốt đời chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tấm gương hy sinh oanh liệt và những hoạt động, cống hiến to lớn của đồng chí cho Đảng và cách mạng Việt Nam là nguồn sức mạnh cổ vũ những người cộng sản, các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, phấn đấu, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
1. Những hoạt động yêu nước và cách mạng của đồng chí Trần Phú trước năm 1930
Đồng chí Trần Phú, quê làng Tùng Ảnh, sinh ngày 1-5-1904 tại Tuy An, tỉnh Phú Yên, khi cụ thân sinh là giải nguyên Trần Phổ đang dạy học ở đây. Năm 1907, Trần Phổ được cử ra làm tri huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Nhưng năm 1908, ông Trần Phổ bị triều đình Huế khiển trách vì đã ngồi yên, để cho phong trào chống thuế dấy lên rầm rộ, rồi bị tên Tây đồn bức bách phải cấp ngựa và phu để đi đàn áp những người dân lành, ông liền tự vẫn để tỏ thái độ phản kháng.
Mẹ đồng chí Trần Phú là bà Hoàng Thị Cát (quê Nghi Lộc) phải mở hàng quán để nuôi 8 đứa con thơ ấu, nhưng hai năm sau, 1910, bà ốm nặng và qua đời... Cái chết của cha, mẹ đã để lại trong lòng cậu bé Trần Phú sự căm thù giặc sâu sắc. Thù nhà, nợ nước đã quyện chặt với nhau trong con người Trần Phú từ tuổi ấu thơ.
Đồng chí Trần Phú được người anh cả Trần Tương, lấy vợ ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, đưa về nuôi và cho vào Huế học trường Pháp - Việt Đông Ba, rồi thi vào học trường Quốc học Huế. Năm 1921, học sinh lớp đệ tam của trường bãi khóa để phản đối giáo sư người Pháp bạc đãi, nhục mạ học sinh, trong số học sinh tham gia có Trần Phú.
Mùa hè năm 1922, Trần Phú đỗ đầu kỳ thi tốt nghiệp bậc thành chung. Lúc này đồng chí Trần Phú mới 18 tuổi. Thầy Võ Liêm Sơn đặt niềm tin vào người học trò yêu của mình: “Thầy mãi tới 25 tuổi mới đỗ được thành chung. Con đã đạt sớm hơn thầy nhiều. Nhưng thầy hy vọng con sẽ có con đường đi khác với con đường mòn mà lớp người như thân sinh con, như thầy, đã đi”[1].
Sau khi đỗ đầu kỳ thi thành chung ở Huế năm 1922, Trần Phú được bổ làm giáo viên trường tiểu học Cao Xuân Dục ở thành phố Vinh. Ngoài việc dạy học, đồng chí bắt đầu tham gia các hoạt động yêu nước. Trong số học sinh của Trần Phú lúc này, có Nguyễn Thị Minh Khai, về sau đã thành một cán bộ ưu tú của Đảng.
Hiệu trưởng lúc ấy là Trần Đình Thanh (tức Trần Mộng Bạch), là người có chí hướng yêu nước, nên nhanh chóng trở thành bạn tâm giao với Trần Phú. Mấy năm sau lại có thêm Hà Huy Tập cũng là người có tâm huyết, về dạy ở trường Cao Xuân Dục. Ba người bạn đồng hương Hà Tĩnh trở nên gần gũi, thân thiết, thường đi lại với Tôn Quang Phiệt, người uyên thâm Hán học, đang học tại trường Quốc học Vinh. Họ lại cùng các bạn nhà giáo Trần Văn Tăng, Ngô Đức Diễn, Phan Kiêm Huy... lập nhóm đọc sách báo bí mật nên luôn gặp nhau ở nhà thầy Thanh.
Những năm này ở Vinh đã xuất hiện một số cuộc đấu tranh của công nhân. Phong trào đấu tranh đó đã ảnh hưởng đến những người trí thức, dẫn đến việc thành lập Hội phục Việt (sau đổi tên là Hưng Nam)[2]. Đồng chí Trần Phú là một trong những hội viên đầu tiên. Đồng chí đã cùng các hội viên khác tổ chức truy điệu cụ Phan Chu Trinh, tham gia phong trào làm đơn lấy chữ ký đòi thực dân Pháp trả tự do cho cụ Phan Bội Châu, mở các lớp học ban đêm dạy chữ quốc ngữ cho người lao động trong thành phố[3].
Cuối học kỳ năm 1926, Trần Phú xin thôi dạy học và được cử sang Lào vận động công nhân vùng mỏ. Lúc này, Hội Hưng Nam được biết Nguyễn Ái Quốc từ Pháp, sang Nga rồi về Trung Quốc lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, nên lại cử Trần Phú đi Quảng Châu tìm hiểu và đề nghị hợp nhất hai tổ chức cách mạng trong, ngoài nước.
Đến Quảng Châu, đồng chí Trần Phú được dự lớp huấn luyện do Nguyễn Ái Quốc phụ trách. Trần Phú đã cùng với Nguyễn Ngọc Ba (người học trò cũ) được cử về hoạt động ở Nghệ An, Trung Kỳ. Đồng chí Trần Phú bí mật đi tàu thủy về Hải Phòng rồi đi xe lửa về Vinh, báo cáo với ban lãnh đạo Hội Hưng Nam về tổ chức và đường lối cách mạng mà ông đã tiếp thụ được và đề nghị Hội chuyển hướng theo đường lối mới.
Nhưng lúc này, mật thám Pháp đang ráo riết truy nã ông, nên tổ chức quyết định cử đồng chí Trần Phú trở lại Quảng Châu hoạt động. Như vậy, suốt 5 năm bền bỉ, tận tụy làm việc không biết mệt mỏi trên đất Vinh (Nghệ An), Trần Phú đã đào tạo, gieo mầm và vun đắp cho phong trào cách mạng ở Vinh - Bến Thủy một đội ngũ đông đảo các thành phần yêu nước bao gồm: Trí thức, học sinh, công nhân, nông dân, thợ thuyền. Đó là sự chuẩn bị lực lượng cho một cuộc cách mạng khi có Đảng lãnh đạo. Đó cũng chính là sự chuẩn bị cho cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh trong những năm 1930-1931 diễn ra mạnh mẽ sau này.
2. Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam
Đầu năm 1927, đồng chí Trần Phú được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gửi sang học tại Trường Đại học Phương Đông (Liên Xô). Nguyễn Ái Quốc biết rõ ưu điểm, khả năng, triển vọng của Trần Phú cho nên quyết tâm đào tạo cán bộ chuẩn bị cho Đảng. Trong bức thư đề ngày 25-6-1927, gửi Chi bộ đảng Trường Đại học Phương Đông, Nguyễn Ái Quốc đề nghị thành lập nhóm cộng sản Việt Nam, những người đang học tại trường, và cử “… Lequy (tức Trần Phú). Đồng chí cuối cùng được cử làm Bí thư nhóm”[4]. Đồng chí Trần Phú trở thành Bí thư chi bộ đầu tiên của Chi bộ những người cộng sản Việt Nam tại Trường Đại học Phương Đông.
Tại Trường Đại học Phương Đông, đồng chí Trần Phú được học tập, nghiên cứu lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, lịch sử phong trào cách mạng và công nhân thế giới, tham gia hoạt động thực tiễn, trao đổi, thảo luận với các đồng chí cộng sản của các đảng anh em về những vấn đề cách mạng, dân tộc và thuộc địa. Sau 3 năm học tập và rèn luyện, Trần Phú trở thành một trong những thanh niên cách mạng Việt Nam được trang bị một cách căn bản lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, đã trưởng thành vượt bậc, đủ sức gánh vác những nhiệm vụ lớn lao của cách mạng Việt Nam.
Tháng 6-1929, Trần Phú kết thúc khóa học ở Trường Đại học Phương Đông, nhưng phải vào điều trị tại bệnh viện vì bệnh tràng nhạc (lao hạch). Ngày 27-10-1929, đồng chí Trần Phú nhận bản Chỉ thị công tác ở Đông Dương của Quốc tế Cộng sản[5]. Gần giữa tháng 11-1929, đồng chí Trần Phú bắt đầu hành trình chuẩn bị trở về nước qua đường Đức, Bỉ, Pháp, từ Pháp về có ghé qua Sài Gòn[6].
Khoảng giữa tháng 3-1930, đồng chí Trần Phú về đến Trung Quốc, vui mừng gặp lại lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc thông báo về kết quả của Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập và thông qua các văn kiện… và Ban Chấp hành lâm thời[7].
Cuối tháng 3-1930, đồng chí Trần Phú cầm thư của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giới thiệu với Ban Chấp ủy lâm thời. Theo sự phân công, đồng chí Trần Phú về Hải Phòng, liên lạc với Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ Nguyễn Đức Cảnh, được bố trí đi khảo sát phong trào công nhân, nông dân ở Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Hòn Gai, rồi trở lại Hà Nội.
Tháng 7-1930, tại ngôi nhà số 90 phố Bông Nhuộm (nay là Thợ Nhuộm), là một trong những nơi ở và làm việc của đồng chí Trần Phú[8], đồng chí đã hoàn thiện bản dự thảo Luận cương chính trị lịch sử đầu tiên của Đảng ta.
Sau một thời gian chuẩn bị, từ ngày 12 đến 27-10-1930, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời họp Hội nghị lần thứ nhất tại Hồng Kông (Trung Quốc)[9]. Dự Hội nghị có các đồng chí: Trần Phú, Lê Mao, Nguyễn Trọng Nhã, Ả Lầu[10]… Hội nghị thảo luận và thông qua bản Luận cương chánh trị của Đảng, do đồng chí Trần Phú chủ trì khởi thảo; thông qua nghị quyết về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng. Nghị quyết ghi rõ những quyết định quan trọng của Hội nghị.
Thực hiện chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, Hội nghị quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội nghị bầu Ban Chấp hành Trung ương chính thức và đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10-1930 có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và trực tiếp là đối với cao trào cách mạng 1930-1931.
Đầu năm 1931, thực dân Pháp và tay sai tiến hành khủng bố trắng phong trào cách mạng và truy lùng gắt gao những đảng viên cộng sản, nhất là cán bộ Đảng. Ở Bắc Kỳ, địch đã phá vỡ nhiều cơ quan Đảng từ cấp Trung ương, Xứ ủy, Tỉnh ủy và cơ sở, bắt hàng loạt cán bộ đảng viên.
Ở Nam Kỳ, sau Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng, địch lùng sục gắt gao, bắt được một số cán bộ Đảng. Ngày 18-4-1931, do có sự phản bội, 8 giờ sáng từ lời khai báo của Ngô Đức Trì[11], đồng chí Trần Phú đã bị địch bắt ở số nhà 66 phố Sămpanhơ (Champagne, nay là đường Lý Chính Thắng, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh)[12].
Sau mấy tháng trời tra tấn cực kỳ tàn bạo, giặc Pháp vẫn không lấy được một lời khai nào của đồng chí Trần Phú làm tổn hại đến Đảng, đến cách mạng. Đòn thù và chế độ nhà tù khắc nghiệt đã khiến đồng chí Trần Phú bị bệnh ho lao rất nặng, khiến giặc Pháp buộc phải đưa đồng chí vào Nhà thương Chợ Quán. Bệnh tình quá nặng, đồng chí Trần Phú đã hy sinh tại nhà thương này vào ngày 6-9-1931. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, đồng chí đã trăng trối lại cho các đồng chí của mình: “Hãy giữ vững ý chí chiến đấu!”. Đó là lời di huấn của đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng để lại cho tất cả các đồng chí, đồng bào ta tiếp tục chiến đấu vì sự nghiệp cứu nước.
Trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo “đã có biết bao anh hùng liệt sĩ như các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ… và hàng vạn đảng viên gương mẫu, trung với nước, hiếu với dân, khí phách hiên ngang cho đến hơi thở cuối cùng”[13]. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết về đồng chí Trần Phú: “Đồng chí Trần Phú là một người con ưu tú của Đảng và của nhân dân, đã oanh liệt hy sinh cho cách mạng”[14]. Lịch sử Đảng nói riêng và Lịch sử dân tộc nói chung ghi nhận những chiến sĩ cộng sản dũng cảm trong đội tiền phong của giai cấp vô sản Việt Nam đã dẫn đầu trong bước ngoặt lịch sử này của dân tộc ta.
------------------------------------------------------------------------------------
[1] Địa chí huyện Đức Thọ, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2004, tr.638.
[2] Ngày 14-7-1925, nhân dịp Hội Tây, một số người, trong đó có Lê Văn Huân, Trần Mộng Bạch, Trần Phú, Ngô Đức Diễn, Tôn Quang Phiệt... bí mật họp tại rú Quyết, thành lập Hội Phục Việt. Nhiều bạn nhà giáo và học trò của Trần Phú lần lượt được kết nạp vào Hội.
[3] Nguyễn Trọng Thụ, Trần Phú một tấm gương cộng sản, Tạp chí Cộng sản, số 461, 1994, tr.25.
[4] Nguyễn Ái Quốc, Thư gửi Chi bộ Đảng, Trường Đại học Phương Đông (Liên Xô), in trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.259.
[5] Trần Phú tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.193.
[6] Ngày 9-1-1930, Trần Phú và Ngô Đức Trì lên tàu Poóctốt rời Mácxây đi Sài Gòn. Ngày 8-2-1930, 8 giờ sáng, tàu Poóctốt cập bến Sài Gòn.
[7] Trần Phú tiểu sử, Sđd, tr.202.
[8] Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1930-2000), Nxb Hà Nội, 2004, tr.55.
[9] Theo Viện Lịch sử Đảng tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lâm thời lần thứ nhất có sự tham gia của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đại diện Quốc tế Cộng sản. Thành phần Hội nghị gồm có các đồng chí: Trần Phú (Năm), Lê Mao (Cát), Nguyễn Trọng Nhã (Sáu), Ngô Đức Trì (Vân), Ả Lầu (đảng viên Hoa kiều tại Sài Gòn). Đồng chí Trần Phú điều hành hội nghị… dẫn theo: Viện Lịch sử Đảng, Biên niên Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 1 (1930-9/1945), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.82.
[10] Đồng chí Nguyễn Phong Sắc không đi dự Hội nghị được vì phải ở lại trong nước để trực tiếp lãnh đạo phong trào Xôviết Nghệ - Tĩnh. Đồng chí Trần Văn Lan bị lạc đường tại Hồng Kông, không tìm được địa điểm họp; Ả Lầu tức Lưu Lập Đạo, cuối năm 1930 về Trung Quốc. Ngô Đức Trì bị bắt, khai báo, phản bội Đảng.
[11] Ngày 1-4-1931, Ngô Đức Trì bị địch bắt, Không chịu đựng nổi sự tra tấn của kẻ thù, Ngô Đức Trì đã khai báo các bí mật của Đảng…
[12] Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (1930-1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.92.
[13] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.468
[14] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14, Sđd, tr.309.