Đồng chí Trần Thị Hồng với sự nghiệp cách mạng của quê hương Quảng Trị

Đồng chí Trần Thị Hồng, cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị sau một thời gian lâm bệnh dù được sự chăm sóc tận tình của các y, bác sĩ và gia đình con, cháu nhưng do tuổi cao, sức yếu, đồng chí đã từ trần vào lúc 16 giờ ngày 26/6/2021 (nhằm ngày 17 tháng 5 năm Tân Sửu), hưởng thọ 106 tuổi.

 Phụ nữ huyện Triệu Phong hăng hái khai hoang phục hóa, phát triển sản xuất, ổn định đời sống sau ngày quê hương được giải phóng - Ảnh: SĨ SÔ

Phụ nữ huyện Triệu Phong hăng hái khai hoang phục hóa, phát triển sản xuất, ổn định đời sống sau ngày quê hương được giải phóng - Ảnh: SĨ SÔ

Đồng chí Trần Thị Hồng sinh năm 1915 trong một gia đình nông dân giàu lòng yêu nước tại thôn Thạnh Hội, xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Được thừa hưởng truyền thống yêu nước của quê hương và gia đình, vào đầu những năm 30 của thế kỷ XX, được sự dìu dắt, giác ngộ của đồng chí Hoàng Thị Ái, Lê Thị Quế, đồng chí được giao làm liên lạc cho Hưng Nghiệp Hội xã năm 1933; tham gia các cuộc vận động chống thuế và lấy chữ ký của người dân vùng Triệu Vân gửi lên Viện Dân biểu Trung Kỳ để phản đối dự luật thuế mới trong thời kỳ đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ. Từ cuối tháng 7/1945, sau khi Khu giải phóng Triệu Phong thành lập, đồng chí tích cực tham gia các hoạt động, nổi dậy giành chính quyền về tay Nhân dân.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đến tháng 5/1950, đồng chí được bầu làm Phó Bí thư Phụ nữ xã Phong Thanh; Bí thư Phụ nữ và Chi ủy viên chi bộ xã Triệu Thành, với bản lĩnh và nhiệt huyết của mình cùng những hiểu biết sâu sắc trong phong trào phụ nữ, đồng chí được tổ chức tin tưởng giao nhiệm vụ đưa dân đi tản cư, nhằm hạn chế thương vong khi thực dân Pháp bội ước, đánh chiếm lại tỉnh Quảng Trị và vận đồng, đưa Nhân dân hồi cư trở về để bám đất, bám làng, chiến đấu với giặc Pháp. Từ tháng 6/1950, đồng chí được tổ chức phân công làm Bí thư Phụ nữ huyện Triệu Phong; Ủy viên Ban Chấp hành Phụ nữ tỉnh Quảng Trị từ năm 1952 - 6/1954.

Sau ngày Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đồng chí được tổ chức tin tưởng phân công ở lại miền Nam lãnh đạo phong trào cách mạng. Từ tháng 10/1958, trước bước chuyển mới của phong trào cách mạng tại tỉnh Quảng Trị, đồng chí được cho ra Bắc, giữ chức vụ Hội trưởng Hội Phụ nữ Khu vực Vĩnh Linh. Đây là thời kỳ Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Linh nô nức triển khai nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, tiến hành cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh chống Mỹ - Diệm phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ. Đồng chí đã lăn lộn với phong trào, về với các mẹ, các chị em, động viên các mẹ, các chị thi đua hoàn thành các kế hoạch của nhà nước, đóng góp lương thực cho tiền tuyến, động viên con em lên đường đánh Mỹ và chia sẻ nỗi đau khi người thân, hội viên của mình hy sinh trên chiến trường. Trong 8 năm bám trụ, xây dựng phong trào, đồng chí luôn được Nhân dân tin yêu, quý mến.

Thực hiện chủ trương đưa con em tập kết ra Bắc trở về xây dựng quê hương của Tỉnh ủy, từ tháng 10/1966, đồng chí được điều động vào chiến trường B, làm Thường trực Phụ nữ tỉnh Quảng Trị. Từ tháng 6/1967, Khu ủy Trị Thiên - Huế được thành lập, đồng chí được giao nhiệm vụ Thường trực Phụ nữ Khu ủy; Bí thư Phụ vận, Phó Ban Dân vận Khu ủy. Trên các địa bàn đơn vị đứng chân luôn in đậm dấu ấn của đồng chí, nữ cán bộ xông pha, nhiệt huyết, luôn trăn trở với phong trào, với mong muốn cháy bỏng là làm sao góp vào việc chung hiệu quả nhất, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là cho phụ nữ.

Tháng 1/1971, Khu ủy giải thể, đồng chí được phân công làm Bí thư Phụ vận tỉnh Quảng Trị. Sau ngày tỉnh Quảng Trị được giải phóng, tháng 8/1972, đồng chí được phân công làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Quảng Trị là tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng đã thu hút sự chú ý của bạn bè quốc tế. Trên cương vị là nữ cán bộ lãnh đạo tỉnh, đồng chí đã tích cực tuyên truyền, phổ biến nội dung của Hiệp định Pa-ri, chính sách 10 điểm của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; chỉ đạo đón tiếp bạn bè quốc tế đến đặt quan hệ ngoại giao, củng cố xây dựng vùng giải phóng, đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Pa-ri… Xuất phát từ đặc điểm tình hình của địa phương trong giai đoạn cách mạng mới, đồng chí đã cùng với các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh ra sức xây dựng lực lượng cách mạng, xây dựng vùng giải phóng mạnh về quân sự, chính trị, kinh tế, tiến bộ về văn hóa để chủ động ngăn ngừa chiến tranh trở lại, giữ vững hòa bình, xây dựng vùng giải phóng Quảng Trị trở thành hậu phương trực tiếp cho cách mạng miền Nam, chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi cuối cùng. Hình ảnh nữ Phó Chủ tịch UBND tỉnh năng động, tâm huyết, luôn tận tụy với công việc, gần gũi, quyết liệt trong điều hành xử lý công việc hằng ngày; hoặc những suy tư trăn trở về xây dựng quê hương sau ngày giải phóng đã để lại tình cảm và ấn tượng sâu sắc trong đồng chí, đồng nghiệp và Nhân dân tỉnh nhà lúc bấy giờ.

Một trong những dấu ấn nổi bật của đồng chí trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là tinh thần đối mặt với mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng cách mạng, vì độc lập, tự do của quê hương, đất nước. Ở vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn cam go, khốc liệt nhất, đồng chí đã tình nguyện “đi B”, xung phong vào chiến trường để bám đất, bám dân, kiên cường, dũng cảm chiến đấu, góp phần vào sự phát triển chung của phong trào cách mạng miền Nam. Trên mỗi nhiệm vụ được giao, đồng chí đã có nhiều cống hiến xuất sắc, tỏ rõ phẩm chất, bản lĩnh của người nữ cán bộ cách mạng “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Từ tháng 6/1976, đồng chí nghỉ hưu, nhưng với trách nhiệm và lòng nhiệt huyết, đồng chí vẫn luôn trăn trở và dõi theo từng bước đi lên của quê hương, tham gia góp ý chân tình và trách nhiệm với đội ngũ cán bộ lãnh đạo của tỉnh…

Suốt chặng đường 85 năm tham gia cách mạng, hơn 70 năm tuổi Đảng; tham gia phong trào cách mạng khi còn là thanh niên, trưởng thành từ thực tiễn cho đến khi trở thành cán bộ lãnh đạo của tỉnh, đồng chí luôn là tấm gương sáng về ý chí, nỗ lực vươn lên trong học tập và trong công tác; tinh thần cống hiến hết mình của người đảng viên cộng sản, một cán bộ lãnh đạo mẫu mực. Trong quá trình công tác của mình, dù ở cương vị nào, đồng chí luôn thể hiện là một cán bộ lãnh đạo có bản lĩnh, kiên cường, độc lập, sáng tạo, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong đảng bộ, trong cơ quan; phấn đấu, cống hiến hết mình vì sự phát triển của quê hương.

Với những công lao cống hiến to lớn của mình, đồng chí Trần Thị Hồng đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương, kỷ niệm chương…

Thu Hà - Ngọc Tuấn

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=158688&title=dong-chi-tran-thi-hong-voi-su-nghiep-cach-mang-cua-que-huong-quang-tri