Đồng chí Trường Chinh với Hội nghị Trung ương lần thứ Tám (5-1941) - kỳ 1

Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Trường Chinh đã góp phần to lớn cùng Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quân và dân ta đoàn kết, củng cố, phát triển lực lượng cách mạng, hoạch định đường lối chiến lược cách mạng, chuẩn bị cho cả dân tộc tiến hành thành công Cách mạng Tháng Tám, thành lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

PGS.TS Đinh Quang Hải

Trong quá trình chuẩn bị Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hội nghị lần thứ tám của Ban Chấp hành Trung ương (5-1941) họp tại Pác Bó (Cao Bằng) có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng. Tại Hội nghị, đồng chí Trường Chinh đã được bầu làm Tổng Bí thư. Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Trường Chinh đã góp phần to lớn cùng Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quân và dân ta đoàn kết, củng cố, phát triển lực lượng cách mạng, hoạch định đường lối chiến lược cách mạng, chuẩn bị cho cả dân tộc tiến hành thành công Cách mạng Tháng Tám, thành lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á vào ngày 2-9-1945.

Đồng chí Trường Chinh cùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc

Từ năm 1939, tình hình trong nước và quốc tế ngày càng có những chuyển biến hết sức nhanh chóng, có liên quan tới vận mệnh của cách mạng Việt Nam. Đầu năm 1940, một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng như Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Lê Hồng Phong, Võ Văn Tân,... và hầu hết các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng đều bị địch bắt. Cách mạng Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Ngày 28-1-1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương ở lán Khuổi Nậm, Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng). Tham gia Hội nghị có các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Phùng Chí Kiên, Hoàng Quốc Việt, cùng một số đại biểu của Xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ và đại biểu tổ chức Đảng hoạt động ở nước ngoài. Tại Hội nghị, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư. Xét về tính chất và quy mô, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương như một Đại hội toàn quốc của Đảng. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương đã vạch ra những chiến lược căn bản cho con đường cách mạng Việt Nam.

Đồng chí Trường Chinh dự Hội nghị thống nhất Việt Minh - Liên Việt, tháng 3-1951.

Từ việc phân tích sâu sắc tình hình, thế và lực của cách mạng Việt Nam, đồng chí Trường Chinh cùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng đã quyết định "cần phải thay đổi chiến lược", "phải thay đổi chính sách cách mạng ở Đông Dương cho phù hợp với nguyện vọng của toàn thể nhân dân Đông Dương" và đặt vấn đề giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Từ việc xác định rõ kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương là "Phát xít Pháp - Nhật và các lực lượng phản cách mạng tay sai cho chúng", Hội nghị đã đánh giá những chuyển biến hết sức quan trọng và đúng đắn về mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, giữa dân tộc và dân chủ.

Tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Trường Chinh với tư cách là Quyền Tổng Bí thư đã giải quyết sáng tỏ về mặt lý luận mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp; đã sáng tạo trong việc thực hiện nhiệm vụ dân tộc và dân chủ, chống đế quốc và phong kiến, rất phù hợp với đặc điểm của cách mạng giải phóng dân tộc ở một nước thuộc địa. Hội nghị đặt lên hàng đầu nhiệm vụ chống đế quốc, giành độc lập dân tộc, còn nhiệm vụ chống phong kiến, đem lại ruộng đất cho dân cày sẽ thực hiện từng bước và phải phục vụ cho nhiệm vụ chống đế quốc. Hội nghị khẳng định: "nhiệm vụ giải phóng dân tộc, độc lập cho đất nước là một nhiệm vụ trước tiên của Đảng ta và của cách mạng Đông Dương hợp với nguyện vọng chung của tất cả nhân dân Đông Dương" và "Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được. Đó là nhiệm vụ của Đảng ta trong vấn đề dân tộc".

Nhận định khoa học trên đây là cơ sở để Hội nghị đi đến quyết tâm chuyển hướng chiến lược cách mạng Việt Nam "Đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc cao hơn hết, là nhiệm vụ trước tiên, tạm gác nhiệm vụ cách mạng điền địa lại".

Về phương pháp cách mạng, Hội nghị đã chỉ rõ: Chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và nhân dân ta trong giai đoạn hiện nay. Hội nghị nêu phương châm khi thời cơ đến: Với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương, cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn.

Nội dung Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương và sự thay đổi chiến lược cách mạng trong việc giải quyết một cách đúng đắn mối quan hệ giữa nhiệm vụ dân tộc và giai cấp, dân tộc và dân chủ trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, chính là sự hoàn chỉnh nội dung các nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu và thứ bảy trước đó. Sự thay đổi chiến lược một cách kịp thời, đầy sáng tạo của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương đã đáp ứng được khát vọng độc lập, tự do của toàn dân tộc, phù hợp với bối cảnh tình hình quốc tế và hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam.

(còn nữa)

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5093/202012/truong-chinh-mot-nhan-cach-lon-mot-nha-lanh-dao-kiet-xuat-cua-cach-mang-viet-nam-dong-chi-truong-chinh-voi-hoi-nghi-trung-uong-lan-thu-tam-5-1941-ky-1-2541606/