Đồng chí Xuân Thủy - một đại biểu Quốc hội mẫu mực, nhà báo tài năng

TS. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hôịĐồng chí Xuân Thủy, tên khai sinh là Nguyễn Trọng Nhâm (2.9.1912), tham gia hoạt động báo chí từ những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ XX với bút danh Xuân Thủy. Bút danh này đã trở thành tên gọi của đồng chí suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng đến khi qua đời (18.6.1985) và tên gọi ấy còn lưu danh mãi mãi.

Một đại biểu Quốc hội mẫu mực, vì dân, vì nước

Đồng chí Xuân Thủy được Đảng và Nhà nước giao đảm nhiệm rất nhiều trọng trách: Bí thư Trung ương Đảng khóa IV; Ủy viên Trung ương Đảng khóa II (dự khuyết), khóa III, IV; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước (7.1981 - 6.1982); Phó Chủ tịch Quốc hội các khóa II, V, VI, VII; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (1963 – 1965); Trưởng đoàn đại biểu của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (1968 - 1973). Đồng chí liên tục được bầu là đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII. Đồng chí vừa là nhà chính trị kiên trung, nhà lập pháp sáng suốt, nhà ngoại giao có tài, vừa là nhà văn hóa uyên thâm, lịch lãm (nhà báo, nhà thơ). Trong phạm vi bài viết này, xin chỉ nói đôi nét về sự nghiệp báo chí cách mạng của đồng chí - một đại biểu Quốc hội mẫu mực vì nước, vì dân.

Tư thế và nụ cười Xuân Thủy. (Ảnh tư liệu)

Tư thế và nụ cười Xuân Thủy. (Ảnh tư liệu)

Đồng chí Xuân Thủy tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1932 và đã có nhiều bài viết trên các báo ở Hà Nội thời kỳ ấy... Năm 1941, tại nhà tù Sơn La, đồng chí là Chủ bút báo Suối Reo - báo bí mật của những người tù chính trị. Từ năm 1944, đồng chí được Đảng phân công làm Chủ nhiệm báo Cứu Quốc bí mật, rồi báo Cứu Quốc ra hàng ngày từ trước Cách mạng tháng Tám. Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, báo Cứu Quốc là tờ báo duy nhất tiếp tục ra hàng ngày, là tiếng nói của Mặt trận, của Đảng, của Nhà nước (khi Đảng rút vào hoạt động bí mật). Việc thông tin qua lại giữa các vùng, miền của đất nước trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt gặp muôn vàn khó khăn, đồng chí Xuân Thủy đã có sáng kiến tổ chức chi nhánh báo Cứu Quốc ở khắp các liên khu trong cả nước. Nhờ sáng kiến này mà báo Cứu Quốc đều đặn có mặt, ra mắt đồng bào ở khắp mọi nơi trên đất nước, không một ngày thiếu vắng.

Bút lực của đồng chí rất khỏe. Mặc dù đảm nhận nhiều trọng trách, nhưng đồng chí đã viết đến hàng nghìn bài báo qua các thời kỳ. Đồng chí viết nhiều về xã luận, bình luận và chuyên luận. Các bài viết của đồng chí luôn mang hơi thở của cuộc sống, vừa hùng hồn, vừa tha thiết và có sức lan tỏa, lay động lòng người, giúp cho công tác thông tin tuyên truyền có hiệu quả cao. Ngày đầu tiên báo Cứu Quốc ra công khai (24.8.1945), đồng chí viết bài “Lời chào Cứu Quốc”. Trong đó có đoạn: “Cứu Quốc! Tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, tiếng kêu thống thiết của đồng bào hơn 80 năm nô lệ, tiếng thét căm hờn của hàng vạn chiến sĩ bị bắt bớ, tra tấn, tù đày, bắn giết chỉ vì tranh đấu cho quyền lợi của dân tộc.

Cứu Quốc! Hai tiếng hô vang từ Trưng Trắc, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung đến Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám và trong các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đô Lương vọng lại. Nó đã thành hai tiếng long trời lở đất của Việt Minh, hiệu triệu đồng bào vùng lên dưới lá cờ đỏ sao vàng, giành quyền độc lập tự do...”.

Một tài năng hiếm có, làm rạng danh nền báo chí cách mạng Việt Nam

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đồng chí đã chỉ đạo, tập hợp những người làm báo để thành lập “Đoàn báo chí Việt Nam”. Năm 1947, đồng chí đã trực tiếp làm Chủ tịch Đoàn báo chí kháng chiến. Đến năm 1950, thấy cần có một đoàn thể chính thức cho những người viết báo Việt Nam, đồng chí đã chủ trì tổ chức “Đại hội những người viết báo Việt Nam” lần thứ nhất. Tại Đại hội này, đồng chí được toàn thể các nhà báo tín nhiệm bầu làm Chủ tịch, và sang khóa II, đồng chí tiếp tục được bầu giữ trọng trách này.

Từ ngày 4.4 đến 6.7.1949, theo sự chỉ đạo của Tổng bộ Việt Minh, đồng chí Xuân Thủy chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức lớp viết báo đầu tiên mang tên Huỳnh Thúc Kháng (tại Bờ Rạ, huyện Đại Từ, Thái Nguyên). Lớp học có 43 học viên với 29 giảng viên. Đồng chí Xuân Thủy là một trong số các thầy trực tiếp giảng dạy. Nội dung học tập của lớp gồm 3 phần, lý thuyết, chuyên môn và thực hành. Về lý thuyết có các bài khái niệm, lịch sử báo chí... Về chuyên môn có các bài dạy làm phóng sự, điều tra, phỏng vấn, xã luận, nhạc kịch, chuyện châm biếm, cách viết tin, soạn tin..., tiếp đó là thực hành ngay... Sau này, nhiều học viên đã trở thành những phóng viên nổi tiếng, nòng cốt của các báo trên khắp cả nước.

Năm 1957, đồng chí là nhà báo Việt Nam đầu tiên được Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Ban Chấp hành của tổ chức này. Và đồng chí cũng là nhà báo đầu tiên của Việt Nam được vinh dự nhận giải báo chí quốc tế.

Tính đến năm 1961, đồng chí Xuân Thủy là một trong những Chủ nhiệm - Tổng biên tập lâu nhất trong làng báo nước nhà (gần 20 năm).

Đồng chí Xuân Thủy là nhà báo kỳ cựu, nhưng đồng thời cũng là một nhà thơ tài năng (làm thơ và dịch thơ). Nhiều đọc giả có nhận xét tinh tế rằng, thơ Xuân Thủy trong bất cứ hoàn cảnh gian lao, khổ ải nào cũng mang vẻ khoáng đạt, thấm đẫm tình cảm cách mạng, luôn lạc quan hướng tới tương lai... Tại nhà tù Hỏa Lò, bọn thực dân tra tấn, quất tù nhân chính trị bằng roi gân bò, đổ nước mắm ớt vào mũi cho sặc sụa, trói quặt hai cánh tay ra sau, được gọi là lộn mề gà, tra tấn bằng điện được gọi là “đi tàu bay”, bơm nước vào mồm cho chướng bụng, gọi là “đi tàu thủy”, đấm đá khắp người bất kỳ chỗ nào từ chỏm tóc cho đến gót chân, gọi là “đi tàu ngầm”... Đồng chí Xuân Thủy đã viết bài thơ “Trong nhà tù”, trong bài có các câu... “Ăn thì chẳng thiếu thức chi / Gân bò, mắm ớt, thêm phi mề gà/ Chơi thì nức tiếng gần xa/ Tàu bay, tàu thủy lại pha tàu ngầm...”.

Nhiều người trong chúng ta rất ấn tượng bản dịch của nhà thơ Xuân Thủy về bài thơ Nguyên tiêu của Bác Hồ. Rằm tháng Giêng âm lịch năm 1948, sau chuyến công tác dài ngày trở về bằng thuyền, lặng lẽ đi trong đêm trên sông Phó Đáy, dưới ánh trăng khuya, phong cảnh hữu tình, Bác đã làm bài thơ bằng chữ Hán:

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên

Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên

Yên ba thâm xứ đàm quân sự

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.

Trong không khí thân tình, Bác đề nghị đồng chí Xuân Thủy dịch bài thơ ra tiếng Việt để mọi người thưởng thức, đồng chí đã dịch:

Rằm xuân lồng lộng trăng soi

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân

Giữa dòng bàn bạc việc quân

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

Bác khen đồng chí Xuân Thủy dịch nhanh mà hay... Có lẽ cho đến nay nhiều người vẫn cho rằng đây là bản dịch nhanh nhất, sớm nhất và cũng là hay nhất trong nhiều bản dịch đã được công bố...

Thoáng qua một vài tiểu tiết cũng đủ cho chúng ta thấy rằng, trên lĩnh vực báo chí, đồng chí Xuân Thủy vừa là người tham gia tổ chức các tòa báo, tổ chức cơ quan đại diện của các báo, vừa là người thầy tổ chức đào tạo các nhà báo - những lớp phóng viên, ký giả đầu tiên - vừa trực tiếp phụ trách báo, trực tiếp làm phóng viên, biên tập viên và trực tiếp tác nghiệp viết bài. Quả thực, đồng chí là một tài năng hiếm có của làng báo, làm rạng danh nền báo chí cách mạng Việt Nam, để lại những bài học sâu sắc, thiết thực, sáng ngời cho hậu thế.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/dong-chi-xuan-thuy-mot-dai-bieu-quoc-hoi-mau-muc-nha-bao-tai-nang-i333264/