Động cơ đằng sau vụ hàng loạt thiết bị liên lạc của Hezbollah phát nổ
Israel có những tính toán chiến lược gì nếu thực sự đứng đằng sau vụ hàng loạt máy nhắn tin, bộ đàm của Hezbollah phát nổ?
Vụ việc hàng loạt thiết bị liên lạc, cụ thể là máy nhắn tin, bộ đàm cá nhân của các thành viên nhóm Hồi giáo vũ trang Hezbollah, bất ngờ phát nổ đã gây chấn động dư luận.
Cụ thể, ngày 17-9, số lượng lớn máy nhắn tin của Hezbollah trên khắp Lebanon phát nổ khiến 12 người chết, gần 3.000 người bị thương. Tiếp đến, hôm 18-9, nhiều bộ đàm của Hezbollah cũng phát nổ khiến 20 người chết và hơn 450 người bị thương.
Dù Hezbollah, Iran và một số quan chức Mỹ giấu tên cho rằng Israel là đứng sau những vụ việc này nhưng Israel hiện vẫn giữ im lặng và từ chối bình luận về vụ việc. Một số quan chức Mỹ và giới chuyên gia cho rằng tình báo Israel đã cài thuốc nổ vào hàng nghìn thiết bị liên lạc này, vốn được phân phát cho các thành viên Hezbollah.
Giải mã động cơ
Hiện tại, Israel - nước bị Hezbollah cáo buộc là thủ phạm - đang phải đối mặt với những thách thức an ninh vô cùng lớn, không chỉ cuộc chiến với Hamas ở Gaza mà còn là nỗi lo về cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn với Iran và các lực lượng ủy nhiệm của Iran. Giới quan sát cho rằng dường như điều mà Israel lo ngại nhất hiện nay là căng thẳng giữa Israel và Hezbollah có thể leo thang và bùng lên thành xung đột xuyên biên giới.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về động cơ gây ra các vụ nổ thiết bị liên lạc của Hezbollah, ThS Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu sinh chính trị quốc tế ĐH New South Wales (Úc), cho rằng trong chiến tranh, vấn đề liên lạc là vô cùng quan trọng bởi các đơn vị trong quân đội cần liên lạc với nhau để tiến hành một cuộc tấn công nào đó.
Đối với các nhóm phi nhà nước như Hezbollah, các lực lượng khi muốn liên lạc với nhau thì sẽ dùng cách phi truyền thống, chẳng hạn như máy nhắn tin, bộ đàm. Cạnh đó, có thông tin cho rằng chỉ những chỉ huy cấp trung trở lên của Hezbollah mới được trang bị máy nhắn tin.
“Trong trường hợp này, tư duy chiến lược của Israel (nếu đúng là Israel làm) là đánh thẳng vào năng lực thông tin liên lạc, cắt đứt hoàn toàn khả năng liên lạc giữa các đơn vị quân đội hay giữa chỉ huy với cấp dưới. Điều này sẽ tạo ra độ trễ trong liên lạc, làm giảm thiểu khả năng Hezbollah tung đòn phủ đầu - tấn công ồ ạt vào biên giới Israel” - ông Phương nhận định.
Học giả này cũng cho rằng thủ phạm - mà Hezbollah cho là Israel - đã gây “chiến tranh tâm lý” với Hezbollah khi không thừa nhận cũng không phủ nhận trách nhiệm về cuộc tấn công này. Theo ông Phương, nếu thực sự là thủ phạm, Israel muốn gửi tới Hezbollah thông điệp rằng Israel có thể chạm vào mọi ngóc ngách trong hệ thống chỉ huy của Hezbollah, từ đó tạo ra tâm lý sợ hãi, ngờ vực, phòng thủ và làm giảm khả năng Hezbollah tấn công tổng lực vào Israel.
Cùng ý kiến, ông Yossi Kuperwasser, cựu giám đốc nghiên cứu của cơ quan tình báo quân sự Israel, cho rằng mục đích của những chiến dịch này không phải là để leo thang, mà là để buộc Hezbollah ngừng các cuộc tấn công xuyên biên giới, từ đó đạt được một giải pháp cho phép người dân Israel sơ tán trở về nhà của họ, theo tờ The Wall Street Journal.
Kể từ khi Hezbollah bắt đầu bắn phá vào Israel sau khi chiến sự ở Gaza bùng nổ vào ngày 7-10-2023, hàng chục nghìn người Israel đã phải sơ tán khỏi phía bắc nước này trong bối cảnh hai bên “đọ súng” mỗi ngày. Israel đã nhiều lần không kích đáp trả khiến hàng trăm chiến binh thiệt mạng cũng như ám sát một số nhân vật cấp cao của nhóm này, mà gần đây nhất là chỉ huy quân sự Fuad Shukr.
Lo ngại về tiền lệ xấu
Nếu thực sự là thủ phạm trong 2 vụ việc mới nhất này thì đây không phải là lần đầu tiên Israel làm nổ thiết bị liên lạc để gây thương vong cho đối phương. Vào những năm 1990, sau khi bị rung chuyển vì những trận bom của lực lượng Hamas, Israel đã giết chết kẻ chế tạo bom của Hamas - ông Yahya Ayyash bằng cách đặt chất nổ vào điện thoại và kích nổ bên tai người này.
Theo ThS Nguyễn Thế Phương, bản chất phương pháp này không phải mới khi nó nằm trong triết lý chiến tranh của Israel từ trước tới nay, tức là tổng hòa của những “yếu tố công nghệ cao, chiến tranh không công khai (shadow)”. Tuy nhiên, cái làm cho thế giới bất ngờ là nó gây tác động trên quy mô lớn và cách thức tinh vi (hiện vẫn chưa ai biết) mà Israel có thể can thiệp vào chuỗi cung ứng - từ khâu sản xuất đến vận chuyển, các thiết bị này để cài thiết bị nổ.
Loạt máy nhắn tin phát nổ hôm 17-9 mang nhãn hiệu công ty Đài Loan Gold Apollo. Tờ The New York Times dẫn lời hai quan chức giấu tên thông thạo về vụ nổ máy nhắn tin cho cho biết vật liệu nổ, nặng khoảng từ 28 đến 56 gram, đã được cài bên cạnh pin trong mỗi máy này. Đại diện công ty này khẳng định các máy nhắn tin phát nổ không do doanh nghiệp này sản xuất mà do một công ty tên BAC Consulting có đăng ký tại Budapest (Hungary) có giấy phép sử dụng thương hiệu của Gold Apollo làm ra.
Còn các bộ đàm nổ ngày 18-9 thuộc mẫu IC-V82 của công ty Icom (Nhật) và hiện công ty này hiện đang điều tra về vụ việc. Phân tích của The New York Times cũng cho rằng các bộ đàm nổ hôm 18-9 chứa nhiều chất nổ hơn và các thành viên Hezbollah cho biết những vụ nổ này mạnh hơn vụ nổ máy nhắn tin, khiến các nạn nhân bị đứt lìa bàn tay, hỏng mắt hoặc bị thương ở hông và hai bên hông. Các nguồn tin an ninh giấu tên cho rằng các máy nhắn tin và bộ đàm này được đặt mua trong cùng thời điểm.
Trước lo ngại về khả năng sẽ có các quốc gia nghiên cứu làm theo những gì đang xảy ra ở Lebanon, ông Phương cho rằng khi biết được sự tồn tại của phương thức tấn công này, “các nước sẽ đề phòng hơn và rà soát lại về chuỗi cung ứng, luật pháp và an ninh để giảm thiểu nguy cơ bị tấn công tương tự”. Việc các nước tạo ra những rào cản lớn về mặt an ninh, pháp lý sẽ khiến những quốc gia có ý định tấn công mình bằng phương pháp đó sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Điện thoại có thể trở thành vũ khí chết người?
Sau vụ nổ thiết bị liên lạc của Hezbollah, trên mạng xã hội đã rộ lên thông tin cho rằng điện thoại thông minh sẽ có thể trở thành vũ khí chết người theo cách tương tự.
Tuy nhiên, TS. Lukasz Olejnik, chuyên gia tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh thuộc ĐH King's College London (Anh) khẳng định rằng "không có nguy cơ ai đó khiến điện thoại thông minh của bạn phát nổ". Theo ông, hầu hết các điện thoại thông minh hiện nay đều được thiết kế theo cách mà việc can thiệp vật lý như vậy sẽ rất khó khăn hoặc gần như không thể.
Cùng ý kiến, ông Nicholas Reece, chuyên gia nghiên cứu máy tính tại ĐH New York (Mỹ) cũng cho rằng việc cài cắm chất nổ như vậy với điện thoại thông minh sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với máy nhắn tin. Theo ông, cần phải có đủ không gian bên trong điện thoại thông minh để đặt chất nổ, điều này dường như không có khả năng xảy ra với bất kỳ loại điện thoại thông minh hiện đại nào.