Động cơ đằng sau vụ phá hoại đường ống dòng chảy phương Bắc

Những hé lộ của nhà báo Mỹ Seymour Hersh (Xi-mua Hớt) lại làm dậy sóng những cuộc tranh luận về thủ phạm vụ phá hoại đường ống dòng chảy phương bắc. Sự cố đã làm bùng lên tranh cãi và đổ lỗi giữa các bên có liên quan, đặc biệt là Mỹ và Nga.

Mỹ và phương Tây suy luận rằng trong số các nghi phạm, Nga có khả năng thực hiện nhất, bởi điều này phù hợp với ý định của Điện Kremlin nhằm cho thấy sự mong manh của nguồn cung năng lượng châu Âu. Trong khi đó, Nga cực lực phản đối và cho rằng Mỹ là bên hưởng lợi nhất từ vụ phá hoại đường ống khí đốt Nord Stream, chứ không phải Nga hay EU. Việc xác định thủ phạm có thể mất nhiều năm trời, hoặc sẽ không bao giờ được biết, nhưng báo chí thế giới đã có một số bài viết phân tích về động cơ đằng sau vụ phá hoại để người đọc suy luận.

Một bài viết được tờ The Guardian đăng tải cho rằng, vụ phá hoại có một số điểm giống với một loạt sự sự cố ảnh hưởng đến các tàu chở dầu ở vùng Vịnh cách đây 3 năm, được điều chỉnh cẩn thận để tạo ra sự kích động hoặc sợ hãi, nhưng không gây thiệt hại nghiêm trọng. Theo bài viết, nếu Nga đứng sau vụ nổ Dòng chảy phương Bắc, các quan chức điện Kremlin có thể đã có một động thái gây kích động, nhưng không mang tính đe dọa. Và với cuộc xung đột ở Ukraine, việc Moscow nhắm mục tiêu vào các đường ống và cáp ngầm dưới biển Baltic và các nơi khác là điều khó tin.

Trong khi đó, một bài viết trên trang Chinadaily.com có tiêu đề “Ai đứng đằng sau vụ phá hoại Đường ống Dòng chảy phương Bắc?”. Tác giả bài viết cho rằng đường ống Dòng chảy phương Bắc là một trong những đòn bẩy mạnh mẽ nhất mà Nga có thể sử dụng để thu hút sự nhượng bộ từ một số nước phương Tây, và việc phá hoại nó sẽ khiến Moscow đánh mất đòn bẩy này. Bài viết cũng chỉ ra rằng, để xác định ai đứng đằng sau vụ phá hoại và tại sao, thì cần một cuộc điều tra kỹ lưỡng và phi chính trị. Nhưng với căng thẳng leo thang hiện hiện nay giữa Nga và phương Tây, thì việc tiến hành một cuộc điều tra như vậy là điều không thể.

“Vụ phá hoại đường ống Dòng chảy phương Bắc: Ai phải chịu trách nhiệm và Tại sao?” là tiêu đề một bài phân tích trên trang Reuters. Bài viết cho rằng, nếu đây là một hành động phá hoại thì nó đã làm hỏng các đường ống dẫn với chi phí lên tới hang tỷ USD. Điều này cũng đồng nghĩa Nga mất đi một yếu tố đòn bẩy mà nước này vẫn có với châu Âu. Bài viết chỉ ra rằng, bất cứ ai hay bất cứ điều gì chịu trách nhiệm trong sự việc này, Ukriane có thể là người hưởng lợi. Kiev từ lâu đã kêu gọi châu Âu ngừng mọi hoạt động mua nhiên liệu của Nga, và việc làm gián đoạn Dòng chảy phương Bắc sẽ giúp lời kêu gọi này tiến gần với thực tế hơn.

Thực hiện : Ngọc Anh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/dong-co-dang-sau-vu-pha-hoai-duong-ong-dong-chay-phuong-bac