Đóng cửa du lịch, châu Âu ban bố hạn chế đi lại nghiêm ngặt chưa từng có
Giữa đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục hạn chế nhập cảnh và hầu hết việc đi lại không được khuyến khích. Châu Âu thậm chí còn đóng cửa du lịch, ban bố hạn chế đi lại và quy định nghiêm ngặt chưa từng có.
Hầu hết các quốc gia châu Âu đều hạn chế và cấm du lịch - Ảnh: Reuters
Bài liên quan
Châu Âu đối mặt với ‘nghịch lý đại dịch’, viễn cảnh u ám
Nước Anh kéo dài lệnh phong tỏa ít nhất đến tháng 3
Hàng nghìn người Amsterdam biểu tình phản đối phong tỏa Hà Lan
Đức mở rộng hạn chế, kéo dài thời gian phong tỏa virus Corona
Chưa bao giờ người ta thấy biên giới châu Âu bị giới hạn và khóa chặt như lúc này. Mặc dù các quốc gia đã tiến hành hàng loạt các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của đại dịch virus Corona vốn đã tấn công châu Âu từ cách đây 1 năm, nhưng khu vực này vẫn đang lao đao và bị động trước làn sóng lây nhiễm mới.
Sự hỗn loạn đang bao trùm khắp châu Âu với những quy định hạn chế di chuyển mạnh mẽ chưa từng có, bất chấp sự phản đối của không ít người dân ở một số quốc gia. Một điều đáng nói là ngay tại mỗi quốc gia lại có những quy định riêng, khiến mọi thứ trở nên phức tạp.
Liên minh châu Âu
Một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, bao gồm Bỉ, Pháp, Bồ Đào Nha và Phần Lan, đã công bố các quy định nhập cảnh hoặc du lịch mới. Điều này diễn ra sau cuộc thảo luận giữa các nhà lãnh đạo EU về việc hạn chế các chuyến đi không cần thiết qua biên giới nội bộ của khối, để ngăn chặn sự lây lan của virus Corona, đặc biệt là các chủng đột biến xuất hiện từ Anh, Nam Phi và Brazil.
Việc đi lại vào EU đã bị hạn chế nghiêm ngặt bắt đầu từ Chủ nhật ngày 24 tháng 1. Bất kỳ ai từ bên ngoài vào EU chỉ có thể nhập cảnh vì những lý do cần thiết, nhưng sẽ phải kiểm tra COVID-19 trước khi khởi hành.
Ngoài ra, EU đã ra lệnh chặn tất cả, trừ vận tải hàng hóa hoặc người trong các chuyến đi thiết yếu vào khối từ Vương Quốc Anh, để ngăn chặn sự lây nhiễm mạnh mẽ và độc hại do biến thể virus mới từ quốc gia này.
EU hàng ngày cập nhật liên tục thông tin đầy đủ về những quy định cho từng quốc gia trong số 27 quốc gia thành viên trên website chính thức của Liên minh châu Âu.
Tuy nhiên, mỗi quốc gia EU lại duy trì các tiêu chuẩn riêng của mình để quyết định xem công dân của các nước thứ ba có thể nhập cảnh hay không, nếu họ đã ở trong một quốc gia EU hoặc khối Schengen (hiệp ước về tự do đi lại do một số nước châu Âu ký kết).
Mỗi quốc gia thành viên EU cũng quyết định và thực hiện các biện pháp tiếp theo của riêng mình để hạn chế sự lây lan của đại dịch, chẳng hạn như kiểm dịch khi nhập cảnh từ một khu vực hoặc quốc gia khác. Các quy định của địa phương cũng rất khác nhau về các biện pháp tạo khoảng cách xã hội, lệnh giới nghiêm và yêu cầu đeo khẩu trang.
Tháp Eifel vắng tanh khi Pháp đang chịu tấn công mạnh mẽ từ đại dịch virus Corona - Ảnh: Getty
EU cung cấp hệ thống đèn giao thông virus Corona
Để cung cấp cho khách du lịch ở châu Âu cái nhìn tổng quan hơn về tình hình lây nhiễm corona và các hạn chế có thể xảy ra, EU đã giới thiệu hệ thống đèn giao thông virus Corona. Theo đó, EU được chia thành các khu vực màu xanh lá cây, cam và đỏ. Ngoài ra, có màu xám cho các vùng mà từ đó không có đủ dữ liệu. Hiện nay, màu đỏ đang bao phủ hầu hết cả lục địa.
Ứng dụng “Re-Open EU” của Ủy ban Liên minh Châu Âu cũng là một lựa chọn để người dân nắm bắt được tình hình dịch bệnh tại các khu vực. Ứng dụng này cung cấp thông tin cập nhật về tình hình sức khỏe, các biện pháp phòng ngừa an toàn và hạn chế đi lại cho tất cả các nước EU và các thành viên của khu vực Schengen không có biên giới, bao gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ.
Đức, Pháp, Anh, Ý và Tây Ban Nha là năm quốc gia được du khách đến thăm nhiều nhất ở Châu Âu, tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại việc du đến những nước này bị hạn chế rất nhiều nếu không muốn nói là không thể trong bối cảnh hiện nay.
Những quy định khác nhau ở mỗi quốc gia
Mỗi quốc gia tại châu Âu hiện có những quy định riêng về việc đi lại cũng như quy trình kiểm dịch, xét nghiệm khác nhau cũng như các mức cảnh báo khác nhau. Vì thế, việc di chuyển và trao đổi giữa các nước trong khu vực này gặp rất nhiều khó khăn.
Chẳng hạn, Đức yêu cầu kiểm dịch 10 ngày cũng như yêu cầu kiểm tra khi nhập cảnh từ các khu vực nước ngoài nguy hiểm. Những du khách đã ở trong khu vực rủi ro trong 10 ngày qua trước khi nhập cảnh vào Đức phải xuất trình kết quả xét nghiệm COVID chậm nhất 48 giờ sau khi nhập cảnh.
Chính phủ Đức cũng áp đặt các quy tắc nhập cảnh thậm chí còn khắt khe hơn đối với hơn 20 quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm đặc biệt cao, một phần lớn trong số đó ở châu Âu, bao gồm các điểm đến nghỉ mát nổi tiếng như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Những khách du lịch đến từ các khu vực có nguy cơ cao hoặc có biến thể virus, tức là các khu vực đã phát tán các biến thể virus rất dễ lây lan như Brazil, Nam Phi, Bồ Đào Nha, Ireland, Vương quốc Anh và Bắc Ireland, thậm chí phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính trước đó nhập cảnh. Chỉ khi đó họ mới được phép lên máy bay.
Pháp đang hạn chế công dân nước ngoài nhập cảnh. Ngoài du khách đến từ các quốc gia không thuộc Liên minh Châu Âu, công dân đến từ các quốc gia châu Âu hiện cũng phải cung cấp bằng chứng về kết quả xét nghiệm PCR âm tính, không được quá 72 giờ.
Pháp đã hai lần thực hiện lệnh giới nghiêm nghiêm ngặt kéo dài nhiều tuần. Nhiều chuyên gia đang kêu gọi một đợt khóa thứ ba trước sự lây lan của virus đột biến được phát hiện tại Anh. Các cửa hàng và trường học phần lớn vẫn mở ở Pháp, nhưng các nhà hàng phải đóng cửa. Trên toàn quốc, lệnh giới nghiêm vào ban đêm hiện có hiệu lực từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng. Các siêu thị đóng cửa sau đó, đi bộ và chơi thể thao ngoài trời bị cấm.
Nước Anh đang tiến hành phong tỏa toàn quốc lần thứ ba trước đợt lây nhiễm mạnh mẽ của biến thể virus Corona mới - Ảnh: Alliance
Vương quốc Anh đang thực hiện phong tỏa toàn quốc cho đến ngày 22 tháng 2. Ở Anh, mọi người không được phép rời khỏi nhà mà không có lý do chính đáng. Các trường học, trường đại học và tất cả các cơ sở kinh doanh không được coi là thiết yếu đều bị đóng cửa.
Tại Anh, những người muốn nhập cảnh phải xuất trình bằng chứng về xét nghiệm COVID-19 âm tính trước khi khởi hành. Quá trình này có thể mất đến ba ngày trước khi cuộc hành trình bắt đầu. Ngay cả với các yêu cầu xét nghiệm mới, khách du lịch (bao gồm cả công dân Vương quốc Anh) vẫn phải tự cách ly trong 10 ngày khi đến.
Italia đã gia hạn tình trạng khẩn cấp cho đến ngày 30 tháng 4, và việc nhập cảnh từ nước ngoài vẫn bị hạn chế rất nhiều. Những người đến từ Vương quốc Anh (không phải cư dân Ý) bị cấm cho đến ít nhất từ ngày 31 tháng 1 đến ngày 5 tháng 3; không ai đã đến hoặc quá cảnh qua Brazil trong 14 ngày qua có thể vào Ý (thậm chí không phải cư dân Ý). Ngoài ra, các chuyến bay đến và đi từ Brazil đã bị cấm.
Do số ca nhiễm mới tiếp tục cao, lệnh giới nghiêm hàng ngày từ 10 giờ tối đến 5 giờ sáng hiện đang có hiệu lực đối với toàn bộ nước Ý. Bảo tàng, nhà hát, rạp chiếu phim và các điểm du lịch vẫn đóng cửa. Chỉ có các cửa hàng tạp hóa, ngân hàng, bưu điện và hiệu thuốc là mở cửa. Các khu nghỉ mát trượt tuyết dự kiến sẽ mở cửa sớm nhất cho đến ngày 15 tháng 2.
Tây Ban Nha cho phép nhập cảnh không hạn chế từ EU, Khu vực Schengen và một danh sách nhỏ các nước thứ ba, nhưng đã đình chỉ các chuyến bay đến từ Vương quốc Anh kể từ ngày 22 tháng 12.
Tây Ban Nha áp đặt tình trạng cảnh báo có hiệu lực trên toàn quốc cho đến ngày 9 tháng 5, cho phép các cộng đồng (khu vực) tự trị áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm, hạn chế di chuyển và hạn chế tụ tập, tùy thuộc vào tình hình lây nhiễm.
Hầu hết các nhà hàng chỉ được phép bán bên ngoài hoặc chỉ phục vụ bên ngoài. Nhiều câu lạc bộ sức khỏe bị đóng cửa, và các rạp hát, phòng hòa nhạc, rạp chiếu phim chỉ được phép chưa một phần nhỏ số chỗ ngồi của họ, nếu có.
Ngoài những quốc gia kể trên, Áo, Bỉ, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Ireland… và hầu hết các nước châu Âu đều có những quy định rất cụ thể về các trường được phép nhập cảnh hay như thời hạn cách ly. Có thể nói, chưa bao giờ người dân châu Âu chứng kiến tình trạng bị “quản thúc” một cách nghiêm ngặt và mệt mỏi như hiện tại.