Đóng cửa hay vắc xin? Ba quốc gia Thái Bình Dương thử các con đường khác nhau

Khi đối mặt với làn sóng ca nhiễm COVID-19 mới, Nhật Bản, Úc và New Zealand đều đã và đang có một lựa chọn cho riêng mình.

Nhà ga trung tâm ở Sydney, Úc. Ảnh: AP

Bài liên quan

Thủ tướng Úc cân nhắc bỏ chính sách Zero-COVID

Israel phát hiện mũi vắc xin COVID-19 tăng cường làm giảm nguy cơ lây nhiễm

FDA cảnh báo không dùng thuốc thú y để điều trị COVID-19

WHO tìm thêm chuyên gia, quyết truy tìm nguồn gốc COVID-19

Việc phát hiện ra một trường hợp COVID-19 địa phương duy nhất ở New Zealand là đủ để chính phủ đặt toàn bộ đất nước vào tình trạng nghiêm ngặt trong tuần qua. Trong khi những người khác có thể coi điều đó là hà khắc, người New Zealand nói chung ủng hộ các biện pháp như vậy vì nó đã hoạt động rất hiệu quả trong quá khứ.

Bà Cheryl Simpson, chủ một trung tâm chăm sóc chó hiện đã đóng cửa vì các biện pháp giãn cách, cho biết: “Tôi rất vui khi có tuyên bố giãn cách, mặc dù tôi không thích điều đó”. Bà nói rằng bà muốn đất nước dập tắt đợt bùng phát mới nhất.

Tuy nhiên, ở những nơi khác trên Thái Bình Dương, Nhật Bản đang phản đối việc đóng cửa đất nước và thay vào đó nhấn mạnh vào chương trình tiêm phòng vắc xin. Úc hiện đang ở giữa hai phương án này,

Cả ba quốc gia đã vượt qua năm đầu tiên của đại dịch với tình trạng tương đối tốt với các con đường khác nhau.

Giáo sư Michael Baker, nhà dịch tễ học tại Đại học Otago của New Zealand, cho biết các quốc gia trên thế giới đang vật lộn để thích ứng với mối đe dọa mới nhất: “Với biến thể Delta, các quy tắc cũ không còn thích hợp".

Người dân Nhật Bản ăn uống tại nhà hàng vào buổi tối trước khi lệnh tình trạng khẩn cấp áp đặt với Tokyo và nhiều khu vực, do sự bùng phát của đại dịch - Ảnh: AP

Lựa chọn của Nhật Bản

Nhật Bản chưa bao giờ áp đặt các biện pháp đóng cửa chống lại virus. Công chúng nước này có những phản ứng gay gắt trước những biện pháp cực đoan của chính phủ kể từ sau thời kỳ phát xít.

Trước khi có biến thể Delta, đất nước này đã cố gắng ngăn chặn sự bùng phát của COVID-19 một phần vì nhiều người ở Nhật Bản đã quen với việc đeo khẩu trang để bảo vệ khỏi bụi mịn hoặc khi họ bị cảm lạnh.

Giờ đây, hầu như tất cả mọi người trên các phương tiện giao thông công cộng đều đeo khẩu trang trong giờ đi làm. Nhưng vào ban đêm, mọi người có xu hướng tìm đến các nhà hàng và quán bar, điều này đã cho phép biến thể này lan rộng. Việc tổ chức Olympic Tokyo cũng thế.

Trong khi các quy trình nghiêm ngặt giúp hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm trong các trận đấu, các chuyên gia như Tiến sĩ Shigeru Omi, cố vấn y tế chủ chốt của chính phủ, cho rằng Thế vận hội đã tạo ra một không khí lễ hội khiến người dân Nhật Bản hạ thấp cảnh giác.

Các ca mắc mới ở Nhật Bản trong tháng 8 đã tăng vọt lên 25.000 ca mỗi ngày, nhiều hơn gấp ba lần so với mức cao nhất trước đó. Ông Omi coi đó là một thảm họa.

Thủ tướng Yoshihide Suga hôm thứ Sáu (20/8) đã mở rộng và gia hạn tình trạng khẩn cấp bao trùm Tokyo và các khu vực khác cho đến ít nhất là giữa tháng 9, mặc dù hầu hết các hạn chế không có tính răn đe pháp luật.

Nhiều thống đốc đang thúc giục Thủ tướng xem xét các biện pháp hạn chế cứng rắn hơn nhiều. Nhưng ông Suga cho biết các lệnh cấm đã được phổ biến trên khắp thế giới, và vắc xin là "con đường đúng để đi".

Số ca tiêm chủng hàng ngày ở Nhật Bản đã tăng gấp 10 lần từ tháng 5 đến tháng 6 khi hàng ngàn công trường và trường cao đẳng bắt đầu tiến hành tiêm chủng, nhưng sự khởi đầu chậm chạp đã khiến tỷ lệ tiêm chủng ở Nhật vẫn thấp hơn so với các nước phát triển khác. Chỉ có khoảng 40% người dân được tiêm chủng đầy đủ.

Tàu điện ngầm vắng khách tại Sydney, Úc, khi quốc gia này áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt trong 2 tháng qua - Ảnh: AP

Cách làm của Úc

Ở Úc, một đợt bùng phát mới đã tấn công Sydney vào tháng 6 sau khi một tài xế chưa được tiêm phòng bị nhiễm bệnh trong lúc đưa một phi hành đoàn hàng không Mỹ từ sân bay Sydney vào thành phố. Các nhà chức trách tiểu bang đã do dự trong 10 ngày trước khi áp dụng các biện pháp đóng cửa trên khắp Sydney, hiện lệnh này đã kéo dài hai tháng.

Đầu đại dịch, chính phủ liên bang của Úc chỉ áp đặt một đợt đóng cửa trên toàn quốc. Giờ đây, trong bối cảnh đại dịch bùng phát, nước này đang theo đuổi một chiến lược bao gồm kiểm soát chặt chẽ người Úc rời khỏi đất nước và người nước ngoài nhập cảnh.

Các ca nhiễm mới ở Sydney đã tăng từ chỉ vài ca mỗi tuần trước đợt bùng phát mới nhất lên hơn 800 ca mỗi ngày.

“Không thể loại bỏ virus hoàn toàn. Chúng ta phải học cách sống chung với lũ”, bà Gladys Berejiklian, thủ hiến bang New South Wales của Sydney, cho biết , một thay đổi lớn so với quyết tâm dập tắt hoàn toàn dịch như trước đây.

“Đó là lý do tại sao chúng tôi có một chiến lược kép ở New South Wales”, bà Berejiklian nói. “Số trường hợp nhiễm giảm, tỷ lệ tiêm chủng tăng lên. Chúng ta phải đạt được cả hai để có thể sống tự do trong tương lai".

Dịch bệnh bùng phát ở Sydney đã tràn sang thủ đô Canberra, nơi cũng đã bị đóng cửa. "Tôi không biết rằng sẽ có ai thực sự đánh bại được Delta”, bà nói. “Tôi nghĩ chúng ta chỉ cần cố gắng tăng tỷ lệ tiêm chủng và từ từ mở cửa lại mọi thứ khi an toàn.”

Nhưng Úc thua xa Nhật Bản trong việc tiêm chủng cho người dân, với chỉ 23% người dân được tiêm chủng đầy đủ.

Một sĩ quan New Zealand hướng dẫn người dân xếp hàng chờ xét nghiệm. Việc áp đặt các biện pháp chống dịch đang diễn ra tương đối khác nhau ở Nhật Bản, Úc và New Zealand - Ảnh: AP

Sự cứng rắn của New Zealand

Năm ngoái, ngay sau khi đại dịch lần đầu tiên xảy ra, nước láng giềng New Zealand đã áp đặt một lệnh cấm cửa nghiêm ngặt trên toàn quốc và đóng cửa biên giới đối với những người không cư trú. Điều đó đã giúp nước này xóa sạch virus hoàn toàn. Đất nước 5 triệu dân đã có thể đánh bại từng đợt bùng phát kể từ đó, chỉ ghi nhận 26 trường hợp tử vong do COVID-19.

Đã sáu tháng trôi qua mà không có một trường hợp lây lan cục bộ nào, cho phép mọi người tiếp tục cuộc sống hàng ngày của họ như trước khi xảy ra đại dịch.

Nhưng trong tháng này, vụ bùng phát ở Sydney đã lan sang New Zealand, do một người du lịch trở về mang theo virus Corona. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ngay lập tức áp đặt hình thức đóng cửa nghiêm ngặt nhất.

Đến Chủ nhật (22/8), số ca lây lan cục bộ ở New Zealand đã tăng lên 72, và virus đã đến được thủ đô Wellington. Các quan chức đã chạy đua để theo dõi thêm 10.000 người có thể đã tiếp xúc.

"Chúng ta đã từng ở vị trí này trước đây. Chúng tôi biết chiến lược này có hiệu quả", bà Ardern nói.

Ông Baker, nhà dịch tễ học, cho biết ông tin rằng New Zealand vẫn có thể quét sạch virus một lần nữa bằng cách theo đuổi phương pháp quyết liệt để dập tắt dấu hiệu bùng phát đầu tiên. New Zealand không có nhiều kế hoạch B.

Và New Zealand là quốc gia phát triển chậm nhất trong việc tiêm chủng, với chỉ 20% người dân được tiêm chủng đầy đủ.

Cả Nhật Bản, Úc và New Zealand đều có hướng giải quyết riêng trong mỗi trường hợp nhưng một điều dễ nhận thấy là chính phủ của họ đều sẵn sàng áp đặt những biện pháp cứng rắn nhất để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.

Hầu hết người dân đều đồng thuận với quyết định mạnh tay, bởi tất cả đều nhận thấy chỉ có như vậy mới hy vọng loại virus khỏi cộng đồng và từ đó trở lại cuộc sống bình thường.

Hoàng Nam

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dong-cua-hay-vac-xin-ba-quoc-gia-thai-binh-duong-thu-cac-con-duong-khac-nhau-post151789.html