Động đất 4.0 richter ở Mỹ Đức có bất thường?
Động đất tại Mỹ Đức (Hà Nội) xảy ra do nằm cách đới đứt gãy sông Hồng chỉ khoảng 1,8 km - là nguồn phát sinh động đất, chạy cắt qua địa phận TP Hà Nội.
Liên quan đến trận động đất 4.0 độ richter xảy ra sáng nay 25/3 trên địa bàn huyện Mỹ Đức, Hà Nội, TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết, Hà Nội nằm trong vùng đứt gãy sông Hồng - sông Lô - sông Chảy, các đứt gãy sinh chấn vẫn hoạt động.
Khi các đứt gãy này tích tụ đủ năng lượng thì phát sinh động đất. Khi xảy ra động đất, cơ quan chuyên môn ghi nhận và tiếp tục theo dõi.
TS Xuân Anh cho biết thêm, từng khu vực trong vùng đứt gãy thỉnh thoảng vẫn xảy ra những trận động đất, mà nguyên nhân như đã nói ở trên, là các đứt gãy sinh chấn hoạt động và tích tụ đủ năng lượng.
Theo Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, việc các cơ quan chuyên môn đã và đang làm là theo dõi, đánh giá độ nguy hiểm của hoạt động này.
"Quy luật động đất do các đứt gãy sinh chấn ở vùng đứt gãy sông Hồng - sông Lô - sông Chảy cho thấy, thường là hàng trăm năm hoặc dăm bảy trăm năm mới xảy ra một lần. Thời xưa chưa có máy móc nên việc nhận diện động đất được thông qua việc phân tích nguyên nhân các hệ quả còn lại, ví dụ như hiện tượng nứt tượng hoặc sạt lở được ghi lại trong sổ sách. Sau này số liệu thống kê càng đầy đủ, việc đánh giá sẽ càng chi tiết hơn", TS Nguyễn Xuân Anh nói.
Còn theo PGS. TS Nguyễn Hồng Phương, chuyên gia về động đất, Viện Vật lý địa cầu, động đất tại Mỹ Đức xảy ra do nằm cách đới đứt gãy sông Hồng chỉ khoảng 1,8 km - là nguồn phát sinh động đất, chạy cắt qua địa phận TP Hà Nội. Đây là đứt gãy kéo dài đến hơn 1.000 km bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc) chạy đến miền Bắc Việt Nam, kéo dài đến Vĩnh Phúc.
Đứt gãy này đang trong thời kỳ ngủ yên và kỷ nguyên này kéo dài khoảng vài nghìn năm, theo dự báo các chuyên gia. Do đó, dọc theo đới đứt gãy này chỉ phát sinh những trận động đất trung bình hoặc nhỏ.
Tại Việt Nam, đến nay ghi nhận phát sinh khoảng 30 trận động đất nhỏ với độ lớn khoảng 3 đến 4 độ richter.
PGS Phương cho biết thêm, động đất ở Mỹ Đức khác với loại động đất kích thích từng xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Động đất kích thích do con người tác động vào môi trường, cụ thể xảy ra tại khu vực thủy điện có hồ chứa lớn ép xuống gây động đất kích thích.
Còn động đất ở Hà Nội phát sinh trên đới đứt gãy sông Hồng, do thiên nhiên gây ra những vết nứt sâu trên bề mặt Trái đất, được ví như "họng để thoát năng lượng từ dưới lòng đất ra ngoài, thể hiện dưới dạng động đất, gọi là động đất kiến tạo".
Tại Hà Nội theo ghi nhận của Viện Vật lý địa cầu, dù tần suất hàng trăm năm mới có một trận động đất xảy ra nhưng cũng hay chịu sang chấn do động đất ở các vùng lân cận, thậm chí nhiều trận động đất cường độ lớn ở khu vực biên giới Việt Nam- Trung Quốc, biên giới Myanmar- Trung Quốc cũng khiến nhiều tòa nhà cao tầng ở Hà Nội bị rung lắc nhẹ.
Cụ thể như, ngày 17/11/2023, trận động đất mạnh 5,4 độ richter xảy ra ở khu vực biên giới Myanmar - Trung Quốc, khiến nhiều tòa nhà cao tầng ở Hà Nội rung lắc.
Trước đó nữa, năm 2018, tại Vân Nam (Trung Quốc) xảy ra trận động đất 5,3 độ richter, cũng khiến nhiều nhà cao tầng ở Hà Nội rung lắc.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dong-dat-40-richter-o-my-duc-co-bat-thuong-post571082.antd