Động đất làm trầm trọng thêm khủng hoảng nhân đạo tại Tây Bắc Syria
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông - Bắc Phi, báo Arab News của Saudi Arabia vừa đăng bài viết đánh giá trận động đất kinh hoàng xảy ra ngày 6/2 vừa qua đang làm trầm trọng thêm khủng hoảng nhân đạo ở khu vực Tây Bắc Syria.
Bài viết nhấn mạnh hơn một tuần sau khi trận động đất có độ lớn 7,8 tàn phá nhiều khu vực ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Bắc Syria, số người thiệt mạng tiếp tục tăng lên từng giờ. Mặc dù số nạn nhân tử vong được xác nhận ở Syria thấp hơn so với Thổ Nhĩ Kỳ, song hơn một thập kỷ xung đột đã khiến Syria hoàn toàn không có sự chuẩn bị để ứng phó với thảm họa ở mức độ nghiêm trọng này.
Tình hình vốn đã trầm trọng ở Tây Bắc Syria, nơi mà các phe phái đối lập và các nhóm khủng bố lâu nay vẫn tranh giành quyền kiểm soát, đã leo thang thành thảm họa nhân đạo toàn diện. Theo ước tính của Viện Trung Đông có trụ sở tại Washington (Mỹ), có tới 60% cơ sở hạ tầng của Tây Bắc Syria hư hại hoặc bị phá hủy trước trận động đất hôm 6/2, với các cơ sở y tế đã bị tàn phá nặng nề.
Trước trận động đất, hầu hết mọi người đều phải ứng chịu thảm họa nhân đạo do phần lớn các tòa nhà và cơ sở hạ tầng đã bị phá hủy, đặc biệt là các cơ sở y tế, cùng tình trạng thiếu các trang thiết bị y tế và thuốc men. Sau trận động đất, tình hình nhân đạo càng trở nên nghiêm trọng. Động đất tàn phá khu vực này đã khiến gần 3.700 người thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương. Cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng phức tạp hơn do tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân viên y tế, thuốc men và thiết bị cứu hộ.
Do phải đi sơ tán để tránh xung đột, khoảng 3 triệu người Syria ở khu vực giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ được phân bổ di tản ở trong nước. Nhiệt độ mùa Đông lạnh giá, tuyết rơi dày trước trận động đất, cùng với đợt bùng phát dịch tả chưa từng có và xung đột đang diễn ra ở Syria đã khiến người dân nước này phải đối mặt với vô số khó khăn, trong khi họ không nhận được nhiều sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Đợt bùng phát dịch tả bắt đầu từ tháng 8/2022 đến nay đã ảnh hưởng đến trên 77.000 người trên cả nước, với gần 38.000 người trong số này sinh sống các tỉnh Idlib và Aleppo - những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận động đất hôm 6/2.
Mặc dù số người thiệt mạng do xung đột ở Syria trong năm ngoái là con số thấp nhất ghi nhận kể từ khi nổ ra cuộc xung đột kéo dài một thập kỷ này, song cuộc chiến vẫn tiếp diễn giữa các phe phái khác nhau ở những khu vực bị động đất tàn phá.
Các chương trình nghị sự xung quanh việc cung cấp viện trợ cho người dân Syria đã làm phức tạp thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo ở khu vực Tây Bắc Syria vốn rất dễ bị tổn thương. Cửa khẩu Bab Al-Hawa gần tỉnh Idlib, trên khu vực biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, là cửa khẩu duy nhất được phép mở để vận chuyển hàng viện trợ của Liên hợp quốc (LHQ) qua Thổ Nhĩ Kỳ trực tiếp đến người dân ở Syria. Cửa khẩu này đã bị đóng cửa trong 3 ngày do ảnh hưởng của động đất. Do đó, phải đến ngày 9/2, 6 xe tải của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ, mang theo lều bạt và các mặt hàng phi thực phẩm, mới đến Tây Bắc Syria.
Hôm 13/2, Tổng thống Syria Bashar Assad thông báo với LHQ rằng ông sẽ mở lại 2 cửa khẩu là Bab Al-Salam và Al-Raee để vận chuyển hàng viện trợ kịp thời đến cho các khu vực bị ảnh hưởng.
Ngày 16/2, Tổng Thư ký Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC), ông Jagan Chapagain, cảnh báo Syria có thể phải đối mặt với các đợt bùng phát dịch bệnh nguy hiểm sau thảm kịch động đất tuần qua nếu hàng trăm nghìn người mất nhà cửa không sớm có nơi ở ổn định và lâu dài trong bối cảnh người dân quốc gia Trung Đông này đang rất chật vật để được nhận viện trợ nhân đạo trong bối cảnh khủng hoảng gia tăng.
Trả lời phỏng vấn hãng tin AP (Mỹ), Tổng Thư ký IFRC Chapagain nhấn mạnh cần khẩn trương bố trí nơi ở ổn định cho nhiều gia đình đang phải sống tại những lều trại tạm bợ, hoặc các phòng học rất lạnh mà không có hệ thống sưởi ấm. Nếu điều này tiếp diễn trong thời gian dài, sẽ dẫn tới những tác động xấu đến sức khỏe.
Về lâu dài, ông Chapagain cho rằng việc xây dựng lại cơ sở hạ tầng của Syria, vốn đã bị chiến tranh tàn phá, phải là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, cuộc xung đột và khủng hoảng kinh tế tại nước này đang khiến quá trình phục hồi sau động đất trở nên khó khăn và phức tạp hơn.