Động đất liên tục tác động đến môi trường thế nào?

Động đất gây rung lắc, phá hủy công trình, hóa long nền đất gây lún, nghiêng công trình, sạt lở đất, đá lăn từ vách núi, thậm chí làm suy giảm nước ngầm, giếng khoan bỗng đục như bùn loãng...

83 trận động đất xảy ra trong tháng 7

Ngày 1/8, thông tin từ Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết trong tháng 7/2024, tiếp tục xảy ra 83 trận động đất nhỏ có độ lớn từ 2.5 đến 5.0, tập trung chủ yếu tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum.

Trong số đó, trận động đất có độ lớn 5.0 xảy ra vào lúc 11 giờ 35 phút ngày 28/7 tại huyện Kon Plong ("điểm nóng" thường xuyên xảy ra động đất trên cả nước) được xác định là trận động đất mạnh nhất từng ghi nhận được ở khu vực này. Trước đó, năm 2022, khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn 4.7.

Theo thông tin sơ bộ, trận động đất 5.0 trên đã gây một số thiệt hại về nhà ở, ảnh hưởng đến tâm lý người dân trong khu vực huyện Kon Plong, đặc biệt là khu vực gần tâm chấn động đất. Thậm chí, một số người dân ở các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và thành phố Đà Nẵng cho biết cũng cảm nhận được sự rung lắc - khả năng là do dư chấn của trận động đất này.

Động đất có thể phá hủy nhà cửa và tác động đến nhiều hiện tượng thiên nhiên khác.

Động đất có thể phá hủy nhà cửa và tác động đến nhiều hiện tượng thiên nhiên khác.

Trong số 83 trận động đất xảy ra trong tháng 7, có tới 82 trận xảy ra tại huyện Kon Plong. Trong đó riêng ngày 28/7 có tới 21 trận động đất; ngày 29/7 có 25 trận động đất. Trận động đất còn lại xảy ra tại khu vực huyện Ngọc Lặc thuộc tỉnh Thanh Hóa vào ngày 21/7 với độ lớn 4.1.

TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, một số yếu tố liên quan đến động đất kích thích như mực nước hồ chứa, tốc độ tích nước hồ chứa, tổng lượng nước sẽ tác động đến động đất. Tuy nhiên, những ảnh hưởng này có thể diễn ra sau vài tháng, vài năm khi nước ngấm đủ xuống bên dưới.

Động đất ở Kon Tum sẽ còn tiếp diễn và gây ảnh hưởng đến ở khu vực đông dân cư và công trình trọng điểm, nhất là vùng tâm chấn. Do đó cơ quan chức năng cần cập nhật thường xuyên để đưa ra phương án thiết kế kháng chấn cho các loại công trình.

Theo quy định về "quy chế phòng, chống động đất, sóng thần," ủy ban nhân dân các cấp khi nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần phải thông báo tin trên đến nhân dân trong khu vực; tổ chức hướng dẫn sơ tán dân và huy động các phương tiện trên địa bàn để giúp dân sơ tán đến nơi an toàn đồng thời có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự trong khu vực.

Động đất có thể làm sụt giảm mực nước ngầm

Động đất ảnh hưởng thế nào đến môi trường tự nhiên và người dân? TS Nguyễn Xuân Anh cho biết, ảnh hưởng của động đất đến môi trường tùy thuộc vào từng vị trí, cấu tạo địa chất của khu vực và cường độ động đất khác nhau. Hậu quả thường thấy nhất của động đất là gây rung lắc, phá hủy công trình, hóa lỏng nền đất gây lún, nghiêng công trình; sụt lún, sạt lở đất, đá lăn từ vách núi. Động đất trên biển có thể gây sóng thần.

Ngoài ra, động đất có thể làm sụt giảm mực nước ngầm, ảnh hưởng nguồn nước. Ví dụ trận động đất ở Cao Bằng 2019 có độ lớn 5.4 làm dòng suối ở khu vực xã Đàm Thủy bị mất nước, mó nước cung cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn người dân xung quanh bị cạn, một số giếng khoan, nước đục như bùn loãng.

Trận động đất Mộc Châu (Sơn La) năm 2020 có độ lớn 5.3. Trận động đất này đã khiến 126 nhà dân ở huyện Mộc Châu lún, nứt tường, sập trần. Trường mầm non ở Tầm Phế (xã Tân Hợp) bị nứt, một số trụ sở nhà văn hóa, UBND xã cũng nứt trường, trần nhà. Đá rơi làm bẹp đầu ôtô tải đang đỗ bên vệ đường tiểu khu Pa Khen. Điều đáng nói là tại xã Nà Mường đã xuất hiện hiện tượng cột nước phụt ra sau động đất.

Tại Kon Tum, sau trận động đất lớn 5.0 độ hôm 28/7, hai ngày qua giếng khoan của ông Đàm Xuân Hòa, ở huyện Chư Prông, phun nước cao 20-30m thu hút nhiều người quan tâm. Ông Hòa, ở làng Klã, xã Ia Kly, cho biết đây là giếng cũ của gia đình nằm trên đồi, khoan sâu hơn 100 m nhưng không có nước. Gần đây cần nước tưới, ông khoan thêm chừng 90 m ở vị trí cũ thì xảy ra hiện tượng phun khí, nước lên khỏi mặt đất. Chính quyền xã Ia Kly đã đến kiểm tra, căng dây cảnh báo người dân không tụ tập tránh xảy ra nguy hiểm.

PGS.TS Hoàng Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa địa chất Khoáng sản, Đại học Tài nguyên Môi trường TP.HCM, nhận định ban đầu khi người dân khoan giếng gặp tầng chứa nước có áp suất nên xuất hiện nước dạng sương, hơi bay lên không trung. Ở tầng này có đặc điểm khác với các tầng chứa nước khác là áp suất lớn. Đây là hiện tượng bình thường trong địa chất, thủy văn nhưng để xác định chính xác nguyên nhân cần có thời gian nguyên cứu.

Theo TS Nguyễn Xuân Anh, để phòng ngừa các rủi ro đáng tiếc do các trận động đất gây ra, các địa phương, cơ quan chức năng và người dân cần tuân thủ những biện pháp phòng chống; không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Hoạt động động đất ở khu vực Kon Plông vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới nhưng khó có thể lớn hơn 5.5 độ. Vì thế, cần tiếp tục triển khai nghiên cứu chi tiết hơn để đánh giá hoạt động động đất ở khu vực này để có thêm thông tin chính xác hơn, qua đó triển khai giải pháp đầy đủ, cụ thể hơn.

Theo thống kê của Viện Vật lý Địa cầu, từ đầu năm 2024 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 222 trận động đất nhỏ tại các tỉnh Kon Tum, Lai Châu, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Yên Bái, Thanh Hóa, Điện Biên, Ninh Bình và Hà Nội. Trong đó khoảng 98% số động đất xảy ra tại huyện Kon Plong của tỉnh Kon Tum.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dong-dat-lien-tuc-tac-dong-den-moi-truong-the-nao-169240801100420762.htm