Động đất lớn nhất từ trước đến nay xảy ra tại Kon Tum

Vào lúc 11 giờ 35 phút hôm nay, tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, ghi nhận trận động đất có độ lớn 5.0, cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 2.

Bản đồ tâm chấn trận động đất có độ lớn 5.0 tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum.

Bản đồ tâm chấn trận động đất có độ lớn 5.0 tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum.

Ngày 28/7, Viện Vật lý địa cầu đã ghi nhận 4 trận động đất liên tiếp xảy ra tại Kon Tum. Theo đó, trận động đất đầu tiên được ghi nhận vào lúc 3 giờ 12 phút với độ lớn 3.4, cấp độ rủi ro thiên tai là 0. Trận động đất tiếp theo có độ lớn 3.3, cấp độ rủi ro thiên tai là 0 được ghi nhận vào lúc 8 giờ 35 phút. Đến 11 giờ 17 phút trận động đất tiếp theo được ghi nhận có độ lớn 4.1, cấp độ rủi ro là 0.

Đặc biệt, vào lúc 11 giờ 35 phút, tại huyện Kon Plông ghi nhận trận động đất độ lớn 5.0, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2. Viện Vật lý địa cầu cho biết, đây là trận động đất đạt ngưỡng độ lớn trung bình, nhưng có độ lớn mạnh nhất từ trước đến nay được ghi nhận tại tỉnh Kon Tum. Bước đầu, các nhà khoa học xác định đây là trận động đất kích thích. Hiện, Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này. Trước đây, trận động đất lớn nhất từng được ghi nhận tại Kon Tum có độ lớn 4.7 ngày 23/8/2022, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, từ đầu năm đến nay, ghi nhận 155 trận động đất trên cả nước, trong đó có 142 trận động đất xảy ra ở Kon Tum.

Nói về ảnh hưởng của trận động đất có độ lớn 5.0 nêu trên, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh cho biết, địa phương sẽ thống kê, báo cáo, đánh giá các thiệt hại. Theo Quyết định 18/2021/QĐ-TTg Quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai, thì rủi ro thiên tai cấp độ 2 khi cường độ chấn động trên mặt đất quan trắc được từ cấp VI đến cấp VII , xảy ra ở khu vực nông thôn, khu vực đô thị.

Dấu hiệu của động đất có cường độ chấn động quan trắc được từ cấp VI là: Ở trong nhà cũng như ở ngoài trời, đa số người cảm nhận thấy động đất. Nhiều người đang ở trong nhà sợ hãi bỏ chạy ra ngoài. Một số ít người bị mất thăng bằng. Gia súc tháo chạy khỏi chuồng. Trong một số ít trường hợp, bát đĩa và đồ vật thủy tinh có thể bị vỡ, sách trên giá bị rơi xuống. Bàn ghế, đồ đạc nặng có thể di chuyển. Có thể nghe thấy tiếng của những chuông nhỏ trên tháp chuông vang lên. Ít nhà kiểu B và nhiều nhà kiểu A bị hư hại bậc 1; nhiều nhà kiểu A bị hư hại bậc 2. Trong một số ít trường hợp nền đất ẩm có thể có vết nứt rộng tới 1cm, ở miền núi có thể có trượt đất. Thay đổi lưu lượng nguồn nước và mực nước dưới giếng.

Dấu hiệu của động đất có cường độ chấn động quan trắc được từ cấp VII là: Đa số người sợ hãi và chạy ra khỏi nhà. Nhiều người khó đứng vững. Người lái xe ô tô cũng nhận biết được động đất. Chuông lớn ở nhà thờ kêu vang. Nhiều nhà kiểu C bị hư hại bậc 1; nhiều nhà kiểu B bị hư hại bậc 2; nhiều nhà kiểu A bị hư hại bậc 3, một số ít bậc 4. Trong những trường hợp riêng lẻ, có trượt đất ở đoạn đường nằm trên sườn dốc và có vết nứt ở mặt đường. Có hư hại ở chỗ nối ống dẫn, có vết nứt ở hàng rào bằng đá. Nổi sóng trên mặt hồ, nước trở thành vẩn đục vì bùn bị khuấy lên. Thay đổi mực nước dưới giếng và lưu lượng nguồn nước. Trong một số ít trường hợp, xuất hiện nguồn nước mới hoặc biến mất nguồn nước cũ. Trong những trường hợp riêng lẻ, có trượt lở đất ở bờ sông cấu thành từ cát hay sạn nhỏ.

HÀ LINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dong-dat-lon-nhat-tu-truoc-den-nay-xay-ra-tai-kon-tum-post821469.html