Động đất Myanmar: Quốc tế chung tay chạy đua cứu người

Số người chết do động đất Myanmar đã vượt quá 2.000 trong bối cảnh hoạt động cứu hộ đứng trước vô vàn thách thức.

Trận động đất kinh hoàng 7,7 độ richter, tiếp sau là dư chấn mạnh 6,4 độ richter, xảy ra vào giữa trưa 28-3 đã gây ra thiệt hại khủng khiếp cho Myanmar. Rung chấn của động đất lan tới cả các nước láng giềng như Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam.

Đến chiều 31-3, tức 3 ngày kể từ khi động đất xảy ra, thương vong vẫn tiếp tục tăng và công tác cứu hộ vẫn tiếp diễn trong bối cảnh tia hy vọng tìm kiếm người sống sót ngày càng mong manh.

Thách thức bủa vây công tác cứu hộ

 Người đứng đầu chính quyền Myanmar - Thống tướng Min Aung Hlaing (giữa) đến thăm khu vực động đất. Ảnh: THE GLOBAL NEW LIGHT OF MYANMAR

Người đứng đầu chính quyền Myanmar - Thống tướng Min Aung Hlaing (giữa) đến thăm khu vực động đất. Ảnh: THE GLOBAL NEW LIGHT OF MYANMAR

Chính quyền Myanmar ngày 31-3 cho biết số người thiệt mạng ở nước này do động đất đã tăng lên 2.056, với hơn 3.900 người bị thương và 270 người vẫn còn mất tích, đài NDTV đưa tin.

Lực lượng cứu hộ ở Myanmar tiếp tục tìm kiếm người còn sống sót dưới đống đổ nát trong bối cảnh phải đối mặt muôn vàn thách thức, bao gồm những cơn dư chấn liên tục và cái nóng lên tới khoảng 40 độ C. Không loại trừ nhiệt độ cao này sẽ đẩy nhanh quá trình phân hủy thi thể nạn nhân, gây khó khăn cho việc nhận dạng.

Ngoài ra, sau chính biến năm 2021, phần lớn Myanmar nằm dưới sự kiểm soát đan xen của chính quyền quân sự, các nhóm vũ trang sắc tộc và lực lượng ủng hộ chính quyền cũ. Điều này có thể khiến việc điều phối nguồn viện trợ đến những khu vực cần thiết càng thêm khó khăn.

Từ trước động đất, Liên Hợp Quốc (LHQ) và các tổ chức cứu trợ cảnh báo rằng hàng triệu người ở Myanmar phải đối mặt tình trạng khủng hoảng nhân đạo do thiếu thực phẩm và thuốc men. Tình trạng này giờ đây càng nghiêm trọng hơn nữa.

“Chúng tôi ước tính có 19,9 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo, và đó là con số trước khi trận động đất xảy ra. Tình hình chắc chắn sẽ càng trầm trọng hơn” - ông Marcoluigi Corsi, điều phối viên nhân đạo của LHQ tại Myanmar, nói với hãng tin AFP.

Trước động đất, Chương trình Lương thực Thế giới cho biết hơn 15 triệu trong tổng số 51 triệu dân Myanmar không đủ lương thực để đáp ứng nhu cầu hằng ngày.

Ông Michael Dunford, Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới tại Myanmar, cho biết đánh giá ban đầu cho thấy LHQ có thể cần từ 15 triệu đến 20 triệu USD mỗi tháng để ứng phó với khủng hoảng ở Myanmar ít nhất cho đến cuối tháng 6.

Nhu cầu này đặt ra trong bối cảnh các nhà tài trợ lớn, bao gồm Mỹ và Anh, đã cắt giảm mạnh ngân sách viện trợ nước ngoài. Thậm chí trước khi xảy ra động đất, một lời kêu gọi quyên góp của LHQ về hỗ trợ Myanmar chỉ huy động được chưa đến 5% mục tiêu đề ra.

“Ở một mức độ nào đó, Myanmar đã trở thành một cuộc khủng hoảng bị lãng quên, bị lu mờ do các sự kiện ở Gaza, Ukraine và Sudan. Hiện tại, cộng đồng quốc tế cần phải có hành động khẩn cấp” - ông Dunford kêu gọi.

Chỉ hai ngày sau thảm họa, LHQ cảnh báo rằng nỗ lực cứu trợ đang bị cản trở nghiêm trọng do thiếu hụt vật tư y tế, trong khi lực lượng cứu hộ tại hiện trường liên tục kêu gọi thêm thiết bị để tìm kiếm những người còn mắc kẹt dưới đống đổ nát.

“Tất cả bệnh viện quân đội và dân sự, cùng đội ngũ y tế, phải phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả để đảm bảo công tác cứu chữa đạt kết quả tốt nhất” - người đứng đầu chính quyền Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing, phát biểu trên truyền thông nhà nước Myanmar vào cuối tuần qua.

Tuy nhiên, tại một số khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, người dân nói với hãng tin Reuters rằng họ vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ đáng kể và buộc phải tự xoay sở.

Myanmar tuyên bố quốc tang kéo dài bảy ngày, bắt đầu từ ngày 31-3, để tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa động đất xảy ra ở nước này hôm 28-3.

Quốc tế chung tay với Myanmar

 Những ngôi nhà bị hư hại ở TP Mandalay (Myanmar) hôm 30-3 do động đất. Ảnh: AFP

Những ngôi nhà bị hư hại ở TP Mandalay (Myanmar) hôm 30-3 do động đất. Ảnh: AFP

Các đội cứu hộ quốc tế và hàng viện trợ đã đến Myanmar để hỗ trợ quốc gia này ứng phó thảm họa động đất kinh hoàng.

Nhiều quốc gia trong khu vực như Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia và Singapore, đã điều máy bay và tàu chiến chở hàng viện trợ cùng các đội cứu hộ đến hỗ trợ. Thái Lan cũng gửi viện trợ sang Myanmar.

Sau khi đến sân bay quốc tế Yangon vào tối 30-3, Lực lượng Cứu hộ cứu nạn Việt Nam đã tới thủ đô Naypyidaw vào lúc hơn 3 giờ sáng 31-3 để bắt đầu công tác cứu hộ. Dự kiến, đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ chia làm 3 mũi, phối hợp với đoàn của Bộ Công an đi theo 3 hướng tìm kiếm với tinh thần nhanh nhất có thể, theo Báo Quân đội Nhân dân.

Cũng trong ngày 30-3, một đoàn 17 xe tải chở hàng từ Trung Quốc, mang theo vật dụng trú ẩn khẩn cấp và thiết bị y tế, đã di chuyển đến TP Mandalay, gần tâm chấn của động đất.

Bắc Kinh cho biết đã cử hơn 135 nhân viên cứu hộ và chuyên gia cùng các vật phẩm viện trợ như bộ dụng cụ y tế, máy phát điện, đồng thời cam kết hỗ trợ khẩn cấp khoảng 13,8 triệu USD.

Hai máy bay vận tải quân sự C-17 của Ấn Độ đã hạ cánh xuống Naypyidaw vào tối 30-3, mang theo một đơn vị bệnh viện dã chiến và khoảng 120 nhân viên. Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết lực lượng này sẽ di chuyển đến Mandalay để thiết lập trung tâm điều trị khẩn cấp 60 giường bệnh.

Bộ Tình trạng khẩn cấp của Nga thông báo đã điều 120 nhân viên cứu hộ và hàng viện trợ đến Yangon. Bộ Y tế Nga cũng cử một đội y tế đến hỗ trợ.

Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh cũng đã gửi viện trợ khẩn cấp. Mỹ cam kết viện trợ 2 triệu USD “thông qua các tổ chức nhân đạo hoạt động tại Myanmar” và cho biết một nhóm ứng phó khẩn cấp từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) sẽ được triển khai tới Myanmar.

Anh cho biết sẽ cung cấp khoản “viện trợ cứu sinh” lên tới 10 triệu bảng Anh (12,9 triệu USD) cho Myanmar. “Anh đang gửi ngay lập tức các hỗ trợ cứu hộ tới người dân Myanmar sau trận động đất tàn khốc” - Bộ trưởng Bộ Phát triển Anh Jennifer Chapman nói.

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Eva Hrncirova nói với tờ DW vào ngày 30-3 rằng việc cung cấp viện trợ cho Myanmar sẽ “sớm bắt đầu”. “Chúng tôi hy vọng rằng viện trợ được gửi từ EU sẽ được chuyển đến rất nhanh chóng” - bà Hrncirova nói.

Các cơ quan quốc tế cũng đang huy động hỗ trợ. Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế ngày 30-3 đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp quyên góp 115 triệu USD nhằm giúp đỡ các nạn nhân của động đất Myanmar.

“Để tăng cường hỗ trợ, chúng tôi phát động lời kêu gọi khẩn cấp 100 triệu franc Thụy Sĩ (115 triệu USD) để hỗ trợ 100.000 người (20.000 hộ gia đình) bằng các biện pháp cứu trợ cứu sinh và hỗ trợ phục hồi sớm trong 24 tháng tới” - theo tuyên bố của tổ chức này.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng phát động lời kêu gọi khẩn cấp huy động 8 triệu USD để hỗ trợ Myanmar sau trận động đất kinh hoàng. “WHO đang kích hoạt mức ứng phó khẩn cấp cao nhất, triển khai gần ba tấn vật tư y tế trong vòng 24 giờ và điều phối các đội y tế khẩn cấp trên toàn cầu. Chúng tôi cần gấp 8 triệu USD để cung cấp dịch vụ cấp cứu chấn thương cứu sống người dân, ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát và khôi phục các dịch vụ y tế thiết yếu trong 30 ngày tới” - tờ The Guardian dẫn tuyên bố của WHO.

Thái Lan: Sẽ tiếp tục cứu hộ dù qua “giờ vàng”

Tại Thái Lan, ngày 31-3, các đội cứu hộ tiếp tục sử dụng cần cẩu và chó nghiệp vụ để tìm kiếm 76 người được cho là bị chôn vùi dưới đống đổ nát của một tòa nhà bị sập tại thủ đô Bangkok, theo Reuters.

Tỉnh trưởng Bangkok - ông Chadchart Sittipunt cho biết lực lượng cứu hộ sẽ không bỏ cuộc mặc dù mốc thời gian 72 giờ - được coi là “thời gian vàng” cứu hộ - trôi qua.

“Cuộc tìm kiếm sẽ tiếp tục ngay cả sau 72 giờ vì trong động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, những người bị mắc kẹt trong một tuần vẫn sống sót. Hoạt động tìm kiếm vẫn chưa chấm dứt” - ông Chadchart nói.

Quan chức này cho biết các máy quét đã phát hiện dấu hiệu sự sống yếu ớt dưới đống đổ nát, và đội chó nghiệp vụ đang được triển khai để xác định chính xác vị trí nạn nhân.

“Chúng tôi phát hiện nhiều điểm có dấu hiệu sự sống, vẫn còn hy vọng” - ông Chadchart nói thêm.

Tính đến hết ngày 30-3, số người thiệt mạng tại Thái Lan do động đất là 18, nhưng con số này có thể tăng cao nếu không kịp thời cứu thêm người tại khu vực tòa nhà bị sập.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/dong-dat-myanmar-quoc-te-chung-tay-chay-dua-cuu-nguoi-post841794.html