Tiết lộ các phương án thuế quan mới đang được Tổng thống Trump xem xét

Sắp tới thời điểm thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump có hiệu lực (ngày 2/4 theo giờ Mỹ), song ông vẫn chưa tiết lộ các mức thuế sẽ như thế nào.

Các phương án thuế quan

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Ảnh: THX/TTXVN

Tuy nhiên, theo nguồn tin của kênh ABC News, chính quyền Mỹ đã thảo luận một số phương án trong những tuần gần đây. Một trong số đó là mức thuế đồng nhất 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu, mà theo các quan chức có thể mang lại hơn 6.000 tỷ USD cho chính phủ Mỹ.

Ngoài ra, Mỹ cũng cân nhắc áp dụng mức thuế khác nhau cho từng quốc gia, tương ứng với rào cản thương mại mà họ đặt ra đối với hàng hóa Mỹ. Những nước đạt được thỏa thuận với Mỹ sẽ không bị áp thuế.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt nói rằng một số quốc gia đã gọi điện cho ông Trump để thảo luận về các mức thuế sắp tới, nhưng không tiết lộ cụ thể những nước nào hoặc có bao nhiêu nước đã liên lạc.

Bà Leavitt nói: “Tôi không có con số chính xác, nhưng tôi có thể nói rằng đã có khá nhiều quốc gia liên hệ với tổng thống và đội ngũ của ông để thảo luận về các mức thuế này”.

Các quan chức chính quyền Mỹ cũng đã công khai đề xuất áp thuế đối với khoảng 15% số quốc gia có thâm hụt thương mại lớn nhất với Mỹ.

Nguồn tin của ABC News nhấn mạnh rằng các chi tiết cuối cùng vẫn chưa được quyết định.

Ngày 1/4, bà Leavitt cho biết Tổng thống Trump hiện làm việc với đội ngũ của mình để hoàn thiện nhằm đảm bảo đây là một thỏa thuận hoàn hảo cho người dân và người lao động Mỹ.

Ông Trump đôi khi giảm nhẹ quy mô của các mức thuế này. Tuần trước, ông nói rằng thuế đối xứng sẽ rất nhẹ nhàng và trong nhiều trường hợp sẽ thấp hơn mức thuế mà họ đã áp lên hãng Mỹ suốt hàng chục năm. Ông khẳng định người dân Mỹ sẽ cảm thấy rất hài lòng.

Dù mức thuế cuối cùng ra sao, chính quyền Tổng thống Trump tin rằng các mức thuế này sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế Mỹ, trong đó có tác dụng là ngăn các quốc gia khác “bóc lột” Mỹ. Nhà Trắng cũng khẳng định thuế quan sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp nội địa và việc làm bằng cách thuyết phục các công ty sản xuất hàng hóa tại Mỹ thay vì nhập khẩu từ nước ngoài.

Ông Trump cho rằng thuế quan còn có thể được sử dụng làm công cụ đàm phán để buộc các nước khác trấn áp tình trạng nhập cư bất hợp pháp và dòng chảy ma túy vào Mỹ. Đây là lý do ông từng viện dẫn khi áp thuế đối với Canada, Mexico và Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh thuế quan là cách để tạo nguồn thu và giúp cân bằng ngân sách.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lưu ý rằng một số mục tiêu này mâu thuẫn với nhau và không thể đạt được cùng lúc. Họ cũng cảnh báo rằng các mức thuế này có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái.

Các mức thuế đối xứng mà ông Trump dự kiến công bố vào ngày 2/4 (giờ Mỹ) sẽ được bổ sung vào mức thuế 25% đối với xe nhập khẩu, dự kiến có hiệu lực vào ngày 3/4. Tháng trước, ông Trump cũng đã công bố mức thuế 25% đối với nhôm và thép nhập khẩu.

Các nước chuẩn bị đối phó

Thủ tướng Canada Mark Carney phát biểu với báo giới tại Ottawa ngày 14/3/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Thủ tướng Canada Mark Carney phát biểu với báo giới tại Ottawa ngày 14/3/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Trước động thái sắp tới của Tổng thống Trump, nhiều nước đã chuẩn bị biện pháp đối phó.

Ngày 1/4, Thủ tướng Canada Mark Carney nói với các phóng viên rằng Canada sẽ đáp trả nếu ông Trump áp đặt các biện pháp bổ sung đối với Canada.

Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum khẳng định Mexico đã chuẩn bị đáp trả việc Mỹ dự định áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước này. Bà nhấn mạnh cần thiết phải bảo vệ người dân và việc làm của Mexico, song cho biết chính quyền sẽ chờ xem Washington sẽ thực hiện chính xác biện pháp nào trong ngày 2/4. Tổng thống Mexico nêu rõ nước này dự định tiếp tục các cuộc đàm phán đang diễn ra với Mỹ.

Văn phòng Thủ tướng Anh thừa nhận giống như phần còn lại của thế giới, gần như chắc chắn Mỹ sẽ áp mức thuế quan mới đối với hàng hóa của nước này trong ngày 2/4, kéo theo những ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế. Hiện giới chức Anh đang lên kế hoạch giảm thiểu hậu quả của cuộc chiến thương mại toàn cầu. Bộ trưởng Thương mại và Kinh doanh Anh Jonathan Reynolds cho biết London sẽ áp dụng các biện pháp chống bán phá giá để ngăn chặn thị trường Anh tràn ngập hàng hóa giá rẻ chuyển hướng từ Mỹ thông qua áp hạn ngạch và thuế quan đối với một số sản phẩm. Trước đó, Anh đã áp dụng hạn ngạch và thuế quan 25% đối với một số sản phẩm nhôm và thép sau tuyên bố của ông Trump về thuế quan đối với ngành này. Bộ trưởng Reynolds nói rằng Anh sẽ áp dụng nguyên tắc tương tự trong tương lai khi Tổng thống Trump mở rộng thuế quan, song thừa nhận chắc chắn sẽ có tác động từ việc này. Ông cũng khẳng định Anh sẽ tiếp tục theo đuổi thỏa thuận thương mại với Mỹ vì lợi ích quốc gia.

Trong khi đó, Thủ tướng Australia Anthony Albanese khẳng định sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia của nước này trước nguy cơ các biện pháp thuế của Mỹ dự định công bố ngày 2/4 có thể tác động đến thịt bò Australia. Thủ tướng Albanese cũng khẳng định chính phủ của ông sẽ không trả đũa chính quyền của Tổng thống Trump bằng các mức thuế đối ứng, song ông "sẽ không thỏa hiệp" về 3 lĩnh vực chính có khả năng bị nhắm tới gồm Chương trình Phúc lợi dược phẩm, an ninh sinh học và Đạo luật Thương lượng Truyền thông tin tức, vốn nằm trong báo cáo của Đại diện Thương mại Mỹ về rào cản ngoại thương.

Cũng trong ngày 1/4, Bộ trưởng Thương mại Nam Phi Parks Tau cho biết nước này sẽ tìm cách gặp gỡ và thảo luận với chính quyền Mỹ về thuế ô tô, lưu ý rằng các khoản thuế này là mối quan ngại vì Nam Phi có quy chế thương mại ưu đãi với Mỹ theo Đạo luật Tăng trưởng và Cơ hội cho châu Phi (AGOA). Theo đó, ô tô xuất khẩu của Nam Phi sang Mỹ được miễn thuế theo AGOA, ô tô nhập khẩu từ Mỹ vào Nam Phi cũng được hưởng mức giảm giá theo Chương trình phát triển sản xuất ô tô của nước này.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tiet-lo-cac-phuong-an-thue-quan-moi-dang-duoc-tong-thong-trump-xem-xet-20250402155126669.htm