Động đất ở Kon Tum: 'Nhà cửa nó rung lắc, còn mình như bị say rượu'

'Động đất bình thường thì bà con nơi đây không lo, chỉ sợ càng về sau động đất ngày một lớn thôi. Người dân mong muốn cơ quan chức năng có giải pháp để đảm bảo an toàn cho dân' - ông Nguyễn Văn Lại nói.

Tính đến 17 giờ ngày 29-7, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam xác định có 24 trận động đất xảy ra trong ngày và có 21 trận động đất ngày 28-7.

Trong ngày 29-7, ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản khẩn đến các sở, ngành liên quan, UBND huyện Kon Plông yêu cầu theo dõi chặt chẽ tình hình dư chấn động đất và rà soát, xây dựng phương án ứng phó động đất; đảm bảo kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ người dân khi xảy ra động đất.

Không còn hoảng loạn như trước

Sáng ngày 29-7, phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM có mặt ở vùng tâm chấn của trận động đất tại xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum), cách thủy điện Thượng Kon Tum chừng 2 km.

Theo ghi nhận, mọi sinh hoạt của người dân nơi đây vẫn diễn ra bình thường, đặc biệt là sau trận động đất có độ lớn 5.0.

 Cuộc sống của người dân vùng tâm chấn động đất trở lại bình thường. Ảnh: LK.

Cuộc sống của người dân vùng tâm chấn động đất trở lại bình thường. Ảnh: LK.

Anh A Đơi (28 tuổi, thôn Vi Ring, xã Đăk Tăng), kể: “Lúc trận động đất mạnh xảy ra, nhà cửa bị rung lắc mạnh khoảng 10 giây. Ở đây, dân hay cảm nhận được rung chấn do động đất nên quen rồi, không hoảng sợ như trước đây”.

Theo anh Đơi, anh dựng nhà gỗ nên không sợ sập tường. Mấy năm trước, huyện đã nhiều lần tổ chức hướng dẫn ứng phó khi có động đất xảy ra nên cũng yên tâm hơn.

Nhắc về trận động đất mạnh vừa qua, anh A Đông (ngụ thôn Vi Ring) vui vẻ nói: “Lúc động đất xảy ra, nhà cửa nó rung lắc như mình bị say rượu. Thấy sợ quá, mình chạy ra trước cửa nhà. Đêm hôm ngủ cũng hơi lo”.

Theo người dân ở đây, trận động đất không gây thiệt hại gì nhiều, một số nhà xây có bị nứt tường nhà. Tâm lý chung của người dân không hoảng loạn như trước đây.

 Ông Nguyễn Văn Lai, ngụ thôn Vi Ring 2, xã Đăk Tăng cho biết động đất xảy ra nhiều sau khi thủy điện nơi đây tích nước. Ảnh: LK.

Ông Nguyễn Văn Lai, ngụ thôn Vi Ring 2, xã Đăk Tăng cho biết động đất xảy ra nhiều sau khi thủy điện nơi đây tích nước. Ảnh: LK.

Ngụ ở xã Đăk Tăng gần 12 năm, ông Nguyễn Văn Lại (67 tuổi, chủ cửa hàng tạp hóa ở thôn Vi Ring 2) đã chứng kiến rất nhiều trận động đất, nhưng trận động đất trưa 28-7 là mạnh nhất.

Trước đây, vùng này không có động đất, sau khi thủy điện ở đây tích nước thì hay xảy ra động đất.

“Động đất bình thường thì bà con nơi đây không lo, chỉ sợ càng về sau động đất ngày một lớn thôi. Người dân mong muốn cơ quan chức năng có giải pháp để đảm bảo an toàn cho dân”, ông Lại nói.

Cùng chứng kiến thời điểm trận động đất có độ lớn 5.0 xảy ra, anh Trịnh Xuân Hùng (27 tuổi, nhân viên Trạm Quản lý Bảo vệ rừng Đăk Kôi 2, thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy) vẫn chưa e sợ.

“Tôi có nhà ở huyện Kon Rẫy, mới được điều động lên đây chưa lâu, nên lúc động đất xảy ra rất hoảng sợ. Lúc đó, Trạm rung lắc muốn nghiêng nghiêng. Tôi sợ quá, chạy ra khỏi nhà”.

Ông Trần Văn Nết, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Tăng, cho hay: Sau động đất xảy ra, chính quyền địa phương đã đi kiểm tra, trấn an tâm lý người dân và ghi nhận không có thiệt hại gì. Cuộc sống của người dân vẫn diễn ra bình thường, không bị ảnh hưởng do động đất.

Phương án ứng phó ra sao khi động đất xảy ra?

Năm 2021, lần đầu tiên động đất xảy ra tại huyện Kon Plông và đến nay đã có hàng trăm trận động đất xảy ra, có ngày xuất hiện hàng chục đợt rung chấn. Thường, các trận động đất có độ lớn từ 2.4 đến 3.7.

 Người dân xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông đã quen với động đất, không còn hoảng sợ như trước. Ảnh: LK.

Người dân xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông đã quen với động đất, không còn hoảng sợ như trước. Ảnh: LK.

Trận động đất lớn nhất lần đầu được ghi nhận, ảnh hưởng đến tâm lý nhiều người dân xảy ra vào ngày 18-4-2022 với 4.5 độ.

Đến ngày 23-8-2022, một trận động đất mạnh khác được ghi nhận có độ lớn 4.7 và trận động đất mạnh nhất đến hiện nay được ghi nhận có độ lớn 5.0 vào lúc 11 giờ 35 phút ngày 28-7.

Trước đây, các chuyên gia xác định đây là động đất kích thích do hoạt động tích nước các hồ chứa thủy điện trên địa bàn huyện Kon Plông gây ra. Cụ thể, các trận động đất xuất hiện và tăng dần kể từ khi thủy điện Thượng Kon Tum tích nước vào năm 2020.

Trao đổi với PLO, ông Phạm Thanh Bình, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện Kon Plông, cho biết có một số thiệt hại do động đất gây ra, không có thiệt hại về người.

Cụ thể, tại xã Măng Búk có một tivi của người dân bị rơi gây hư hỏng; tại xã Đăk Ring, điểm Trường THCS và Trạm Y tế xã bị rạn nứt các vách ngăn tường và một số phòng làm việc của cơ quan công an, điểm trường của xã Đăk Nên có vết rạn nứt nhỏ.

Nói về phương án ứng phó trước tình hình động đất ngày một tăng và có chiều hướng tăng mạnh, ông Bình cho rằng từ năm 2022, huyện đã có nhiều đợt tập huấn cho người dân phương án ứng phó khi động đất xảy ra và phát nhiều tờ rơi liên quan. Do vậy, khi có động đất lớn xảy ra, người dân không còn hoảng loạn.

 Vách tường của Trạm Quản lý Bảo vệ rừng Đắk Kôi 2 bị nứt. Ảnh: LK.

Vách tường của Trạm Quản lý Bảo vệ rừng Đắk Kôi 2 bị nứt. Ảnh: LK.

Đồng thời, huyện đã có nhiều đợt kiểm tra, khuyến cáo khi xây dựng các công trình hạ tầng trên địa bàn, đảm bảo độ kháng chấn. Đối với các công trình thủy điện, những đơn vị này đều có phương án ứng phó khi có động đất xảy ra.

“Địa phương đã xây dựng các trường hợp giả định khi có động đất. Do vậy, dù kịch bản xảy ra như thế nào đều có phương án ứng phó phù hợp”, ông Bình nói.

Theo ông Bình, hiện nay các thủy điện lớn trên địa bàn đều được lắp các trạm quan trắc để đo độ rung chấn, số liệu này được báo về Viện Vật lý địa cầu.

Cùng vấn đề trên, ông Trần Văn Lực, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum, cho hay: Từ sau trận động đất 4.7 độ năm 2022, tỉnh đã triển khai xây dựng phương án ứng phó và tập huấn đầy đủ cho dân.

“Đối với việc đánh giá sâu về nguyên nhân, dự báo ra sao là phần chuyên môn của Viện Vật lý địa cầu và các bộ ngành liên quan, địa phương không thể nói được”, ông Lực nói.

Trong ngày 29-7, ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành địa phương khẩn trương rà soát, để có phương án ứng phó, đảm bảo an toàn cho dân.

Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu dự báo trong thời gian tới, động đất có thể sẽ xuất hiện và gây ra hậu quả lớn, nhất là nếu xảy ra ở các khu vực đông dân cư và có các công trình trọng điểm.

Do đó, lãnh đạo tỉnh Kon Tum yêu cầu UBND huyện Kon Plông theo dõi chặt chẽ tình hình dư chấn động đất; rà soát lại các phương án ứng phó động đất và thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”, đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho người dân.

Giao Sở TN&MT chủ động phối hợp với Viện Vật lý Địa cầu tiếp tục khảo sát, quan trắc, nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trên địa bàn huyện Kon Plông. Thông báo kịp thời về tình hình động đất để chủ động ứng phó, tránh gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.

Đồng thời, yêu cầu Sở NN&PTNT, Sở Công thương tăng cường công tác kiểm tra các công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện, đảm bảo an toàn cho công trình trong quá trình khai thác vận hành trong mùa mưa.

Yêu cầu 3 thủy điện tổ chức kiểm tính các phương án giả định

Ngày 29-7, UBND tỉnh Kon Tum có văn bản đề nghị ba công ty thủy điện, gồm: Công ty CP thủy điện Thượng Kon Tum, Công ty CP thủy điện Đăk Đrinh, Công ty CP Thủy điện Thiên Tân theo dõi chặt chẽ tình hình dư chấn động đất. Kịp thời thông báo đến các cơ quan, chính quyền địa phương và nhân dân chủ động phòng ngừa.

Đối với trận động đất có độ lớn 5.0, UBND tỉnh yêu cầu các thủy điện tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình động đất tương ứng đến mực nước dâng hồ thủy điện do đơn vị quản lý.

Qua đó, tổ chức kiểm tính, ứng với các trường hợp giả định các cấp động đất khác nhau và các mực nước hồ từ ngưỡng tràn đến mực nước dâng bình thường tại công trình thủy điện.

Trên cơ sở đó, rà soát, bổ sung quy trình vận hành, ứng phó động đất để bảo vệ an toàn đập khi có xảy ra tình huống khẩn cấp hoặc sự cố gây mất an toàn đập.

LÊ KIẾN

Nguồn PLO: https://plo.vn/dong-dat-o-kon-tum-nha-cua-no-rung-lac-con-minh-nhu-minh-bi-say-ruou-post802716.html