Động đất ở Myanmar: Quy mô thực sự của thảm họa vẫn chưa rõ ràng
Quy mô thực sự của thảm họa động đất ở miền Trung Myanmar vẫn chưa rõ ràng, nhưng lực lượng cứu hộ vẫn chạy đua với thời gian và các cơn dư chấn để giải cứu thêm nhiều người khỏi các đống đổ nát.
Nhiều người đã được giải cứu khỏi đống đổ nát, 2 ngày sau khi thảm họa động đất làm rung chuyển Myanmar.
Lực lượng cứu hộ, với nhiều tình nguyện viên là người dân địa phương được trang bị tối thiểu, đã dũng cảm vượt qua các cơn dư chấn để tìm kiếm những người sống sót tại thành phố Mandalay nằm ở tâm chấn.
Trận động đất ban đầu có cường độ 7,7 độ richter xảy ra gần thành phố Mandalay, miền trung Myanmar vào đầu giờ chiều hôm 28/3, sau đó hơn chục phút là một cơn dư chấn có cường độ 6,7 độ richter.
Các cơn dư chấn đã làm sập các tòa nhà, làm sập cầu và hư hại đường xá, gây ra sự tàn phá trên diện rộng tại thành phố lớn thứ hai Myanmar với hơn 1,7 triệu dân.

Lực lượng cứu hộ làm việc tại hiện trường một tòa nhà bị sập sau trận động đất mạnh ở Mandalay, Myanmar, ngày 30/3/2025. Ảnh: GZero Media
Một cơn dư chấn nhỏ xảy ra vào buổi sáng hôm 29/3 và một cơn dư chấn tương tự xảy ra vào tối cùng ngày khiến mọi người phải chạy ra khỏi khách sạn đang ở để tìm nơi an toàn hơn.
Và vào khoảng 2h00 chiều hôm 30/3 (giờ địa phương), một cơn dư chấn khác – có cường độ 5,1 độ richter theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) – đã khiến người dân hoảng loạn đổ ra đường một lần nữa và làm gián đoạn công tác cứu hộ.
Chính quyền quân sự cầm quyền ở Myanmar cho biết trong một tuyên bố hôm 30/3 rằng khoảng 1.700 người được xác nhận đã thiệt mạng vì động đất cho đến nay, với khoảng 3.400 người bị thương và khoảng 300 người khác mất tích.
Nhưng với tình trạng mất liên lạc ở nhiều khu vực, quy mô thực sự của thảm họa vẫn chưa rõ ràng và số người chết dự kiến sẽ tăng đáng kể. Mô hình của USGS ước tính khả năng cao là số người thiệt mạng có thể lên đến hơn 10.000 người.
Myanmar đang phải đối mặt với "mức độ tàn phá chưa từng thấy trong hơn một thế kỷ ở châu Á", Hội Chữ thập đỏ cho biết.
Trận động đất đã làm hư hại và phá hủy vô số tòa nhà bao gồm bệnh viện, đường sá và cầu cống, đồng thời làm mất nguồn điện, điện thoại và kết nối Internet.
"Những người cần giúp đỡ liên tục gọi cho chúng tôi, nhưng ngay cả bây giờ họ vẫn gặp khó khăn khi liên lạc với chúng tôi", một nhân viên cứu hộ ở Mandalay cho biết.
Hiện các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn ở tâm chấn đang được tiếp sức, với các đội quốc tế từ Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia làm việc cùng với chính quyền địa phương trong nỗ lực cứu hộ.
Các đội từ Indonesia, Philippines, Việt Nam và Hàn Quốc cũng như một số đội khác từ xa như New Zealand và Nga cũng sẽ sớm nhập cuộc.
Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cho biết trong một tuyên bố rằng "sự tàn phá đã lan rộng và nhu cầu nhân đạo đang tăng lên từng giờ".
"Với việc nhiệt độ tăng cao và mùa gió mùa đang đến gần chỉ trong vài tuần nữa, chúng ta cần phải nhanh chóng ổn định các cộng đồng bị ảnh hưởng trước khi các cuộc khủng hoảng thứ cấp xuất hiện", tổ chức này cho biết thêm.

Lực lượng cứu hộ làm việc tại hiện trường vụ sập tòa nhà đang xây dựng ở Bangkok, ngày 30/3/2025, 2 ngày sau trận động đất ở miền Trung Myanmar và gửi rung chấn đến Thái Lan. Ảnh: Getty Images
Trong khi đó, ở bên kia biên giới phía Đông của Myanmar, tại thủ đô Bangkok của Thái Lan, lực lượng cứu hộ đã làm việc suốt cả ngày để giải cứu những người sống sót bị mắc kẹt khi một tòa cao ốc 30 tầng đang được xây dựng bị sập sau trận động đất hôm 28/3
Ít nhất 18 người đã thiệt mạng tại thủ đô Thái Lan, với 33 người bị thương và 78 người vẫn mất tích, chính quyền thành phố cho biết hôm 30/3.
Hầu hết những người thiệt mạng là công nhân làm việc tại công trường, gần khu chợ cuối tuần Chatuchak nổi tiếng. Chó nghiệp vụ và máy bay không người lái chụp ảnh nhiệt cũng đã được triển khai để tìm kiếm dấu hiệu của sự sống bên dưới đống đổ nát của tòa nhà.
Minh Đức (Theo Gulf News, The Guardian)