Động đất ở Nhật Bản: 'Phủ bóng' lên nỗ lực khởi động lại nhà máy hạt nhân
Trận động đất mạnh xảy ra ở bờ biển phía Tây Nhật Bản vào ngày đầu năm mới 2024 đã dấy lên nghi ngờ về nỗ lực đưa các nhà máy hạt nhân của nước này hoạt động trở lại.
Bởi hiện tại, Nhật Bản - quốc gia vốn phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, đang củng cố các lựa chọn về nguồn cung khi mà thị trường năng lượng toàn cầu tồn tại nhiều bất ổn.
Nhật Bản rung chuyển bởi trận động đất mạnh ở Bán đảo Noto, tỉnh Ishikawa vào ngày đầu tiên của năm 2024, cướp đi sinh mạng của hơn 90 người, đồng thời nhắc nhở nhiều người nhớ về thảm họa động đất, sóng thần tàn khốc xảy ra năm 2011 gây ra sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Các nhà máy điện hạt nhân nằm rải rác trên bờ biển Nhật Bản, nơi thường xuyên xảy ra động đất và sóng thần do nằm trên "Vành đai lửa" có nhiều hoạt động địa chấn quanh Thái Bình Dương. Trận động đất 7,6 độ richter xảy ra vài ngày sau khi các cơ quan quản lý dỡ bỏ lệnh cấm vận hành đối với Nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa của Công ty Điện lực Tokyo (Tepco). Ngay sau trận động đất, Tepco báo cáo nước đã tràn ra từ các bể nhiên liệu hạt nhân tại Nhà máy Kashiwazaki-Kariwa, nhưng cho biết mức độ phóng xạ ở mức bình thường. Tepco hy vọng sẽ nhận được sự cho phép của địa phương để khởi động lại nhà máy cách tâm chấn khoảng 120km và đã ngừng hoạt động từ năm 2012. Tuy nhiên, Yukihiko Hoshino, một thành viên Hội đồng thành phố Kashiwazaki (tỉnh Niigata) phản đối việc khởi động lại nhà máy và cho biết: “Người dân cảm thấy rằng Tepco có thể khởi động lại các lò phản ứng vào cuối năm 2024, nhưng trận động đất này dường như đã khơi dậy cảm giác sợ hãi”. Ông chia sẻ cảnh báo sóng thần hôm 1-1 khiến ông nhớ đến thảm họa Fukushima.
Nhật Bản hoàn toàn tin tưởng vào công nghệ hạt nhân của mình. Mặc dù một số cuộc thăm dò của truyền thông cho thấy, tỷ lệ người ủng hộ việc quay trở lại điện hạt nhân đã dần vượt qua tỷ lệ những người phản đối động thái này. Song theo các chuyên gia, chưa thể khẳng định đầy đủ rằng người dân đã hoàn toàn chấp nhận quay trở lại sử dụng điện hạt nhân, hay niềm tin rằng điện hạt nhân và nhà máy điện hạt nhân được an toàn.
Thế nên, cảnh báo động đất và sóng thần vào ngày đầu năm mới có thể làm sống lại những nghi ngờ về ngành công nghiệp hạt nhân, đặc biệt là ở thời điểm chính phủ có kế hoạch khởi động lại nhiều lò phản ứng đã ngừng hoạt động kể từ trận động đất ngày 11-3-2011. Nhật Bản đã lên kế hoạch loại bỏ dần năng lượng hạt nhân sau thảm họa năm 2011, nhưng giá năng lượng tăng cao và tình trạng thiếu điện liên tục đã thúc đẩy Tokyo chuyển hướng sang khởi động lại các lò phản ứng và phát triển các lò phản ứng thế hệ tiếp theo.
Tháng 2-2023, nội các của Thủ tướng Fumio Kishida đã phê duyệt chính sách chuyển đổi xanh, trong đó có chủ trương kéo dài tuổi thọ của các lò phản ứng hạt nhân lên hơn 60 năm và thay thế những lò bị loại bỏ. Đó là một sự đảo ngược lớn đối với các chính sách được áp dụng sau thảm họa động đất năm 2011. Nguyên do là xứ sở Mặt trời mọc đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Kế hoạch Năng lượng chiến lược đặt mục tiêu đưa năng lượng tái tạo chiếm 36-38% tổng sản lượng điện của Nhật Bản vào năm 2030, trong đó điện hạt nhân chiếm khoảng 20-22%. Hiện 12 nhà máy điện hạt nhân đã chính thức được khởi động lại (từ năm 2011), trong đó 5 nhà máy đã nhận được giấy phép và đang tiến hành những bước chuẩn bị cuối cùng để thực hiện việc này. 10 lò phản ứng khác đang được kiểm tra để có thể khởi động lại. 9 lò phản ứng chưa nộp đơn xin khởi động lại và 24 lò, trong đó có 10 lò phản ứng của Tepco ở tỉnh Fukushima, đang ngừng hoạt động.
“Việc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản là rất đáng mừng khi có thể giải phóng được một lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đáng kể cho thị trường toàn cầu”, ông Sadamori, người từng làm việc tại Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết.
Khi biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ, các quốc gia trên toàn cầu đã tăng cường nỗ lực giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhằm đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050. Nhưng trận động đất mạnh 7,6 độ richter vừa qua, gây ra cảnh báo sóng thần từ Hokkaido đến Kyushu, một lần nữa có thể tạo ra sự lo ngại của công chúng về mức độ an toàn của điện hạt nhân. Động đất xảy ra khiến kế hoạch của Thủ tướng Kishida về tăng cường sử dụng điện hạt nhân như một phần trong chính sách chuyển đổi xanh của mình trở nên khó đoán định về mức độ thành công.