Động đất tại Kon Tum được xác định là do hồ chứa thủy điện

12 trận động đất xảy ra liên tiếp trong chưa đầy 2 ngày (từ 23-24.8.2022) trên địa bàn tỉnh Kon Tum được cho là động đất kích thích, nguyên nhân gây ra bởi hồ chứa thủy điện.

Không có thiệt hại về người

Ngày 24.8 vừa qua, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức họp trực tuyến với các thành viên Ban chỉ đạo và Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam. Theo báo cáo, trong các trận động đất xảy ra vừa qua tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum không ghi nhận thiệt hại về người.

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai chỉ đạo cuộc họp

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai chỉ đạo cuộc họp

Từ chiều 23.8 đến sáng 24.8, ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum xảy ra liên tiếp các trận động đất gây dư chấn dao động 2,5-4,7 độ richter. Trận đầu tiên độ lớn 4,7 gây rung chấn mạnh nhất ở Kon Tum từ trước tới nay. Người dân các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Gia Lai, Quảng Ngãi và Đà Nẵng cảm nhận được sự rung lắc. 11 trận sau đó độ lớn 2,5-2,9; trận gần nhất xảy ra lúc 1 giờ 21 phút ngày 24.8 có độ lớn 2,5.

TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết trong vòng khoảng hơn 100 năm, từ năm 1903 đến năm 2020, khu vực huyện Kon Plông chỉ ghi nhận khoảng 33 trận động đất có độ lớn từ 2,5 trở lên. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay đã xảy ra một loạt trận động đất với khoảng gần 200 trận mới. "Tần suất các trận tăng lên đột biến”.

Thống kê của Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) cũng cho thấy các trận động đất trong quá khứ ở khu vực Kon Plông xảy ra ít, mức độ nhẹ, cao nhất chỉ ở mức 3,9 độ. Trận gần nhất với độ lớn 4,7 richter cao hơn với các trận trong lịch sử, song theo thang đo của thế giới là trận động đất ở mức trung bình.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Anh, nhận định bước đầu là động đất kích thích, gây ra bởi hồ chứa thủy điện. Hiện vẫn cần tiếp tục quan trắc hoạt động động đất, nghiên cứu các mạng trạm để đánh giá chi tiết, xem xét các đứt gãy ở khu vực cũng như vấn đề tích nước.

Vị trí xảy ra động đất ở Kon Tum chiều ngày 23.8

Vị trí xảy ra động đất ở Kon Tum chiều ngày 23.8

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, chuyên gia địa chấn Viện Vật lý địa cầu cũng khẳng định hiện tượng động đất xảy ra liên tiếp ở Kon Tum, đặc biệt huyện Kon Plông, thuộc nhóm trận động đất kích thích. Cụ thể, động đất kích thích được hiểu là do tác động của con người vào thiên nhiên gây ra động đất, chứ không phải động đất thiên nhiên như ở các khu vực phía bắc, do đới đứt gãy tự nhiên.

Động đất kích thích có quy luật dễ hiểu, phần lớn xảy ra ở khu vực có hồ chứa hoạt động, nhất là hồ thủy điện hoặc hồ chứa tích nước lớn. Khi hồ chứa tích nước, lượng nước gây ra sức ép lớn xuống đáy hồ, kết hợp với những đứt gãy địa phương (dù nhỏ), gia tăng ứng suất của cột nước lớn sẽ gây ra động đất kích thích.

Các trận động đất kích thích thường là một chu kỳ, xảy ra sau thời gian tích nước và thời kỳ mùa mưa. Khi đã lên một đỉnh nào đó sẽ bắt đầu nhỏ dần đi, thành chuỗi các trận động đất trung bình và vừa, sau đó tắt dần. "Thời gian tắt dần bao lâu sẽ cần phải nghiên cứu, phụ thuộc vào các trạm quan trắc địa phương, do ở những vùng khác nhau thì chu kì lặp lại cũng sẽ khác nhau", PGS.TS. Nguyễn Hồng Phương phân tích.

Các chuyên gia đều cho rằng rất khó dự báo chính xác thời điểm xảy ra động đất. Ngay cả Nhật Bản, các nhà khoa học cũng không biết được ngày mai có xảy ra hay không. Tuy nhiên, các nhà khoa học có thể dự báo được độ lớn của động đất ở khu vực đó, hay đạt mức cực đại là bao nhiêu.

Thủy điện thượng Kon Tum bị cho có liên quan động đất ở huyện Kon Plông

Thủy điện thượng Kon Tum bị cho có liên quan động đất ở huyện Kon Plông

Tăng cường hệ thống trạm quan trắc động đất

Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần Phạm Thế Truyền cho biết, ngay sau khi có Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó động đất ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, Viện Vật lý địa cầu đã phối hợp với chủ đầu tư và các đơn vị quản lý các công trình Thủy điện Thượng Kon Tum, hồ thủy điện Đắk Đrinh để lên kế hoạch lắp đặt 3 trạm quan trắc, dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 3.9, nâng tổng số trạm quan trắc ở khu vực này lên 6 trạm.

“Về lâu dài, chúng tôi kiến nghị cần tăng cường hệ thống trạm quan trắc động đất không chỉ ở khu vực Kon Plông mà ở cả các địa phương khác. Ngoài ra, chúng ta phải có phân vùng rủi ro động đất trên toàn quốc. Do chúng ta chưa có bản đồ phân vùng rủi ro động đất trên phạm vi quốc gia, do đó, việc đưa ra các thông tin dự báo, cảnh báo kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo gặp khó khăn”, ông Truyền cho hay.

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài yêu cầu các thành viên và tỉnh Kon Tum thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng về ứng phó động đất. Viện Vật lý địa cầu triển khai sớm các trạm quan trắc để có thông tin nhanh nhất, chính xác nhất và cung cấp đầy đủ thông tin về động đất nhanh chóng, chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo. Thông tin dự báo động đất còn gặp khó khăn, tuy nhiên cần xác định rõ nguyên nhân để chủ động có giải pháp ứng phó phù hợp với tình hình, tránh tâm lý hoang mang trong nhân dân.

"Công trình thủy lợi thủy điện, nhất là các hồ chứa trong thiết kế theo như báo cáo là an toàn nhưng vẫn phải thông tin cho nhân dân được biết. Đồng thời, phải thường xuyên chú ý và có báo cáo theo dõi, đánh giá kịp thời. Đề nghị các địa phương và nhất là Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khu vực động đất phải soạn ngay các bản tin thông tin trên các đài địa phương, nhất là đài truyền thanh ở cơ sở về những công trình đảm bảo an toàn, những công trình nào không đảm bảo an toàn để nhân dân yên tâm", ông Hoài nhấn mạnh.

Thảo Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/dong-dat-tai-kon-tum-duoc-xac-dinh-la-do-ho-chua-thuy-dien-i298717/