Động đất tại Myanmar: Nỗ lực cứu hộ chuyển sang hướng cứu trợ và phục hồi

Những nỗ lực tìm kiếm người sống sót sau trận động đất tàn khốc khiến hơn 3.600 người thiệt mạng ở Myanmar đã kết thúc vào hôm 7/4, khi các nỗ lực cứu hộ dần được thay thế bằng các hoạt động cứu trợ và phục hồi sau thảm họa.

Báo cáo do Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) công bố cuối ngày 7/4 cho biết hơn 17 triệu người Myanmar đang sống ở các khu vực bị ảnh hưởng và rất cần thực phẩm, nước uống, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tiền mặt và nơi trú ẩn khẩn cấp, đặc biệt khi mùa mưa đã bắt đầu tại Myanmar. Tại thủ đô Naypyitaw, người dân bắt đầu tiến hành dọn dẹp đống đổ nát sau động đất.

Động đất ở Myanmar. Ảnh: al Jazeera.

Động đất ở Myanmar. Ảnh: al Jazeera.

Cục Cứu hỏa Myanmar hôm 7/4 cho biết các lực lượng cứu hộ quốc tế từ Singapore, Malaysia và Ấn Độ đã trở về nước sau khi công việc tìm kiếm người sống sót sau thảm họa được coi là đã hoàn thành. Số lượng các đội cứu hộ hoạt động tại các khu dân cư tại thủ đô Naypyitaw đã giảm dần.

Tại Mandalay, gần tâm chấn của trận động đất, cuộc sống đang dần trở lại khi các cửa hàng, cửa hiệu bắt đầu mở cửa đón khách. Một cửa hàng tạp hóa đã chứng kiến lượng khách hàng tăng gấp đôi kể từ khi mở cửa trở lại hôm 1/4. Các mặt hàng thiết yếu, như thực phẩm, đồ uống và đồ dùng cá nhân, phần lớn đã trở lại mức trước động đất. Do lo ngại các cơn dư chấn, người dân có xu hướng lựa chọn các mặt hàng như đồ vệ sinh cá nhân hay thực phẩm không dễ hư hỏng như mì tôm hay bánh mì.

Trận động đất mạnh 7,7 độ đã gây ảnh hưởng cả một vùng rộng lớn của Myanmar, gây ra thiệt hại đáng kể cho 6 khu vực và tiểu bang. Trận động đất khiến nhiều khu vực mất điện, sóng điện thoại hoặc kết nối di động và đường sá và cầu cống bị hư hại, khiến cho việc đánh giá toàn bộ mức độ tàn phá trở nên khó khăn.

Thiếu tướng Zaw Min Tun, người phát ngôn của chính quyền quân sự Myanmar, hôm 7/4 cho biết số người chết trong trận động đất đã lên tới 3.600, với hơn 5.000 người bị thương và 160 người vẫn còn mất tích. Tướng Zaw Min Tun cho biết các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn có sự tham gia của gần 1.800 nhân viên từ 20 quốc gia và đã giúp tìm thấy và giải cứu 653 người sống sót.

Ông Zaw Min Tun cũng cho biết trận động đất đã chính thức được đặt tên là "Trận động đất lớn Mandalay" để đảm bảo tính nhất quán trong các tài liệu và tham chiếu trong tương lai.

Chính quyền quân sự Myanmar hôm 2/4 đã ra tuyên bố tạm ngừng giao tranh với các nhóm vũ trang nổi dậy để tiến hành các hoạt động cứu trợ sau trận động đất.

Thảm họa động đất hôm 28/3 đã tàn phá một khu vực rộng lớn của Myanmar. Báo cáo của Văn phòng Điều phối các hoạt động nhân đạo của Liên hợp quốc mô tả, toàn bộ cộng đồng đã bị đảo lộn, buộc mọi người phải tìm nơi trú ẩn tạm bợ, gây gián đoạn thị trường, làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng về mặt tâm lý xã hội và đẩy các dịch vụ thiết yếu như nước sạch, vệ sinh và y tế đến bờ vực sụp đổ. Những người mất nhà cửa do động đất phải chịu đựng cái nóng khắc nghiệt trong tháng nóng nhất và khô nhất trong năm của đất nước. Những cơn mưa lớn trái mùa cũng gây thêm mối đe dọa cho những người trú ẩn ngoài trời và làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Theo Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo Tom Fletcher- hiện đang ở Mandalay, quy mô thiệt hại là khủng khiếp. Ông kêu gọi thế giới tiếp tục hỗ trợ Myanmar sau thảm họa động đất: “Tại Mandalay, rất gần tâm chấn của trận động đất tàn khốc này, bạn có thể cảm nhận được mức độ thiệt hại đối với cuộc sống người dân và cộng đồng. Hàng nghìn người đã chết và mọi người đang cố gắng xây dựng lại cuộc sống của họ ngay bây giờ. Họ cần thức ăn, cần nước sạch, cần điện và họ cũng nói với tôi rằng, họ cần nơi trú ẩn… Đây là một cuộc khủng hoảng phức tạp. Nhu cầu rất lớn và tất nhiên, điều chúng ta cần nhất ngay lúc này là tiền tài trợ để ứng phó, để cung cấp thực phẩm cho mọi người, để có nước, nơi trú ẩn, để có điện trở lại và ở bên họ trong thời điểm khó khăn này.”

Ngoài con số thương vong lớn, trận động đất cũng phá hủy nhiều công trình dân sinh và gây ảnh hưởng tới sinh kế của hàng chục nghìn người. Trong khi đó, các cơn dư chấn vẫn tiếp tục. Theo Cục Khí tượng và Thủy văn Myanmar, có 98 dư chấn đã xảy ra ở nước này kể từ trận động đất tàn khốc hôm 28/3, trong đó có những dư chấn lên tới 7,5 độ.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hợp quốc, nhiều quốc gia trong khu vực, như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam cùng các nước Đông Nam Á, Nga và các đối tác quốc tế đã điều động lực lượng cứu hộ, triển khai hỗ trợ nhân đạo đến Myanmar. Theo chính quyền quân sự Myanmar, các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ có sự tham gia của 1.738 nhân viên từ 20 quốc gia đã giúp tìm thấy và giải cứu 653 người sống sót. Mỹ hiện vẫn là nhà tài trợ nhân đạo hàng đầu cho Myanmar, với cam kết hỗ trợ tối thiểu 9 triệu USD. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho biết việc giải thể một số chương trình viện trợ nước ngoài cũng phần nào ảnh hưởng đến khả năng hiện thực hóa cam kết này.

PV/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/dong-dat-tai-myanmar-no-luc-cuu-ho-chuyen-sang-huong-cuu-tro-va-phuc-hoi-post1190519.vov