Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria: Khoảnh khắc cho hòa bình
Những tín hiệu tích cực trong bối cảnh thảm họa động đất với hậu quả kinh hoàng thắp sáng tia hy vọng về hòa bình...
Không sai khi nói rằng trận động đất kinh hoàng ngày 6/2 tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria thực sự là một “thảm họa của thế kỷ”. Tính đến ngày 16/2, ít nhất 42.000 người đã thiệt mạng và hàng triệu người khác bơ vơ trước đống đổ nát họ từng gọi là nhà.
Trong đó, hơn 5.800 người dân Syria đã thiệt mạng. Tại vùng Tây Bắc của đất nước này, trận động đất, kết hợp với xung đột gay gắt giữa quân đội chính phủ và lực lượng đối lập, cơ sở hạ tầng xuống cập, thiếu hụt lương thực kéo dài khiến tình hình khó khăn hơn bội phần: Chương trình Lương thực thế giới (WFP) ước tính có tới 90% người dân phụ thuộc hoàn toàn vào hỗ trợ nhân đạo.
So với láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, Syria đang gặp vô vàn khó khăn trong tiếp nhận viện trợ. Giao tranh gay gắt giữa quân đội chính phủ và phe đối lập khiến quy trình vận chuyển hàng hóa gặp nhiều thách thức. Viện trợ chỉ có thể chuyển tới khu vực Tây Bắc thông qua cửa khẩu Bab al-Hawar, nơi hạ tầng giao thông bị bão và động đất tàn phá nghiêm trọng.
Các đội tìm kiếm, cứu nạn, và cứu hộ hiếm hoi chủ yếu đến từ Nga, Iran và một số nước Arab, trong khi Mỹ, châu Âu vẫn dè dặt trong cung cấp các hỗ trợ tài chính, dù là qua những tổ chức quốc tế.
May thay, ngày 14/2, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã đồng ý mở thêm hai cửa khẩu Bab al-Salam và Al-Ra’ee, để viện trợ của Liên hợp quốc di chuyển tới khu vực Đông Bắc, địa bàn hiện đang do phe đối lập nắm giữ.
Đại sứ Syria tại Liên hợp quốc Bassam Sabbagh cho biết nước này sẽ ủng hộ đưa hàng viện trợ nhân đạo vào tất cả các khu vực ở Syria, thông qua bất cứ con đường nào trong vòng ba tháng tới.
Trong bối cảnh hai bên vẫn giao tranh gay gắt ngay trước trận động đất, đây rõ ràng là một tín hiệu tích cực, nhắc nhở thế giới rằng khoảnh khắc cho sự sống và hòa bình cho người dân Syria, dù muộn, nhưng chắc chắn sẽ tới.