Động đất Thổ Nhĩ Kỳ, Syria: Gần 2000 người chết, quốc tế tăng cường cứu trợ
Theo Reuters, số người thiệt mạng do trận động đất xảy ra tại miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, giáp biên giới với Syria đã lên tới gần 2000 người (1921). Con số này sẽ còn tăng nhanh trong những giờ tới khi mà hàng trăm người vẫn còn bị vùi lấp trong những đống đổ nát.
Các tổ chức quốc tế, nhiều quốc gia đã gửi lời chia buồn và sẵn sàng hỗ trợ khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ và Syria trong công tác cứu nạn sau thảm họa.
Sau vụ động đất lớn nhất trong vòng 100 năm qua, Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang được đặt trong tình trạng báo động, với mục tiêu cao nhất là khẩn trương tìm kiếm và cứu nạn. Các lực lượng vũ trang nước này đã thiết lập một hành lang hàng không để tạo điều kiện cho các đội tìm kiếm và cứu hộ tiếp cận gần với các khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất lớn ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - ông Tayyip Erdogan cho biết: “Chúng tôi không biết chính xác số người chết và bị thương sẽ tăng lên đến khi nào. Công việc dọn dẹp mảnh vỡ vẫn tiếp tục ở nhiều tòa nhà trong vùng động đất. Hy vọng của chúng tôi là chúng ta sẽ phục hồi sau thảm họa này với ít thiệt hại về người nhất. Chúng tôi đã nhận được một số lời kêu gọi viện trợ quốc tế cho đất nước của mình. Đề nghị hỗ trợ từ 45 quốc gia, bao gồm cả NATO và Liên minh châu Âu, đều đã gửi đến với chúng tôi.”
Cộng đồng quốc tế đã đưa ra những lời đề nghị hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syri sau trận động đất. Ủy viên châu Âu về quản lý khủng hoảng Janez Lenarčič chiều nay thông báo Trung tâm điều phối ứng phó khẩn cấp 24/7 của EU đã liên lạc với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và kích hoạt dịch vụ lập bản đồ vệ tinh Copernicus khẩn cấp để hỗ trợ cứu nạn trên mặt đất.
Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu – ông Balas Ujvari cho biết:“Chúng tôi đã huy động hơn 10 đội tìm kiếm và cứu nạn đô thị từ một số quốc gia thành viên, gồm: Bulgaria, Croatia, Czechia, Pháp, Hy Lạp, Hà Lan, Ba Lan và Romania để hỗ trợ những người phản ứng đầu tiên trên mặt đất và thêm vào đó Hungary, Italia, Tây Ban Nha, Malta và Slovakia cũng đã đề nghị hỗ trợ. Hiện nay, EU cũng đã kích hoạt hệ thống vệ tinh Copernicus để cung cấp dịch vụ lập bản đồ cứu trợ khẩn cấp cho các khu vực thảm họa. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và chúng tôi sẽ phối hợp hỗ trợ thêm khi cần."
Người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết mạng lưới các đội y tế khẩn cấp của Tổ chức đã được kích hoạt để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho những người bị thương và dễ bị tổn thương nhất do ảnh hưởng của trận động đất.
Cơ quan bảo vệ dân sự liên bang Đức đã đề nghị cung cấp các trại tạm trú khẩn cấp và các đơn vị xử lý nước, đồng thời cũng chuẩn bị hàng cứu trợ khẩn cấp gồm máy phát điện, lều và chăn tới những khu vực bị ảnh hưởng. Chính phủ Ấn Độ đã triển khai 2 đội thuộc Lực lượng ứng phó thảm họa quốc gia Ấn Độ bao gồm: 100 nhân viên với đội chó nghiệp vụ được huấn luyện đặc biệt và thiết bị đã sẵn sàng bay đến các khu vực thảm họa để thực hiện các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ.
Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Laurence Boone đã gửi lời chia buồn sau trận động đất: "Tất cả suy nghĩ của chúng tôi đều hướng về Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Ủy ban châu Âu đã kích hoạt Cơ chế Bảo vệ Dân sự và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã tuyên bố rằng ông sẵn sàng gửi một số hỗ trợ khẩn cấp tới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để giúp đỡ công tác cứu nạn."
Theo các nhà khí tượng học, nhiệt độ xuống thấp và tuyết rơi tại khu vực sẽ là các trở ngại lớn đối với công tác cứu hộ. Ngoài ra, không loại trừ các dư chấn với độ mạnh cao sẽ diễn ra trong những ngày tới. Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulisi Akar bày tỏ lo ngại: “Các cơ quan chức năng của chúng tôi đã chuẩn bị ở mức cao nhất để thực hiện các dịch vụ vận chuyển bao gồm cả máy bay A400. Mọi thứ đã sẵn sàng. Tuy nhiên, có những trở ngại liên quan đến các sân bay trong khu vực. Có nhiều vấn đề về điều kiện thời tiết và có vết nứt ở một số đường băng. Cân nhắc những trở ngại này, chúng tôi đang xem xét thực hiện các nỗ lực khả thi để gửi các đội cứu hộ và thiết bị đến khu vực cần thiết càng sớm càng tốt."
Chiều tối nay (theo giờ Việt Nam), Cơ quan Quản lý Thảm họa Khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) đã báo cáo một trận động đất thứ hai có độ lớn 7,6 độ đã tiếp tục tấn công thành phố Kahramanmaras ở phía đông nam nước này. Trận động đất xảy ra ở độ sâu 7 km, tâm chấn là khu vực Elbistan thuộc thành phố Kahramanmaras./.