Đong đầy tình thương
Cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội Kon Tum luôn là điểm tựa giúp các bệnh nhân tâm thần sớm hồi phục, tái hòa nhập cộng đồng.
Ở đây, bệnh nhân gọi cán bộ, nhân viên thuộc Phòng Chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho người tâm thần và rối nhiễu tâm trí là thầy, cô. Cách gọi vừa thể hiện sự tôn trọng, vừa là sự biết ơn. Bởi lẽ, với các bệnh nhân, nơi đây vừa là nhà, vừa là trường học, mà những người thầy, người cô ấy hằng ngày chăm sóc họ với tất cả tình thương. Những lời tâm sự của người bệnh luôn được thầy cô lắng nghe, chia sẻ, giúp họ tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn.
Xoa dịu nỗi đau
Sau cơn mưa trời hửng nắng, anh Bloong Chí Trúc - nhân viên Phòng Chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho người tâm thần và rối nhiễu tâm trí, cùng với các bệnh nhân ra chăm sóc vườn rau, làm cỏ bồn hoa. Mọi người vừa làm việc, vừa chuyện trò. Bắt đầu từ việc nhớ nhà của anh Quý, đến chuyện về quá khứ của anh Hải, và ước mơ được sống một cuộc sống bình thường của Thủy. Những câu chuyện không đầu, không cuối, không cùng chủ đề, rối ren như tơ vò, nhưng lại nối tiếp nhau...

Cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội Kon Tum hướng dẫn bệnh nhân chăm sóc cây xanh trong khuôn viên trung tâm.
Lắng nghe một cách kiên nhẫn, thi thoảng anh Trúc đưa ra những lời khuyên chân thành, an ủi để xoa dịu những nỗi đau đang hiển hiện trong lòng của mỗi bệnh nhân. “Lắng nghe cũng là một cách giúp các bệnh nhân trị liệu tâm lý”, anh Trúc trải lòng.
Kể từ ngày vào công tác tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội Kon Tum và làm việc ở phòng “đặc biệt” này, anh Trúc đã quen với những buổi tâm sự bất kể giờ giấc như vậy. Anh Trúc kể, có lần, lúc đêm khuya, bệnh nhân ngồi ủ rũ, nước mắt lưng tròng. Hỏi ra mới biết, họ buồn vì lâu rồi người nhà không đến thăm. Những lúc như vậy, anh Trúc lại lân la trò chuyện, rồi tìm cách liên lạc với người nhà bệnh nhân để họ sắp xếp đến động viên, phần nào giúp bệnh nhân vơi nỗi lòng.
Ngoài những trường hợp có gia đình để nhớ, còn có nhiều trường hợp nỗi buồn rộng lớn như đại dương. Như anh Nguyễn Thành Nam từ khi sinh ra đã được đưa vào Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội Kon Tum. 46 năm trôi qua, anh Nam không biết cha mẹ mình là ai, họ hàng ở đâu. “Tâm hồn Nam như một hố sâu vô định. Nam trầm lặng, nhìn thương lắm. Thi thoảng, mình gói ghém cho Nam ít đồ ăn, thức uống, thay người thân an ủi Nam”, anh Trúc bùi ngùi nói.

Cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội Kon Tum chăm sóc bệnh nhân bằng sự tận tụy, yêu thương.
Trong số 35 bệnh nhân tại Phòng Chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho người tâm thần và rối nhiễu tâm trí, có những người ban đầu không thể tự đánh răng, rửa mặt, giặt giũ, đi vệ sinh... Khi đó, các thầy, cô phải cầm tay từng người để hướng dẫn. Công việc quần quật cả ngày, vất vả nhưng cán bộ, nhân viên không ai than vãn, bởi thấu hiểu nỗi bất hạnh mà các bệnh nhân đã và đang từng ngày trải qua. Và mỗi người luôn hiểu rằng, tình cảm chân thành, tình yêu thương sẽ giúp bệnh nhân phần nào nguôi ngoai nỗi buồn.
Dẫu công việc tất bật, cán bộ, nhân viên của trung tâm quan tâm tổ chức sinh nhật cho bệnh nhân. Tiệc sinh nhật chỉ đơn giản là vài cái bánh kem, ít bánh kẹo, trái cây nhưng ai nấy đều hạnh phúc. “Chúng tôi mong có điều kiện để duy trì tổ chức sinh nhật cho các bệnh nhân, để họ cảm thấy mình không đơn độc trong cuộc sống này”, anh Lê Tấn Duy, cán bộ Phòng Chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho người tâm thần và rối nhiễu tâm trí, chia sẻ.
Điểm tựa yêu thương
Buổi trò chuyện giữa chúng tôi và cán bộ, nhân viên trung tâm bị gián đoạn liên tục bởi những tiếng hét, tiếng cười vô định sau cánh cửa sắt. Cán bộ, nhân viên nơi đây đã quá quen với cảnh như thế. Nhất là nửa đêm, không gian yên tĩnh luôn bị xé toạc bởi những tiếng la hét rung trời đất. Anh Duy cho biết, camera lắp đặt ở các phòng để cán bộ, nhân viên tiện theo dõi. Những đêm trực, mọi người chỉ chợp mắt được đôi lúc. Bởi bệnh nhân có thể lên cơn bất cứ lúc nào. Nếu lơ là, họ sẽ tự làm tổn thương mình và mọi người xung quanh.
Cách đây vài hôm, một bệnh nhân nữ lên cơn la hét và sẵn sàng lao đến đánh đập bất kể ai. Cán bộ, nhân viên trung tâm ngay lập tức có mặt để trấn an bệnh nhân. “Chúng tôi cũng vất vả lắm mới kiểm soát được hành vi của bệnh nhân lúc lên cơn. Phải cố gắng để họ không tự làm tổn thương chính mình...”, chị Ngô Thị Ánh - nhân viên chăm sóc ở trung tâm, chia sẻ.

Trung tâm tổ chức sinh nhật cho bệnh nhân.
Phòng Chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho người tâm thần và rối nhiễu tâm trí có 10 cán bộ, nhân viên, trong đó có 3 nam. Khi bệnh nhân lên cơn, nhân viên nữ không đủ sức để giữ chặt bệnh nhân, kiểm soát cơn bệnh. Do đó, dù đến lịch nghỉ, cán bộ, nhân viên nam cũng phải đến trung tâm để kịp thời hỗ trợ đồng nghiệp. Anh Lê Tấn Duy kể, có lần đang đi đám cưới, cách trung tâm hơn 10km, nghe đồng nghiệp báo có bệnh nhân lên cơn, tôi phải tức tốc quay ngược trở về đơn vị để hỗ trợ.
Mỗi tháng, cán bộ, nhân viên trung tâm phải dẫn bệnh nhân đi khám bệnh, lấy thuốc ở các cơ sở y tế. Đưa bệnh nhân ra cộng đồng, đó là một nỗi lo. “Những lúc như thế, chúng tôi căng thẳng lắm! Phải luôn theo sát để họ không gây nguy hiểm cho mọi người”, anh Nguyễn Hữu Huy, nhân viên chăm sóc, tâm sự.
"
Ước mong lớn nhất của chúng tôi là bệnh nhân được trở lại với cuộc sống bình thường. Ở nơi này, bệnh nhân khỏe mạnh là hạnh phúc nhất rồi”.
Anh LÊ TẤN DUY, cán bộ Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội Kon Tum
Anh Huy nhớ mãi, cách đây không lâu, anh phải đưa một bệnh nhân đến TP. Hồ Chí Minh để điều trị bệnh. Suốt khoảng thời gian bệnh nhân điều trị, anh vừa chăm sóc, giúp bệnh nhân vệ sinh, ăn uống, vừa phải động viên tinh thần. Anh Huy trải lòng, một tuần dài như một năm vậy. Ở với bệnh nhân mà mình đủ các nỗi lo. Mỗi ngày trôi qua, mình đều mong bệnh nhân khỏe mạnh để sớm được trở về với trung tâm.
Chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho bệnh nhân nhưng rồi không ít lần cán bộ, nhân viên ở đây bị những trận đòn vô cớ khi bệnh nhân lên cơn bất chợt. Anh Duy nói đùa mà thật, từ trong phòng bệnh đi ra, nhiều khi phải đi thụt lùi, đề phòng bệnh nhân tấn công từ phía sau. Còn anh Trúc lại bảo rằng, phòng trực lúc nào cũng phải mở cửa, để có chuyện gì dễ dàng tháo chạy.
Công việc với biết bao áp lực, lo lắng và nguy hiểm, song với tình thương và trách nhiệm, cán bộ, nhân viên ở Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội Kon Tum đều nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.
Bài, ảnh: BÌNH AN
Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/dong-day-tinh-thuong-54607.htm