Đồng đội ơi, bên Thành cổ năm nào!
Những người lính chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, bên Thành cổ năm nào nay đều bước qua tuổi 70. Hòa bình, những cựu chiến binh ấy lại về sinh hoạt trong 'Ngôi nhà chung' là Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị 1972 (tỉnh Bắc Giang) để ôn lại những kỷ niệm với đồng đội, những trận đánh với bao cảm xúc vơi đầy.
Đang là sinh viên Đại học Xây dựng Hà Nội, chàng thanh niên 20 tuổi Thân Quang Hoạt lên đường chiến đấu theo Lệnh tổng động viên 1971-1972. “Tôi - một người lính bộ binh trẻ măng mới tham gia chiến trường chỉ sau 3 tháng huấn luyện vũ khí mới do Liên Xô tài trợ. Những ngày trực tiếp tham gia “81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị” tôi thực sự chưa có ý thức đầy đủ về sự kiện này. Mãi sau tôi mới được biết đó là một trong những cuộc chiến khốc liệt nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh ở Việt Nam”- CCB Thân Quang Hoạt, Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị 1972 TP Bắc Giang kể.
Nhắc lại chuỗi thời gian 81 ngày đêm của cuộc chiến (từ ngày 28/6 đến 16/9/1972), ông Hoạt cho biết: Về phía Mỹ - Ngụy, đây chính là chuỗi thời gian của Chiến dịch Lam Sơn 72 mà chúng tiến hành, mục tiêu là nhanh chóng tái chiếm Quảng Trị, trước mắt cắm cờ hội quân ở Thành cổ.
Về phía ta cũng tổ chức lực lượng tác chiến nhằm đánh bại cuộc hành quân “Lam Sơn 72” này, giữ vững vùng giải phóng Quảng Trị và một phần của tỉnh Thừa Thiên Huế. Một bên quyết giành và một bên quyết giữ Quảng Trị bằng mọi giá nhằm giữ thế thượng phong ở Hội nghị Paris nên cả hai phía đều huy động lực lượng và phương tiện chiến tranh ở mức cao nhất có thể.
Biết không thể dễ chiếm lại toàn bộ Quảng Trị, Mỹ-Ngụy chuyển sang mục tiêu “Cắm cờ lên Thành cổ” rồi quay phim, chụp ảnh khuếch trương chiến thắng gửi sang Hội nghị Paris nhằm đánh lừa dư luận rằng chúng đã chiếm được nơi này. “Cuộc chiến chốt giữ thị xã, Thành cổ Quảng Trị thực sự diễn ra quyết liệt từ trung tuần tháng 7 trở đi mà theo như sử sách ghi lại đó là những ngày đẫm máu. Thành cổ được ví như một túi bom, là “cối xay thịt”. Thật khủng khiếp”- ông Hoạt ngậm ngùi.
Trong những giờ phút lặng lẽ nhớ về chiến trường Quảng Trị, CCB Cao Chức, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị 1972 tỉnh Bắc Giang kể lại: "Tháng 6/1972, Mặt trận phát động toàn đơn vị đánh địch. Quân ta án ngữ ở phía Đông sông Thạch Hãn, địch có một tiểu đoàn thủy quân lục chiến ở đó. Đơn vị tôi khi đó là Đại đội 20 trinh sát đặc công Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 được giao nhiệm vụ luồn sâu trinh sát địa hình, nắm tình hình địch. Tôi khi ấy là Chính trị viên đơn vị đặc công được giao nhiệm vụ dẫn đầu ".
Quảng Trị một thời máu lửa nay đã hồi sinh, nhịp sống mới đã hiện hữu hai bên bờ sông Thạch Hãn. Hơn 1.000 hội viên Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Bắc Giang luôn đau đáu nhớ về Quảng Trị. Nỗi nhớ da diết đó là lời nhắc nhở mỗi hội viên phải sống sao cho xứng đáng với những cống hiến, hy sinh, mất mát của đồng đội.
Dịp đó mưa Quảng Trị lớn chưa từng thấy; nước sông Thạch Hãn bất ngờ dâng cao, hầm chỉ huy và hầm mà thương binh ta trú ẩn ngập chìm sâu trong nước. Anh em lính mới nhiều người không biết bơi, bị thương không thể chạy được, chỉ bò lết và rồi… hy sinh. Ông cũng không nghĩ là mình còn sống.
Còn nữa, trong một trận phục kích của địch xảy ra vào tháng 9/1972, khi pháo thuộc Hạm đội 7 cấp tập bắn vào trận địa đến 30 phút liên tục, ông nghe thấy tiếng anh em: “Anh Chức ơi em bị thương rồi”; “Nhiều người bị thương lắm anh ơi”.
Lúc ấy lo lắng nhất là bị mất tay súng, sợ anh em kêu to sẽ lộ mục tiêu, ông chỉ biết động viên anh em hãy cắn răng nén đau, cố gắng bò thật thấp để không bị lộ. Nhiều thương binh xé áo, tự băng bó vết thương rồi lặng lẽ trườn ra ngoài.
Ông cùng anh em đưa thương binh và tử sĩ thoát ra ngoài vòng vây của địch. Rồi có những tình huống hai bên đã nhìn thấy nhau, để đánh lừa quân địch, anh em bên ta miệng thì hô “Xung phong, tiến lên” nhưng thực tế là đang rút lui. Nhưng cũng có lúc hô vang, hưng phấn quá lại tiến lên thật, được hơn 100 mét sực nhớ ra đành nhanh chóng rút về nên không bị rơi vào tay địch.
Trong số những sinh viên Bắc Giang tham gia chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị còn có ông Nguyễn Khải, ông Đỗ Huy Dư. Cả hai người khi ấy đang học Đại học Bách khoa Hà Nội.
Ông Khải kể: "Trong trường, tôi mới được học một phần về binh khí, chưa nhìn thấy quả đạn thật thế nào, vậy mà được cử đi nhận vũ khí mới trong đó có máy bay, tên lửa vác vai Liên Xô. Tôi lo lắng vô cùng. Nhưng được sự hướng dẫn của chỉ huy cùng với khí thế đánh địch của cả lớp sinh viên ra trận ngày đó nên tôi hào hứng hẳn. Ngày 1/4/1972, Đại đội 1 của chúng tôi đã bắn rơi máy bay đầu tiên của địch".
Ông cũng nhớ những lần vượt sông Thạch Hãn, bộ đội xuống thuyền đi được hơn nửa quãng đường lại phải quay lại ngay do bị địch phát hiện. Rồi trận ở Long Quang trực thăng Ngụy thả bom khiến hơn 40 đồng đội của ông hy sinh.
Anh lính trẻ Vũ Văn Tuấn là lính bộ binh đơn vị vận tải. Năm 1971, anh cùng đoàn sinh viên Đại học Thương nghiệp Hà Nội gia nhập đơn vị bộ binh vận tải chuyên gùi đạn dược, lương thực, thực phẩm, thuốc men… vượt sông Bến Hải vào Quảng Trị rồi vận chuyển thương binh, tử sĩ về phía sau.
Ông Tuấn nhớ nhất trận chiến ngày 12/9/1972, khi đưa đạn, lương khô vào cho bộ đội khu vực phía trong Thành cổ thì được yêu cầu ở luôn trong đó. Do không thuộc đơn vị chiến đấu nên ông rất căng thẳng nhưng không thể từ chối rồi cũng nhanh chóng hòa nhập. Đứng trước nguy cơ bị địch bắt, ông phải ngụy trang, giả chết để tránh sự phát hiện của kẻ thù. Nín thở chờ chúng đi qua, buổi tối ông mới bò ra đến ngoài và thoát chết.
Sau ngày đất nước thống nhất 30/4/1975, những người lính từng là sinh viên ấy cơ bản trở lại giảng đường tiếp tục con đường học tập. Ông Hoạt được cử đi học sĩ quan chính trị bổ sung giáo viên cho các trường quân đội. Ông Cao Chức tiếp tục chiến đấu trong đội hình Quân đoàn 2. Trước khi nghỉ hưu, những người lính ấy đều giữ vị trí nhất định trong xã hội.
Ông Cao Chức nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Tân Tiến (TP Bắc Giang). Ông Nguyễn Khải, nguyên Giám đốc Sở Công nghiệp Bắc Giang. Ông Đỗ Huy Dư, nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đô thị TP Bắc Giang; ông Thân Quang Hoạt, nguyên Chánh Văn phòng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; ông Vũ Văn Tuấn, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Bắc Giang. Những CCB bên Thành cổ năm ấy đã giữ vững và phát huy tốt phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ khi trở về cuộc sống ngay trên quê hương Bắc Giang thân yêu.
Bài, ảnh: Thu Phong