Đóng giả 'kiều nữ' lừa người tình qua mạng, chiếm đoạt tiền tỷ

Đóng vai là cô gái xinh đẹp, con của một Việt kiều thành đạt, trong gần 3 năm Đào Thị Mộng Thường đã lừa đảo, chiếm đoạt của một người đàn ông ở Nghệ An hơn 9 tỷ đồng.

Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội vừa mở phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Đào Thị Mộng Thường (46 tuổi, trú huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Phiên tòa được mở do có đơn kháng cáo của bị cáo.

 Hình ảnh Mộng Thường tự đăng lên mạng để lừa đại gia và hình ảnh khi bị bắt

Hình ảnh Mộng Thường tự đăng lên mạng để lừa đại gia và hình ảnh khi bị bắt

Theo hồ sơ vụ án, năm 2019, Thường lập Facebook tên Đào Ngọc Minh, giới thiệu là Việt kiều Canada để tiếp cận, làm quen anh N.V.H. (quê Nghệ An). Trên mạng xã hội, Thường đăng tải hình ảnh thể hiện mình là người xinh đẹp, giàu có.

Quá trình làm quen với anh H. Ngọc Minh giới thiệu có bố là Việt kiều Canada, mẹ gốc Hồng Kông, gia đình sở hữu một hãng vận tải lớn. Tài khoản Ngọc Minh cũng khoe rằng mình nắm 15% cổ phần của công ty và được gia đình tin tưởng, sử dụng tài khoản ngân hàng để giao dịch làm ăn, mua sắm...

Trong thời gian quen anh H. Thường xây dựng các tình huống sinh nhật, du lịch... để anh này tin “Ngọc Minh” là có thật. Sau thời gian dài tâm sự qua ứng dụng mạng xã hội, anh H. thời điểm đó đã ly hôn nên đã nảy sinh tình cảm với “Ngọc Minh”.

Trong gần 3 năm từ 19/9/2019 đến 27/4/2022, bằng cách tạo ra nhiều tình huống khác nhau như cần tiền làm ăn, làm giấy tờ, tặng quà, làm thủ tục thừa kế, đầu tư đất... Mộng Thường trong vai diễn Ngọc Minh đã được anh H. chuyển tổng cộng hơn 12,2 tỷ đồng.

Bị cáo Thường cũng “hào phóng” chi hơn 400 triệu đồng để mua quà tặng và chuyển hơn 2,5 tỷ đồng cho anh H. khi anh này cần đầu tư kinh doanh. Số tiền còn lại, Thường chuyển cho anh trai 4 tỷ và 5 tỷ đồng thì tiêu xài hết.

Trong khoảng thời gian nói trên, anh H. nhiều lần đề nghị gặp mặt “Ngọc Minh” nhưng đều bị thoái thác, trốn tránh với nhiều lý do. Khi gọi điện qua ứng dụng mạng xã hội, “Ngọc Minh” cũng không để rõ hình ảnh của mình cho người tình thấy.

Tháng 4/2022, anh H. phát hiện mình đã bị lừa nên nhiều lần liên hệ, yêu cầu Thường trả lại tiền nhưng không có kết quả. Do đó, người đàn ông này đã làm đơn tố giác tới cơ quan Công an Nghệ An.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Thường cho rằng bản thân và ông H. có quan hệ tình cảm, số tiền trên là “tình phí”. Bị cáo Thường trưng bằng chứng là các tin nhắn anh H. nhắn trong các lần anh này chuyển tiền với nội dung “cho, tặng Ngọc Minh, cho tặng vợ yêu, tặng quà...” để chứng minh việc anh H. chuyển tiền là tự nguyện.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng chứng minh rằng các nội dung chuyển tiền này là anh H. ghi theo yêu cầu của Thường. Đây là thủ đoạn của Thường nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tiền của anh H. Trong vụ án này bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi lừa đảo hơn 9 tỷ đồng.

Mặc dù bị cáo không nhận tội nhưng căn cứ kết quả điều tra, xét hỏi, tranh luận công khai tại phiên tòa, HĐXX nhận định việc truy tố bị cáo tội lừa đảo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Thường tù chung thân. Về phần dân sự, buộc bị cáo phải trả lại cho bị hại 5 tỷ đồng (do anh trai của bị cáo đã trả lại 4 tỷ đồng).

Sau đó, bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo đã “quay xe” nhận tội. Bị cáo trình bày bản thân đã nhận thức được hành vi của mình là sai. Thường cho biết, trong quá trình điều tra, bị cáo đã nhiều lần tác động để anh trai trả lại 4 tỷ đồng cho bị hại nhưng tại phiên xét xử sơ thẩm do “hoang mang nên bị cáo quên trình bày”.

Tuy nhiên, nội dung này không thuyết phục được Hội đồng xét xử, do tại phiên sơ thẩm bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Việc anh trai bị cáo chủ động trả lại số tiền nói trên là do nhận thức được nguồn gốc của nó.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo mong muốn gặp bị hại để thống nhất cách giải quyết đối với số tiền 5 tỷ đồng nói trên và cho biết sẽ tác động gia đình trả lại cho bị hại.

Sau quá trình hội ý, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa để bị cáo tiếp tục tác động gia đình bồi thường cho bị hại. Nếu cần thiết, thời gian mở phiên tòa sẽ được chuyển đến gia đình để người thân của bị cáo có mặt, thống nhất việc thay bị cáo bồi thường nhằm có căn cứ xem xét nội dung kháng cáo giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Thảo Nguyên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dong-gia-kieu-nu-lua-nguoi-tinh-qua-mang-chiem-doat-tien-ty-post308871.html