Đóng gói tin tức cho thế hệ Z: Cần góc nhìn và sức sống mới
Khảo sát thị trường và các con số thống kê mới nhất cho thấy công chúng vẫn hàng ngày tiêu thụ mạnh mẽ nội dung thông tin trên mọi loại hình phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, số liệu cũng chỉ ra rằng thế hệ Z - nhóm công chúng chiếm hơn 30% dân số - lại đang dành rất nhiều thời gian tương tác trên các mạng xã hội…
Đổi mới sáng tạo trong báo chí để khai thác thị trường tiềm năng của công chúng thế hệ Z là nhu cầu tất yếu, nhưng bài toán hóc búa là làm sao để tạo ra sức sống mới cho nội dung; đóng gói tin tức theo định dạng như thế nào để hấp dẫn, phù hợp, thu hút và tương tác tốt hơn với thế hệ công chúng mới.
NHẬN DIỆN CÔNG CHÚNG THẾ HỆ Z
Thế hệ Z là thế hệ sinh ra và lớn lên trong thời đại số hóa (sinh từ 1996), là thế hệ gắn liền với cách mạng công nghệ thông tin, truyền thông và các các phương tiện truyền thông, đặc biệt là các phương tiện truyền thông mới; là thế hệ nòng cốt của xã hội thông tin và là thế hệ đầu tiên của thời đại siêu kết nối.
Công chúng thế hệ Z ngay từ khi sinh ra đã tiếp cận và lớn lên cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng về công nghệ. Công chúng thế hệ Z là công chúng số, có năng lực tiếp cận, tiếp nhận và tương tác với tất cả các dòng thông tin trong xã hội thông tin. Đồng thời họ cũng là công chúng truyền thông đa phương tiện, có thể tương tác với nội dung đa phương tiện ở bất cứ đâu, bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào; được quyền lựa chọn cao nhất về nội dung thông qua sự hỗ trợ của các nền tảng hay các ứng dụng kỹ thuật công nghệ.
Nội dung tương tác trong truyền thông đa phương tiện là đa chiều, trực tiếp do đáp ứng được tính chất thời gian thực – “real-time”. Nhu cầu thông tin và chia sẻ thông tin thể hiện rõ tính tương tác của thế hệ Z với tin tức báo chí trên các nền tảng công nghệ số hiện nay. Xu hướng phát triển các nền tảng di động đã tạo ra những nét đột phá trong thị trường báo chí truyền thông toàn cầu cũng như trong nước.
Theo số liệu thống kê mới nhất tháng 3/2024 của WeareSocial và Meltwater thì dân số Việt Nam hiện là 99,19 triệu người với độ tuổi trung bình 33, trong đó 37,6% dân số tương đương với 37,26 triệu người nằm trong độ tuổi từ 15 - 39, là độ tuổi đáp ứng các tiêu chí định nghĩa về thế hệ Z. Tuy nhiên, nếu mở rộng khái niệm thế hệ Z là thế hệ “công nghệ số” thì con số này sẽ lớn hơn rất nhiều, chiếm hơn nửa dân số, với 78,44 triệu người sử dụng internet và mạng xã hội.
Vì vậy, hiểu về công chúng thời đại số và hành vi của công chúng trên các nền tảng số trở thành một nhu cầu tất yếu của các cơ quan báo chí, nhà cung cấp nội dung cũng như nhà quản lý thông tin, báo chí tại Việt Nam. Hiểu về xu hướng tiêu thụ nội dung của thế hệ Z, cách nhóm công chúng này tương tác trên các nền tảng số, nhận biết được yếu tố ảnh hưởng đến sự tương tác sẽ giúp các cơ quan báo chí tìm ra giải pháp tăng cường tương tác giữa công chúng và tin tức trên các nền tảng báo chí, truyền thông số, qua đó tạo ra những giá trị bền vững cho cả cơ quan báo chí lẫn công chúng của báo chí nói chung.
TIN TỨC VỚI NHỮNG ĐỊNH DẠNG MỚI
Trong khảo sát gần đây của người viết tại 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Cần Thơ, Đà Nẵng và Đắk Lắk, có một số nhận định trong công chúng thế hệ Z cho rằng: nội dung tin tức trên các nền tảng không được thiết kế phù hợp với cách họ sử dụng nền tảng đó.
Có nghĩa là, thay vì thiết kế và đóng gói nội dung phù hợp với từng nền tảng chia sẻ (web, mobile, app…) thì các cơ quan báo chí thường “nhân bản” những nội dung này dựa trên nội dung gốc, rồi phát hành cùng một loại nội dung trên nhiều nền tảng khác nhau...
(*) TS.Nguyễn Đồng Anh, Phó Trưởng khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 25-2024 phát hành ngày 17/6/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/dong-goi-tin-tuc-cho-the-he-z-can-goc-nhin-va-suc-song-moi.htm