Đóng góp của nguồn vốn vay giải quyết việc làm ở Đông Hà
Một trong những giải pháp căn cơ để giải quyết việc làm được thành phố Đông Hà thực hiện trong thời gian qua là triển khai rộng rãi việc hỗ trợ vốn vay ưu đãi để lao động địa phương phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ nguồn vốn này, nhiều lao động đã có việc làm, thu nhập ổn định, đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo của địa phương.
Thông tin từ UBND thành phố Đông Hà cho biết, trong giai đoạn 2015 - 2020, địa phương có 1.444 lượt lao động được vay với tổng số tiền gần 24.050 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội là 10.800 triệu đồng, từ Quỹ quốc gia về việc làm 500 triệu đồng, từ ngân sách tỉnh là 9.950 triệu đồng và ngân sách thành phố là 2.800 triệu đồng. Với nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều lao động đã sử dụng vốn đúng mục đích, có thêm điều kiện để mở rộng, đa dạng hóa cây trồng, con nuôi; phát triển các loại hình kinh doanh, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, từ đó đảm bảo được việc làm, thu nhập.
Anh Nguyễn Văn Thông ở Khu phố 2, phường Đông Lương cho biết, từ một hộ gặp nhiều khó khăn, đến giữa năm 2020 gia đình anh đã bắt đầu thấy thoải mái hơn trong sinh hoạt hằng ngày. Có được điều này là nhờ năm 2019 anh tiếp cận được nguồn vốn 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua sắm máy móc phục vụ nghề mộc. Việc có thêm máy móc không chỉ giúp anh đỡ tốn công sức, đẩy nhanh tiến độ công việc mà còn nhận gia công được thêm nhiều sản phẩm để có thu nhập tốt hơn. “Số vốn vay dù không nhiều nhưng đây là động lực cơ bản để tôi vay mượn người thân, bạn bè thêm một ít nữa đầu tư cho công việc của mình. Với tình hình làm ăn như thế này, tôi cũng đang tính tới khả năng trả nợ trước hạn cho ngân hàng ”, anh Thông nói.
Chủ tịch UBND phường Đông Lương Nguyễn Chơn Thử cho biết, mấy năm qua, số lao động được tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm ở địa phương là khá nhiều và hầu hết những trường hợp này đều có được việc làm, thu nhập tốt hơn. Chỉ tính riêng trong năm 2020, Đông Lương có 19 trường hợp được vay vốn giải quyết việc làm với tổng số tiền 896 triệu đồng. “Có được kết quả này, địa phương chú trọng việc khảo sát, bình xét hoàn cảnh, nhu cầu, khả năng sử dụng nguồn vốn đảm bảo công khai, dân chủ, đúng quy định. Phân công cụ thể chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức, cá nhân trong triển khai, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện các chính sách, chương trình hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy hiệu quả nguồn vốn. Đối tượng vay thường là hộ nghèo nên nguồn vốn này là “cú hích” để kéo giảm nhanh tỉ lệ hộ nghèo của Đông Lương”, ông Thử cho biết thêm.
Để hỗ trợ tốt hơn cho lao động tiếp cận với nguồn lực giải quyết việc làm nhằm nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thành phố Đông Hà xây dựng Đề án hỗ trợ cho vay giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu của đề án là đẩy mạnh các nguồn vốn vay, tập trung vào các mô hình làm ăn có hiệu quả, đảm bảo giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, phấn đấu đến năm 2025 tạo việc làm mới cho trên 9.250 lao động, bình quân trên 1.850 lao động/năm... với tổng kinh phí dự kiến thực hiện là 88.000 triệu đồng, bình quân 17.600 triệu đồng/năm.
Để đạt được các mục tiêu này, Đông Hà xác định rõ nguồn vốn vay giải quyết việc làm đối với người lao động, vốn giải quyết việc làm đối với các cơ sở sản xuất - kinh doanh; cơ chế cho vay; tổ chức quản lý và sử dụng nguồn vốn. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nguồn vốn vay kịp thời đến với các đối tượng để giúp đối tượng nắm vững quy định, quy trình vay vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích và hiệu quả. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương để nâng cao chất lượng hoạt động cho vay, nhất là chương trình cho vay giải quyết việc làm đối với cơ sở sản xuất - kinh doanh, người lao động nhằm duy trì và mở rộng việc làm, tăng thu nhập hộ gia đình, đảm bảo an sinh xã hội; lồng ghép có hiệu quả chương trình khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công với hoạt động cho vay nhằm đảm bảo hiệu quả thiết thực nguồn vốn vay cũng như mục đích sử dụng nguồn vốn đối với hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng và quản lý nguồn vốn vay. Biểu dương, nhân rộng kịp thời các mô hình sử dụng nguồn vốn vay mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho nhiều lao động.