Đóng góp của thể thao Ninh Bình cho SEA Games 31
Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 đã khép lại. Nước chủ nhà Việt Nam đã có một kỳ SEA Games thành công ấn tượng. Đóng góp vào thành công chung đó có phần góp công không nhỏ của các tỉnh, thành phố, trong đó có Ninh Bình được ghi nhận ở nhiều phương diện, song nổi bật nhất là ở thành tích thi đấu của các vận động viên và công tác tổ chức thi đấu môn Karate.
Ở phương diện thứ nhất, thể thao thành tích cao Ninh Bình có một dấu ấn khá rõ nét. Ninh Bình có 15 vận động viên thi đấu ở nhiều môn: Bóng chuyền nam và nữ, Vật, Judo, Kurash, Cử tạ, Karate.
Trong đó bóng chuyền nam với 4 tuyển thủ: Cù Văn Hoàn, Trịnh Duy Phúc, Giang Văn Đức, Lâm Văn Sanh. Tuyển thủ Giang Văn Đức với kinh nghiệm thi đấu dày dặn đã được Ban huấn luyện đội tuyển bóng chuyền nam Quốc gia trao băng Đội trưởng.
Quá trình thi đấu của toàn đội đã chứng tỏ Giang Văn Đức phát huy tốt vai trò "thủ lĩnh tinh thần" của mình. Anh đã cùng đội bóng nam vượt qua những khó khăn nhất để vào đến trận chung kết và đem về tấm huy chương Bạc cho bóng chuyền nước nhà.
Ở một góc khác, tuyển thủ trẻ Trịnh Duy Phúc là một "libero" quan trọng của đội tuyển quốc gia. Vai trò của Phúc chính là "tấm lá chắn" bước một quan trọng ngăn đợt phát động tấn công ngay từ khâu phát bóng của đối phương.
Vận động viên Cù Văn Hoàn dù lần đầu lên tuyển quốc gia, đã thi đấu máu lửa, dũng cảm như một chiến binh thực sự, anh chỉ chịu rời sân khi gặp phải chấn thương lật cổ chân. Dù dính chấn thương trong trận chung kết, tinh thần thi đấu của Hoàn đáng để những người chơi thể thao ngưỡng mộ, vì tinh thần thể thao cao thượng, thi đấu hết mình, tất cả vì màu cờ sắc áo.
Bóng chuyền nam đã vậy, Bóng chuyền nữ cũng không chịu kém cạnh. Mặc dù đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia tham dự kỳ SEA Games 31 này không được đánh giá cao bởi sự vắng mặt của nhiều ngôi sao đã qua thời kỳ đỉnh cao nhưng dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên tài năng Thái Thanh Tùng, đội bóng vẫn gặt hái được thành tích đáng nể.
Đội đã bảo vệ thành công tấm huy chương bạc. Một thử thách khá khó khăn mà trước SEA Games 31, ngay cả những chuyên gia lạc quan nhất của bóng chuyền Việt Nam cũng không dám chắc tuyển nữ có thể làm được.
Và trong sự thành công đó, dấu ấn của "nhân tố Ninh Bình" khá rõ nét. Thứ nhất là vai trò quan trọng bậc nhất của nhà cầm quân Thái Thanh Tùng, huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia, người đồng thời là huấn luyện viên trưởng đội bóng nữ Ninh Bình Doveco.
Ngoài ra, đội nữ Ninh Bình còn đóng góp cho đội tuyển quốc gia nhiều gương mặt nổi bật về chuyên môn.
Một chủ công Bích Tuyền tài năng chơi nổi bật, người có thể thay đổi cục diện trận đấu ở những thời khắc khó khăn nhất. Một Nguyễn Thị Trinh "lá chắn thép" trên mành lưới, là một trụ cột của đội tuyển quốc gia.
Tuyển thủ Lưu Thị Huệ một trong những phụ công triển vọng nhất của bóng chuyền nữ Việt Nam. Lưu Thị Huệ được xem là "phụ công số 1 Việt Nam" ở thời điểm hiện tại và được mệnh danh là "Ngọc Hoa thứ 2 của làng bóng chuyền Việt Nam".
Đinh Thị Thúy được mệnh danh là "cỗ máy ghi điểm", cũng là nhân tố cực kỳ quan trọng không thể thiếu của đội tuyển quốc gia. Sự kết hợp ăn ý của 4 tuyển thủ này với phần còn lại của đội tuyển là chất kết dính quan trọng làm nên sức mạnh đoàn kết của đội tuyển quốc gia.
Và đây chính là mấu chốt của sức mạnh giúp thầy, trò ông Thái Thanh Tùng bảo vệ thành công chiếc huy chương bạc đầy khó khăn trước các đối thủ, trong một bối cảnh xét về mặt lực lượng của tuyển nữ tại SEA Games 31 không mấy thuận lợi.
Đô vật Hà Văn Hiếu mang về tấm huy chương vàng đầu tiên cho tỉnh nhà ở kỳ SEA Games 31.
Môn vật, cựu đô vật Hà Văn Hiếu đã để lại dấu ấn sâu đậm tại SEA Games 31 khi anh chứng tỏ mình là nhà vô địch tuyệt đối ở hạng cân siêu nặng 130kg.
Hiếu cũng lập kỷ lục khi là tuyển thủ vật 4 lần giành huy chương vàng SEA Games. Lần thi đấu này, anh đã giành huy chương vàng ở độ tuổi 37 - một kỷ lục khó có tuyển thủ nào có thể vượt qua.
Đô vật Hà Văn Hiếu đã chia tay SEA Games 31 trong hào quang và khi người yêu thể thao nhớ tới Hà Văn Hiếu, giới mộ điệu cũng không quên nhắc nhớ Ninh Bình là cái nôi nuôi dưỡng, là môi trường cho Hà Văn Hiếu phát triển tài năng của anh.
Thể thao Ninh Bình cũng đóng góp cho quốc gia hai tấm huy chương vàng môn Judo. Hai tấm huy chương quý giá được mang về bởi hai gương mặt Nguyễn Thị Thanh Thủy, Nguyễn Hoàng Thành.
Hai tài năng trẻ của đội tuyển Judo quốc gia, hai nhà vô địch đang chiếm lĩnh vị trí đỉnh cao của hạng cân nhẹ 52 kg nữ và dưới 55 kg nam.
Điểm đáng lưu ý là chiến thắng của Nguyễn Thị Thanh Thủy khá thuyết phục. Cô đã giành thắng lợi trước đối thủ được tập huấn kỹ càng bởi các chuyên gia đến từ Nhật Bản, quê hương sản sinh ra môn võ nổi tiếng này.
Judo là môn thể thao được đưa vào thi đấu ở Olympic, do vậy việc giành huy chương vàng ở bộ môn này khó khó khăn vì các quốc gia đều đầu tư, đào tạo môn thể thao này.
Và nếu so sánh ở đấu trường khu vực, Việt Nam cũng chưa hẳn đã giành ưu thế về môn Judo trước các đối thủ như Philippines, Thái Lan, Indonesia. Nói như vậy để thấy rằng các tuyển thủ Ninh Bình đã phải "Hao tâm, tổn lực" thế nào để có những tấm huy chương vàng đầy khó khăn, quý giá của Judo.
Ngoài 3 huy chương vàng, thể thao thành tích cao Ninh Bình còn đóng góp cho quốc gia 1 huy chương bạc, 3 huy chương đồng. Trong đó, Phạm Minh Đức, huy chương bạc ở nội dung Kata cá nhân; Nguyễn Thị Tuyết Hân, huy chương đồng môn Kurash, Đinh Xuân Hoàng, huy chương đồng Cử tạ và Giang Việt Anh, Lê Hồng Phúc, Phạm Minh Đức, giành 1 huy chương đồng Kata biểu diễn quyền tập thể.
Như vậy, nếu tính cả 2 tấm huy chương bạc của bóng chuyền nam và nữ mà các tuyển thủ Ninh Bình góp phần quan trọng giành được, thì trong toàn bộ SEA Games 31 thể thao thành tích cao Ninh Bình đã đóng góp cho quốc gia 3 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, 3 huy chương đồng.
Chín tấm huy chương trên tổng số 15 vận động viên dự SEA Games 31 là một con số nói lên nhiều điều.
Ở phương diện thứ hai, thể thao Ninh Bình cũng ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế với vai trò là địa phương đăng cai thi đấu môn Karate trong khuôn khổ đại hội Thể thao Đông Nam Á.
Giải đấu đã thành công trên nhiều mặt: từ công tác chuyên môn, y tế, hậu cần, lễ tân, thông tin tuyên truyền, an ninh trật tự...
Trong những ngày diễn ra SEA Games 31, tỉnh Ninh Bình đã chứng tỏ là địa phương có năng lực tổ chức một cách chuyên nghiệp giải đấu theo quy chuẩn quốc tế.
Quang cảnh bên trong nhà thi đấu nơi diễn ra bộ môn karate.
Hơn thế tỉnh Ninh Bình còn chứng tỏ cho với bạn bè khu vực về một hình ảnh vùng đất và con người Ninh Bình thanh lịch, thân thiện, hiếu khách. Những bạn bè, quan chức thể thao, các vận động viên, huấn luyện viên đều thể hiện sự hài lòng, ấn tượng trước sự chu đáo, trọng thị của địa phương đăng cai tổ chức thi đấu môn Karate.
Qua giải đấu đã góp phần quảng bá hình ảnh của Ninh Bình ra với bạn bè quốc tế. Một cơ hội tuyệt vời "có một không hai" mà chỉ có thể thao mới đủ sức mang lại.