Đóng góp hữu ích nâng cao chất lượng sách giáo khoa

Chiều 27/12, Báo Hà Nội Mới tổ chức tọa đàm 'Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đồng hành cùng các trường nâng cao chất lượng giảng dạy'.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Giới thiệu mục đích, ý nghĩa, yêu cầu và những nội dung chính của cuộc tọa đàm, ông Lại Bá Hà - Phó Tổng Biên tập Báo Hà Nội Mới đánh giá cao vai trò của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong công tác biên soạn, tổ chức tập huấn và phát hành sách giáo khoa cho các trường học thời gian qua.

Ông Lại Bá Hà mong muốn thông qua ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà giáo…, chương trình tọa đàm sẽ góp phần làm rõ các nội dung, đề xuất các giải pháp hữu ích để Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tiếp tục phát huy hiệu quả trong hành trình cùng các trường nâng cao chất lượng giảng dạy.

Đề cập đến vai trò, đóng góp của các nhà xuất bản đối với sự thành công của chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa hiện nay, ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - cho biết: Xã hội hóa sách giáo khoa là chủ trương và nhiệm vụ lớn, không dễ hoàn thành.

Trước đây, cả nước chỉ làm một bộ sách giáo khoa, nhưng khi xã hội hóa với nhiều bộ sách giáo khoa thì lượng công việc rất lớn. Lúc này, nhà xuất bản sẽ thực hiện hầu hết các công đoạn, như: Thẩm định, tổng hợp, biên tập, thiết kế, in ấn, phát hành…

Thêm vào đó, tiến độ đổi mới sách giáo khoa cũng nhanh, nếu không có các nhà xuất bản có tính chuyên nghiệp cao, tiềm lực về mọi mặt thì không thể làm được các bộ sách giáo khoa xã hội hóa.

 Ông Nguyễn Văn Tùng chia sẻ tại tọa đàm.

Ông Nguyễn Văn Tùng chia sẻ tại tọa đàm.

 Chia sẻ tại tọa đàm.

Chia sẻ tại tọa đàm.

Ông Tùng cho biết, hiện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có 985 tác giả, trong đó có 224 tổng chủ biên và chủ biên. Trong số các tác giả này, có rất nhiều nhà khoa học, nhà giáo được đào tạo bài bản. Ngoài ra, việc đầu tư sách giáo khoa cần nguồn kinh phí rất lớn, lên đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc hiện đại.

Chia sẻ về giải pháp nhằm bảo đảm mọi học sinh được tiếp cận đủ, đúng thời gian và đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ông Nguyễn Văn Tùng cho biết, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có sự điều chỉnh theo hướng giảm giá thành nhưng vẫn bảo đảm chất lượng các cuốn sách.

Với góc độ người tiếp cận và sử dụng trực tiếp sách giáo khoa, cô Lê Thu Thủy, giáo viên Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) cho rằng, việc sử dụng, khai thác sách giáo khoa hiệu quả là trăn trở của cả nhà xuất bản, nhà trường và giáo viên, bởi nó liên quan trực tiếp tới chất lượng học tập của học sinh.

 Cô Lê Thu Thủy, giáo viên Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ tại tọa đàm.

Cô Lê Thu Thủy, giáo viên Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ tại tọa đàm.

 Cô Nguyễn Nguyệt Nga, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Việt Đức chia sẻ tại tọa đàm.

Cô Nguyễn Nguyệt Nga, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Việt Đức chia sẻ tại tọa đàm.

Mỗi thầy cô cần hướng dẫn, hỗ trợ học sinh, tổ chức các hoạt động để các em khai thác, tìm hiểu nội dung trong sách tốt nhất, biến sách giáo khoa thực sự thành người bạn đồng hành trong quá trình tiếp nhận tri thức của mỗi em.

Còn cô Nguyễn Nguyệt Nga, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Việt Đức đánh giá, mỗi bộ sách giáo khoa đều có ưu điểm riêng. Để sử dụng bộ sách giáo khoa một cách hiệu quả, sự đồng hành của giáo viên rất cần thiết. Việc thiết kế hệ thống câu hỏi cần bám sát yêu cầu của chương trình phổ thông 2018.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Vũ Nam Sơn, chuyên viên Phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho hay: Từ khi bắt đầu triển khai chương trình năm 2018 đến nay, các bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam luôn được tin tưởng lựa chọn. Bên cạnh đó, ông Sơn mong triển khai thêm hệ thống sách tham khảo, giúp đa dạng nguồn học liệu cho học sinh ôn luyện.

Sau hơn 2 giờ thảo luận sôi nổi, tọa đàm đã kết thúc với rất nhiều thông tin, đóng góp hữu ích nhằm nâng cao chất lượng sách giáo khoa, phục vụ việc dạy học tốt hơn. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đánh giá cao các ý kiến góp ý nhiều chiều, đậm tính thực tiễn của các thầy, cô giáo đang trực tiếp giảng dạy tại buổi tọa đàm.

Vân Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dong-gop-huu-ich-nang-cao-chat-luong-sach-giao-khoa-post713816.html