Đóng góp một tiếng nói định vị bản sắc tộc người

Là một trong chín nhà khoa học trẻ xuất sắc nhận Giải thưởng Khuê Văn Các lần thứ nhất năm 2024 - giải thưởng tôn vinh các nhà khoa học từ 35 tuổi trở xuống, hoạt động trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, TS. Lý Viết Trường nói: 'Tôi tin rằng những nghiên cứu của mình chính là tiếng nói, là một đóng góp trong việc định vị bản sắc tộc người trong bối cảnh hội nhập hiện nay…'

Cơ duyên nào để anh gắn bó với nghiên cứu khoa học khi còn là sinh viên?

Trước khi thi đỗ vào khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, tôi chưa hề biết một chút gì về khái niệm nghiên cứu khoa học. Trong học kỳ đầu tiên năm nhất, ở môn học “Lịch sử Việt Nam cổ - trung đại”, giảng viên TS. Đỗ Thị Thùy Lan đã cho cả lớp tham quan một buổi trưng bày về cổ vật Việt Nam. Tại đây tôi đã gặp một nhà khảo cổ đáng kính là PGS-TS-NGND. Hoàng Văn Khoán. Sau đó tôi cùng một vài bạn thường xuyên lui tới nhà thầy Khoán để nghe giảng về lịch sử Việt Nam, về khảo cổ học, văn hóa Việt Nam…

Bước sang năm hai, thầy Khoán bảo tôi đại ý rằng em là người Nùng, văn hóa dân tộc Nùng rất đặc sắc, mà các học giả dân tộc Nùng thì rất ít, vậy nên thầy khuyên em nên tìm hiểu và nghiên cứu về chính dân tộc mình.

TS. Lý Viết Trường đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Quảng Tây, Trung Quốc. Ảnh: TLNV

TS. Lý Viết Trường đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Quảng Tây, Trung Quốc. Ảnh: TLNV

Tôi nghe thầy, tìm đọc tài liệu về các dân tộc Nùng và Tày, rồi tôi đọc được cuốn sách Dân tộc Nùng ở Việt Nam của GS-TS. Hoàng Nam. Sau đó tôi được biết thầy Nam cũng là người Nùng cùng quê Lạng Sơn với tôi, nhà thầy ở ngay cổng sau ký túc xá Mễ Trì. Với sự thôi thúc tìm hiểu văn hóa dân tộc Nùng, tôi mạnh dạn đến nhà thầy Nam xin gặp để nhờ thầy giúp đỡ gợi mở trong nghiên cứu.

Từ đó tôi chính thức bước vào con đường nghiên cứu về các dân tộc Nùng và Tày, với bài nghiên cứu khoa học sinh viên năm hai về chủ đề “Tục thờ Thổ công của người Nùng ở Cao Lộc, Lạng Sơn”. Năm thứ ba đại học (năm 2015), bài báo đầu tiên của tôi Tục lấy nước Tết nguyên đán của người Tày, Nùng Lạng Sơn đã được đăng trên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật...

Sinh ra và lớn lên ở một không gian văn hóa Tày - Nùng đặc trưng như Lạng Sơn có phải là một trong những động lực khiến anh chọn văn hóa tộc người này là hướng nghiên cứu chính? Anh có thể chia sẻ câu chuyện nào trong hành trình nghiên cứu mà anh tự hào hoặc xúc động nhất?

Tôi từ nhỏ đã tắm mình trong không gian văn hóa Nùng và Tày. Sau này tôi được gặp các nhà nghiên cứu người Nùng và Tày, đọc các nghiên cứu khoa học về hai dân tộc này, thấy bản thân mình cần có trách nhiệm với văn hóa mẹ đẻ, vậy nên tôi đã quyết định nghiên cứu về dân tộc mình.

Trong hành trình nghiên cứu khoảng 10 năm qua, tôi đã đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người. Trong hành trình đó có rất nhiều câu chuyện, kỷ niệm đáng nhớ, tuy nhiên đáng nhớ nhất phải nói đến là tình cảm của những người dân chân chất mộc mạc. Quá trình thực hiện khóa luận tốt nghiệp đại học, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ tôi đã gặp gỡ rất nhiều người cao niên, họ là những trí thức có uy tín trong cộng đồng. Tôi học được từ họ rất nhiều, từ tri thức dân gian, phong tục tập quán, cách đối nhân xử thế… Nhiều người coi tôi như con, tôi coi họ như ông bà, bố mẹ.

Nhưng xót xa nhất, đó là thời gian trôi qua, lâu lâu tôi lại nhận được tin từ gia đình các cụ báo cụ vừa mất. Cứ mỗi khi nhận tin, những hình ảnh về người ra đi, những lời nói, câu chuyện kể, những bữa cơm… giữa tôi và cụ lại hiện lên. Và bao giờ tôi cũng cố gắng sắp xếp để đến viếng, coi như một lời tri ân đối với những người đã khuất.

Người Tày hát then trong trang phục truyền thống. Ảnh CTV

Người Tày hát then trong trang phục truyền thống. Ảnh CTV

Anh tâm đắc điều gì khi nghiên cứu văn hóa Tày - Nùng nói riêng, cũng như văn hóa vùng biên giới Việt - Trung nói chung?

Tôi tâm đắc nhất là những công trình nghiên cứu về di sản văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc Nùng và Tày. Đọc lại những nghiên cứu đã công bố của mình, tôi thấy một bức tranh văn hóa dân tộc Nùng, Tày hiện ra khá đầy đủ, đó là niềm tự hào của một nhà nghiên cứu.

Tôi tin rằng những nghiên cứu của mình chính là tiếng nói, là một đóng góp trong việc định vị bản sắc tộc người trong bối cảnh hội nhập hiện nay, rằng người Nùng vẫn đang tồn tại như thế này. Tôi cũng hy vọng những nghiên cứu của mình sẽ hữu ích với cộng đồng khoa học, nhất là những nhà nghiên cứu dân tộc học nói chung và dân tộc Nùng, Tày nói riêng.

Một vấn đề đặt ra khi nghiên cứu văn hóa các tộc người là họ đang phải đối diện với bối cảnh đương đại và quá trình toàn cầu hóa. Theo anh, văn hóa truyền thống của cộng đồng người Tày, Nùng có thể thích ứng ra sao với đời sống hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc? Những sáng tạo nào từ văn hóa này có thể được ứng dụng hoặc phổ biến rộng hơn trong xã hội ngày nay?

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội phát triển, đất nước hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, cộng đồng người Nùng và Tày vẫn giữ được giá trị bản sắc truyền thống, định vị được mình là ai. Ví dụ như khoảng đầu thế kỷ XXI đến những năm 2010, quần áo truyền thống của người Nùng ngày càng ít người mặc, nhưng hơn 10 năm trở lại đây phong trào mặc trang phục truyền thống trở nên rầm rộ. Người trẻ mặc trang phục truyền thống vào các dịp lễ Tết, hội hè với niềm tin, niềm tự hào, khẳng định mình là người Nùng, không chút e dè.

Không những vậy, sự hồi sinh văn hóa còn thể hiện ở loại hình nghệ thuật diễn xướng sli của người Nùng Phàn Slình. Từ một làn điệu dân ca cổ truyền, từng trải qua thời gian vắng bóng do những biến đổi kinh tế xã hội, nay đã tái sinh trong rất nhiều lễ hội mùa xuân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, là dịp để người Nùng Phàn Slình khắp nơi tụ về để hát sli. Thậm chí, người dân còn đăng video clip lên YouTube để lan tỏa nghệ thuật này.

Là một người trẻ, lại lựa chọn học thuật, một lĩnh vực đề cao sự tích lũy tri thức và kinh nghiệm, không thể không tránh khỏi tình huống “kính nhi viễn chi”, điều gì giúp anh có thể thích nghi, vượt qua và phát triển khẳng định bản thân mình?

Làm nghiên cứu khoa học, đặc biệt lại là khoa học xã hội và nhân văn trong bối cảnh hiện nay là vô cùng khó khăn, khó từ vật chất đến tinh thần. Vậy nên để lựa chọn, dám dấn thân theo nghiệp nghiên cứu cần phải có sự dũng cảm, chấp nhận vất vả và phải có đam mê. Có đam mê để say mê tìm tòi, dũng cảm để đối mặt với khó khăn thử thách, chịu hy sinh để vượt qua những khó khăn về mặt vật chất. Làm nghiên cứu vất vả, nhất là với những người sinh ra ở vùng quê nghèo như tôi, để mua được nhà ở Hà Nội là cả một vấn đề, nhưng nếu chỉ nhìn vào đó thì khó làm được gì hơn, vậy nên cần phải có thêm cái nhìn lạc quan vào cuộc sống.

Vấn đề “kính nhi viễn chi” là có, tuy nhiên nếu có cái nhìn khác đi, thì cũng sẽ vượt qua. Như câu chuyện kỷ niệm tôi đã chia sẻ về thầy Hoàng Văn Khoán, thầy Hoàng Nam, thì chính nghiên cứu là cầu nối giúp thế hệ trẻ rút gọn khoảng cách, đến gần hơn với những học giả kỳ cựu trong lĩnh vực của mình.

Một công trình nghiên cứu của TS. Lý Viết Trường.

Một công trình nghiên cứu của TS. Lý Viết Trường.

Có ý kiến cho rằng các chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn như nhân học, văn hóa học, tâm lý học không còn hấp dẫn bởi nhu cầu thị trường và đặc thù của đầu ra theo hướng tinh hoa thay vì đại chúng. Anh có lời khuyên nào dành cho những bạn trẻ muốn dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn không?

Xã hội tồn tại cần phải có sự hài hòa giữa các chiều cạnh, có thể lúc này lúc nọ sẽ có mảng này mảng kia thăng trầm, nhưng dù thăng hay trầm thì cuối cùng để tồn tại vẫn phải có đủ cả. Nhìn sâu hơn, nếu xã hội thiếu đi những người nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, thì liệu xã hội còn tồn tại được đúng theo trật tự của nó hay không? Vậy nên dù là lúc khó khăn nhất thì khoa học xã hội nhân văn vẫn sẽ tồn tại.

Và tất nhiên, khó khăn nào rồi cũng sẽ qua đi. Khi giai đoạn khó khăn này qua đi thì chắc chắn giai đoạn mới sẽ đến, lúc đó khoa học xã hội nhân văn sẽ được trọng vọng. Vậy nên nếu có đam mê thì hãy cứ dấn thân, đừng ngần ngại, làm gì cũng vậy, khổ tận cam lai, có niềm tin và cố gắng thì chắc chắn sẽ đến ngày hái quả ngọt.

Xin cảm ơn anh!

Lý Viết Trường (sinh năm 1994) hiện là nghiên cứu viên của Phòng nghiên cứu Khu vực học, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển - Đại học Quốc gia Hà Nội. Tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Dân tộc Quảng Tây (Trung Quốc), đến nay Lý Viết Trường đã có hơn 30 công trình khoa học với 10 đầu sách, hơn 20 bài đăng trên các tạp chí và kỷ yếu hội thảo quốc tế, quốc gia.

TS. Lý Viết Trường là một trong 9 nhà khoa học trẻ xuất sắc trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nhận Giải thưởng Khuê Văn Các lần thứ nhất năm 2024 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, bởi các công trình nghiên cứu về văn hóa các dân tộc Tày, Nùng cũng như vùng biên giới Việt - Trung.

Trang Ngọc

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/dong-gop-mot-tieng-noi-dinh-vi-ban-sac-toc-nguoi-46361.html