Đóng góp nổi bật của đồng chí Nguyễn Lương Bằng trong xây dựng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng là một chiến sỹ cộng sản kiên cường, nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng của Đảng và Nhà nước ta, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Một trong những đóng góp nổi bật của đồng chí là trong tham gia xây dựng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng (ở giữa). (Ảnh tư liệu)

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng (ở giữa). (Ảnh tư liệu)

THAM GIA LÃNH ĐẠO TỔNG KHỞI NGHĨA VÀ XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

Sau Hội nghị toàn quốc của Đảng (ngày 13 - 15/8/1945) diễn ra tại Tân Trào (Tuyên Quang), ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân tiến hành họp tại Tân Trào. Đại hội đã chủ trương lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền từ tay Nhật trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Đại hội đã bầu Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam do lãnh tụ Hồ Chí Minh đứng đầu với 15 thành viên. Ủy ban làm việc như Chính phủ Lâm thời. Ban Thường trực của Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam gồm 5 thành viên: Hồ Chí Minh, Nguyễn Lương Bằng, Phạm Văn Đồng, Trần Huy Liệu và Dương Đức Hiền.

Sau Đại hội Quốc dân Tân Trào, tin tức dồn dập đưa về: Hà Nội đã khởi nghĩa giành chính quyền (19/8/1945), vua Bảo Đại đánh điện mời đại biểu Chính phủ Lâm thời vào Huế để nhận thoái vị. Trung ương Đảng đã cử ngay một phái đoàn vào Huế gồm 3 người Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận(1) do Trần Huy Liệu làm trưởng đoàn vào Huế. Đoàn đã thay mặt Chính phủ lâm thời tuyên bố xóa bỏ chế độ quân chủ trên đất nước Việt Nam.

Theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 28/8/1945, Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam đổi thành Chính phủ lâm thời. Thực hiện theo chính sách đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh, trước khi Chính phủ lâm thời ra mắt đồng bào Thủ đô, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã xin rút khỏi Ban thường trực Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, để nhường chỗ cho các nhân sĩ, trí thức yêu nước tham gia Chính phủ Lâm thời. Đánh giá về hành động cao cả này của Nguyễn Lương Bằng và một số thành viên khác trong Ủy ban dân tộc giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân. Đó là một cử chỉ đáng khen, đáng kính mà chúng ta phải học"(2).

Hoàn thành nhiệm vụ ở Huế, đồng chí Nguyễn Lương Bằng trở về Hà Nội, tham dự lễ Tuyên bố độc lập, thay mặt Tổng bộ Việt Minh hô hào quốc dân đồng bào quyết tâm giữ vững nền độc lập dân tộc. Sau đó, đồng chí được giao nhiệm vụ đặc biệt bảo vệ và giúp việc Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện các nhiệm vụ chuẩn bị cơ sở vật chất cho hoạt động của Trung ương Đảng, Chính phủ, đảm bảo thông tin liên lạc trong nước và quốc tế kịp thời, rồi tiến hành di chuyển các cơ quan Trung ương rời khỏi nội thành ra chiến khu Việt Bắc an toàn.

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người tham gia sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người tham gia sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

ĐẢM NHẬN NHIỀU CHỨC VỤ QUAN TRỌNG

Giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn quyết liệt, ngày 6/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, Sắc lệnh số 16/SL bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Trên cương vị Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam giai đoạn "khai sơn, phá thạch", đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã có những đóng góp rất lớn trong xây dựng bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ cũng như quy chế hoạt động của ngân hàng. Từ cơ sở ban đầu là nhà sàn mượn của một gia đình đồng bào dân tộc với mấy chục cán bộ chưa có kiến thức, kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực này, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã lãnh đạo, tổ chức Ngân hàng Quốc gia Việt Nam thành hệ thống gồm 3 cấp quản lý: Cấp Trung ương, cấp liên khu, cấp tỉnh, trong đó ngân hàng tỉnh, thành phố là đơn vị cơ sở; dưới tỉnh là phòng giao dịch đặt ở các huyện. Để đào tạo cán bộ, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã tổ chức các lớp huấn luyện, đào tạo nghiệp vụ; đề cao việc giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho cán bộ, đảng viên làm công tác ngân hàng; xây dựng kho tàng; bảo quản tiền bạc; xây dựng các chế độ công tác, bảo đảm hoạt động chặt chẽ của ngân hàng. Đồng chí cũng chỉ đạo Ngân hàng Quốc gia thực hiện nhiều quyết sách hiệu quả, tăng cường tiềm lực kinh tế cho cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền thiêng liêng của đất nước.

Tháng 3/1952, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tin tưởng cử làm Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Liên Xô. Lên đường sang Liên Xô nhận nhiệm vụ trọng đại mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước tin tưởng giao phó, đồng chí Nguyễn Lương Bằng cùng đoàn cán bộ ngoại giao đã bắt tay vào việc tổ chức cơ quan Đại sứ quán đầu tiên của nước ta tại Liên Xô. Vượt qua những khó khăn ban đầu, đồng chí Nguyễn Lương Bằng cùng cán bộ, nhân viên Đại sứ đã hết sức cố gắng trong các hoạt động nhằm xây dựng mối quan hệ thiện cảm, tốt đẹp với Chính phủ và nhân dân Xô viết, làm cho các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô hiểu được cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, ủng hộ và giúp đỡ nhân dân Việt Nam chống xâm lược. Từ những hoạt động thiết thực và thường xuyên của Đại sứ Việt Nam, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Lương Bằng(3), từng bước, Đảng và Nhà nước Liên Xô đã có sự thay đổi thái độ trong quan hệ đối với Việt Nam theo chiều hướng ngày càng ủng hộ tích cực đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Chính phủ Liên Xô đã thỏa thuận viện trợ một phần vũ khí, đạn dược cho Việt Nam thông qua Chính phủ Trung Quốc. Đồng thời, tiếp nhận và cấp kinh phí đào tạo cho một số sinh viên, cán bộ Việt Nam sang học tập tại Liên Xô. Mặt khác, Liên Xô còn cử một số phóng viên báo, ảnh sang Việt Nam để viết bài, đưa tin về cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Trong quan hệ với Pháp, Chính phủ Liên Xô cũng tỏ rõ lập trường phản đối cuộc chiến tranh mà Pháp đang tiến hành ở Đông Dương, rồi đề nghị Chính phủ Pháp rút hết quân đội ra khỏi chiến trường Việt Nam và Đông Dương. Liên Xô cũng đã đề nghị năm nước lớn gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô và Trung Quốc họp Hội nghị để tìm giải pháp giảm căng thẳng ở Viễn Đông. Sau đó Liên Xô tích cực ủng hộ lập trường của Việt Nam trong quá trình họp Hội nghị Giơnevơ (1954) về lập lại hòa bình ở Việt Nam. Khi Việt Nam bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, hoạt động tích cực của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô đã góp phần đem lại Hiệp định cấp nhà nước do Liên Xô ký kết viện trợ kinh tế, kỹ thuật cho Việt Nam. Đồng thời Đảng, Chính phủ Liên Xô đã gửi giúp đỡ Việt Nam một số tàu kỹ thuật, xây dựng đường sắt, thiết kế, khôi phục, mở rộng các mỏ than, các nhà máy công nghiệp… Bên cạnh việc thiết lập, mở rộng quan hệ ngoại giao với Liên Xô, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã tiến hành nhiều hoạt động nhằm xây dựng quan hệ tốt với Sứ quán của các nước châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh ở Liên Xô và thực hiện các nhiệm vụ xác lập tăng cường quan hệ với các tổ chức quốc tế.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngoại giao, tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II), đồng chí Nguyễn Lương Bằng được bổ sung vào Ban Kiểm tra Trung ương, là Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương. Ngày 28/3/1956, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký sắc lệnh số 261/SL thành lập Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ. Ngày 25/4/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 263/SL bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Tổng Thanh tra Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ. Vừa đảm nhiệm cương vị Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương của Đảng kiêm Tổng Thanh tra của Chính phủ, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã có những đóng góp quan trọng vào việc xây dựng nền móng cho ngành Thanh tra trên các phương diện từ tổ chức bộ máy và hoạt động, đề ra nguyên tắc và lề lối làm việc, đội ngũ cán bộ, trong đó chú trọng việc rèn luyện ý thức kỷ luật và đạo đức cách mạng cho thanh tra, kiểm tra. Đồng chí đã chỉ đạo, tổ chức công tác kiểm tra, các cuộc thanh tra, các vụ xét khiếu tố, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi công cuộc khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa. Kết quả và những kiến nghị của các cuộc kiểm tra, thanh tra đã giúp Đảng và Chính phủ có chính sách sát hợp hơn đối với các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đối với việc quản lý cán bộ, hạn chế những tiêu cực, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

NHỮNG ĐÓNG GÓP NỔI BẬT TRONG XÂY DỰNG KIỆN TOÀN NHÀ NƯỚC

Hàng đầu từ trái sang: đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Tướng Phạm Kiệt và Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu)

Hàng đầu từ trái sang: đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Tướng Phạm Kiệt và Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu)

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, ngày 22/9/1969, tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa III đã tiến hành bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng được bầu là Phó Chủ tịch nước. Trên cương vị Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1969-1975), đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã có những đóng góp nổi bật trong xây dựng kiện toàn nhà nước, chăm lo phát triển lực lượng vũ trang, phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân; trong công tác xây dựng Đảng và hoạt động đối ngoại

Đóng góp trong xây dựng, kiện toàn bộ máy nhà nước, chăm lo xây dựng phát triển lực lượng vũ trang, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân

Ngay trong năm đầu tiên đảm nhiệm cương vị được giao, căn cứ theo Hiến pháp nhà nước, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã cùng Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng công bố nhiều pháp lệnh của Nhà nước (Pháp lệnh đặt các danh hiệu vinh dự Nhà nước: Anh hùng lao động và anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân; Pháp lệnh sửa đổi và bổ sung pháp lệnh quy định cụ thể về tổ chức Viện kiểm sát nhân dân tối cao ngày 16/4/1962; Pháp lệnh trừng trị các tội phạm xâm phạm tài sản riêng của công dân….(4)); Ký các lệnh bổ nhiệm nhằm kiện toàn bộ máy nhà nước (bổ nhiệm Thủ tướng và các thành viên trong Hội đồng Chính phủ, Phó Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng Quốc phòng. Tiêu biểu như bổ nhiệm đồng chí Phạm Văn Đồng giữ chức Thủ tướng Chính phủ; Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và các ủy viên Hội đồng Quốc phòng; Đồng chí Hoàng Anh giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp Trung ương…(5)

Trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang diễn ra quyết liệt, mọi hoạt động của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng đều tập trung vào mục tiêu cao nhất là xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đồng chí đặc biệt quan tâm, chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang. Tháng 2/1970, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng đã đến thăm Học viện Quân sự và Học viện Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam. Nói chuyện với các cán bộ, giáo viên, học viên của hai học viện, Phó Chủ tịch nước khẳng định đội ngũ cán bộ quân đội có phẩm chất đạo đức cách mạng, có năng lực hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao là vốn quý của Đảng, là kết quả công lao chăm sóc, rèn luyện của Đảng và Bác Hồ. Đồng chí nhắc nhở cán bộ và đảng viên trong quân đội phải phát huy mạnh mẽ tinh thần quyết chiến, quyết thắng, tăng cường đoàn kết, ra sức học tập đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị của Bác Hồ, giữ gìn Đảng ta, quân đội ta thật trong sạch và xứng đáng là học trò, là người kế tục sự nghiệp của Bác Hồ(6). Những chuyến đi thị sát, thăm hỏi cán bộ, chiến sỹ quân đội đặc biệt là những lời căn dặn của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng là nguồn động viên, cổ vũ rất lớn đối với lực lượng vũ trang góp phần tăng thêm quyết tâm thực hiện trọn vẹn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá ác liệt bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước kiên quyết chỉ đạo quân, dân miền Bắc quyết tâm đập tan âm mưu của đế quốc Mỹ. Đồng chí cũng trực tiếp đến những nơi bom đạn Mỹ tàn phá để thăm hỏi, động viên đồng bào, chiến sĩ.

Cùng với việc chăm lo lực lượng vũ trang, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng còn dành nhiều thời gian xuống các địa phương kiểm tra, nắm bắt tình hình kinh tế, xã hội, cách thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền nhất là đời sống nhân dân các địa phương(7). Đồng bào, cán bộ, chiến sỹ ở các địa phương được gặp và làm việc với Phó Chủ tịch nước đều có chung cảm nhận ở đồng chí đạo đức và phong cách của một nhà lãnh đạo sâu sát thực tế, gần gũi với nhân dân, quan tâm, thương yêu nhân dân và rất mực trong sáng, giản dị.

Đóng góp trong công tác xây dựng Đảng

Trên cương vị Phó Chủ tịch nước, đồng thời đảm nhiệm chức trách người đứng đầu Ủy Ban Kiểm tra Trung ương Đảng, trong các hoạt động của mình, đồng chí Nguyễn Lương Bằng luôn nỗ lực góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đồng chí xác định rõ: “Công tác xây dựng là một nhiệm vụ rất to lớn, rất quan trọng trong toàn Đảng. Nói đến xây dựng Đảng là nói đến xây dựng tổ chức và xây dựng con người. Xây dựng tổ chức và xây dựng con người có quan hệ chặt chẽ với nhau. Xây dựng tổ chức tốt, vững mạnh tạo điều kiện cho việc xây dựng con người được thuận lợi. Ngược lại, xây dựng con người tốt làm cho tổ chức được trong sạch vững mạnh”(8). Trong điều kiện Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, đồng chí cho rằng, công tác xây dựng Đảng được thực hiện tốt thì sẽ tác động tốt đến toàn bộ máy nhà nước cũng như các đoàn thể quần chúng và sẽ có tác dụng thúc đẩy mọi nhiệm vụ chính trị của Đảng(9).

Đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đọc Diễn văn tại kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng.

Đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đọc Diễn văn tại kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng.

Hội nghị lần thứ 23 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10 năm 1974, đồng chí đã phát biểu khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là tuyệt đối, toàn diện … không thể thiếu được(10), thành tựu của Đảng thể hiện rõ: “Một là, Đảng đã coi trọng việc tuyên truyền giáo dục trong toàn Đảng, toàn dân về nhiệm vụ cách mạng, về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, vì thế nên đã phát động được khí thế cách mạng sôi nổi của quần chúng hoàn thành mọi nhiệm vụ Đảng đề ra. Hai là, Đảng đã xây dựng được tổ chức cơ sở Đảng rộng khắp các lĩnh vực, các địa phương, có hệ thống tổ chức Đảng vững mạnh từ trên xuống dưới, xây dựng được bộ máy chính quyền và tổ chức quần chúng cách mạng ở các cấp, có khả năng thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ của Đảng đề ra. Đảng cũng xây dựng được đội ngũ cán bộ đông đảo và có chất lượng tốt, trung thành với cách mạng, tận tụy thực hiện mọi chủ trương của Đảng. Ba là, Đảng đã xây dựng được nền nếp, giữ gìn kỷ luật trong Đảng, bảo đảm thống nhất về nguyên tắc, tập trung dân chủ, đoàn kết nhất trí, đảm bảo cho Đảng được trong sạch về chính trị, vững mạnh về tổ chức, lành mạnh về tư tưởng và đạo đức, phẩm chất cách mạng”(11).

Với tinh thần cách mạng triệt để, thẳng thắn và xây dựng, bên cạnh việc khẳng định những mặt mạnh, đồng chí còn chỉ ra một số hạn chế của công tác xây dựng Đảng như vấn đề phương hướng giai cấp chưa được nhận thức rõ và vận dụng lúng túng…; phương hướng xây dựng Đảng toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức có lúc nhấn mạnh mặt này, coi nhẹ mặt khác, nhận thức nội dung của từng mặt và mối quan hệ giữa các mặt với nhau không rõ, xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng chưa được coi trọng đúng mức,…; về vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng trên mọi lĩnh vực hoạt động, nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy Đảng không được nhận thức đầy đủ, tổ chức thực hiện còn nhiều lúng túng,…; về mối quan hệ công tác, lề lối làm việc của các cấp ủy, các cơ quan chuyên môn giúp việc cấp ủy còn nhiều hiện tượng chuệch choạc, chưa có nền nếp, thường xảy ra vấp váp,…. Theo đồng chí, nguyên nhân có thể muôn màu muôn vẻ, nhưng “xét đến cùng là do: về bản thân cá nhân đảng viên thì trình độ giác ngộ còn thấp, tự rèn luyện mình còn yếu; về mặt tổ chức, thì việc giáo dục, bồi dưỡng, quản lý đảng viên chưa chặt chẽ, kỷ luật chưa nghiêm”(12). Từ đó, Phó Chủ tịch nước, Nguyễn Lương Bằng đề xuất những giải pháp nhằm xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, chủ yếu tập trung vào hai nội dung lớn: Một là, xây dựng con người: “Phải không ngừng nâng cao chất lượng của cán bộ, đảng viên về mọi mặt: chính trị, tư tưởng, năng lực nghiệp vụ, đạo đức phẩm chất”. Hai là, về xây dựng tổ chức: Phải coi trọng kiện toàn bộ máy tổ chức Đảng, bộ máy Nhà nước và các tổ chức quân chúng; đồng thời cải tiến lề lối làm việc của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức quần chúng, đặc biệt, định kỳ cấp ủy các cấp nghe các ban chuyên môn báo cáo về công tác xây dựng Đảng và mọi hoạt động phải có sơ kết, tổng kết(13). Quan điểm của đồng chí thể hiện tầm nhìn chiến lược, phù hợp với tình hình thực tiễn của công tác xây dựng Đảng ở nước ta, nhất quán với quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong phương hướng xây dựng Đảng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã nhiều lần dẫn lời của Hồ Chí Minh, quán triệt trong hoạt động thực tiễn nhằm xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Đồng chí cũng là người luôn luôn học tập và thực hành theo tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh trong công việc và cuộc sống đời thường.

Sau khi nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch nước, đồng chí đã từ chối những tiêu chuẩn như: thay ô tô mới, đổi nhà mới rộng hơn, thay cán bộ bảo vệ…. Đồng chí vẫn giữ nếp sinh hoạt giản dị, gần gũi nhân dân, tiết kiệm cho dân, cho nước… Đồng chí luôn hết lòng, hết sức vì Đảng, vì dân nhưng luôn phân biệt rạch ròi giữa việc công và việc tư, luôn nghĩ vì mọi người. Khi Mỹ ném bom miền Bắc, Phó Chủ tịch nước gửi con sơ tán ở vùng quê Sơn Tây, nhưng lại không dùng xe riêng chở con đi mà để con đi cùng con cán bộ, nhân viên khác. Khi đi thăm con vào ngày nghỉ, đồng chí cũng không phiền đến bảo vệ và lái xe, không dùng xe riêng mà xếp hàng mua vé xe khách, rồi đứng chen chúc vào hàng người không có ghế như mọi người dân thường khác. Đồng chí tự thấy đó là dịp để gần dân, thấu hiểu cuộc sống, nguyện vọng của nhân dân…

Đóng góp trong hoạt động đối ngoại

Bên cạnh công tác đối nội, công tác đối ngoại luôn được sự quan tâm, chú trọng của những người đứng đầu đất nước. Là người đã từng trực tiếp làm đại sứ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Liên Xô (1952-1956), am hiểu về công tác đối ngoại, đặc biệt khi Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã tuổi cao (trên 80 tuổi) nên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng thường chủ trì các buổi lễ tiếp đại sứ các nước đến chào, trình quốc thư, trình công hàm. Trong những buổi lễ tiếp đại sứ các nước, đồng chí đã giải thích và nêu rõ lập trường chính nghĩa, thiện chí của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước(14).

Các hoạt động đối ngoại của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng trực tiếp chủ trì thực hiện đã góp phần là kênh thông tin quan trọng tới các nước, làm tăng thêm sự hiểu biết và cảm thông của bạn bè quốc tế với Chính phủ và nhân dân ta. Đặc biệt thông qua các hoạt động ngoại giao đó Việt Nam cũng tranh thủ thêm được sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Mùa Xuân 1975, kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi, đất nước thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, đồng chí Nguyễn Lương Bằng tiếp tục được Đảng, Nhà nước và nhân dân tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1975-1979). Đồng chí đã cống hiến sức lực, trí tuệ của mình vào xây dựng đất nước, tăng cường các hoạt động phát triển đất nước cũng như hoạt động đối ngoại cho tới những giây phút cuối cùng.

75 năm tuổi đời, hơn 50 năm phấn đấu không ngừng nghỉ cho độc lập tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã có những cống hiến to lớn trong xây dựng bộ máy Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau này là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực sự của dân, do dân, vì dân, phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân. Đồng chí chính là tấm gương sáng của nhà lãnh đạo cộng sản trọn đời vì nước, vì dân!

TS. TRẦN THỊ HUYỀN
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

_________________

(1) Trần Huy Liệu thay mặt Chính phủ Lâm thời làm trưởng đoàn, Nguyễn Lương Bằng thay mặt Tổng bộ Việt Minh và Cù Huy Cận làm thành viên.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.7, tr. 26.

(3) Đồng chí Nguyễn Lương Bằng thường xuyên chỉ đạo gửi thông báo, trong đó có đánh giá kết luận về tình hình chính trị của Việt Nam, tình hình thế giới có liên quan đến Việt Nam, cho Bộ Ngoại giao Liên Xô và các nước dân chủ Đông Âu.

(4) (5) (14) Báo cáo công tác của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng gửi Bộ Chính trị, ngày 6-1-1972, Bản sao lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, phông Nguyễn Lương Bằng, ký hiệu TPNLB/16.

(6) Xem Báo Nhân dân, ngày 28/2/1970.

(7) Tháng 7/ 1973, đồng chí đến thăm và làm việc tại Quảng Ninh. Tiếp đó, nhân dịp Xuân Giáp Dần năm 1974, đồng chí đến thăm và chúc Tết cán bộ và đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Mùa hè năm 1974, Phó Chủ tịch nước đến thăm cán bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc và Phú Thọ)…. Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam: Nguyễn Lương Bằng - tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2015, tr.285.

(8) (9) (10) (11) (12) (13) Anh cả Nguyễn Lương Bằng, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2005, tr. 396, 397, 400; 400, 400, 406, 415-416.

Nguồn Tuyên Giáo: https://www.tuyengiao.vn/dong-gop-noi-bat-cua-dong-chi-nguyen-luong-bang-trong-xay-dung-nha-nuoc-viet-nam-dan-chu-cong-hoa-153585