Đóng góp vào thành quả chung có sự chủ động, đồng hành, nhạy bén, quyết đoán của Quốc hội

Những kết quả tích cực và quan trọng đạt được trong năm 2022 là nhờ sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo sâu sát và sáng suốt của Đảng. Trong đó, sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân là nguồn sức mạnh to lớn. Đặc biệt có sự chủ động, đồng hành, nhạy bén, quyết đoán, quyết liệt của Quốc hội trong việc kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành chính sách, pháp luật, tạo điều kiện để Chính phủ linh hoạt ứng phó với tình hình, thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thể chế được hoàn thiện thúc đẩy kinh tế - xã hội phục hồi, phát triển

Năm 2022 vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế - xã hội nước ta đã và đang phục hồi, phát triển mạnh mẽ. Một minh chứng rõ nét, đó là GDP 9 tháng năm nay tăng 8,83% và dự kiến cả năm sẽ vào khoảng 8% - đạt cận dưới về kỳ vọng tăng trưởng khi có "gói" chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội thông qua. Đặc biệt, kết quả phục hồi, phát triển của Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: H. Long

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: H. Long

Vui mừng hơn cả, đó là sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội diễn ra đồng đều giữa các địa phương với 44/63 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn tăng trên 6%. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao, các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch được phục hồi mạnh mẽ. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, ước cả năm CPI tăng khoảng 4%. Thu ngân sách nhà nước vượt cao so với dự toán, huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 34% GDP. Lĩnh vực văn hóa, giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững, uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao.

Dù đứng trước nhiều khó khăn và thách thức, song bức tranh kinh tế - xã hội nước ta trong năm 2022 vẫn khởi sắc toàn diện. Đây là kết quả của sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng, ý nghĩa quyết định là sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Ban Chấp hành Trung ương; sự chủ động, kịp thời của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ cùng các bộ, ngành địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định. Đặc biệt, theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, đó là việc hoàn thiện thể chế đã mở đường cho thúc đẩy kinh tế - xã hội phục hồi, phát triển.

Phân tích nguyên nhân của những kết quả đạt được, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều nội dung Quốc hội đã rất chủ động đề nghị với Chính phủ thực hiện; nhiều vấn đề liên quan đến quốc kế, dân sinh phục hồi, phát triển kinh tế, những vấn đề thực tiễn nổi lên đã được Quốc hội chủ động có văn bản đề nghị Chính phủ xem xét, hoặc trình ra Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Sau đó, nội dung nào thuộc thẩm quyền Quốc hội, thì Quốc hội nhanh chóng giải quyết, vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội nỗ lực thực hiện.

Nhận định đây chính là sự chủ động, đồng hành, nhạy bén, quyết đoán và quyết liệt của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống dịch bệnh, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh dẫn ra một số ví dụ cụ thể, trong đó có sự ra đời của Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội. Thực tế, chỉ ba ngày sau khi khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, trên cơ sở xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền, Quốc hội và Chính phủ đã bàn thảo, qua đó thống nhất trình Quốc hội xem xét, bổ sung nội dung liên quan đến vấn đề phòng, chống dịch Covid-19 vào Chương trình Kỳ họp thứ Nhất. Cụ thể chính là một số cơ chế đặc cách, đặc biệt và đặc thù, chưa có trong luật, tạo điều kiện để Chính phủ linh hoạt trong chỉ đạo triển khai thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 lúc bấy giờ đang diễn biến rất phức tạp, khó lường. Nghị quyết số 30/2021/QH15 đã mở đường để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngay sau đó ban hành liên tục nhiều nghị quyết, qua đó đồng hành, tạo điều kiện cho Chính phủ thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch Covid - 19, vừa duy trì, phát triển kinh tế - xã hội.

Phấn khởi nhưng không chủ quan

Năm 2023, bên cạnh thuận lợi là cơ bản, thì dự báo sẽ có không ít khó khăn, thách thức. Nhấn mạnh bối cảnh tình hình này, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần phân tích cụ thể và có giải pháp đột phá để ứng phó. Hiện sản xuất, kinh doanh, "sức khỏe" của doanh nghiệp đã bị bào mòn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đang gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt dòng tiền. Giá xăng dầu, vật tư đầu vào tăng cao, dẫn tới đã có tình trạng người dân hạn chế đầu tư mở rộng sản xuất, tái đàn, tái vụ sản xuất nông nghiệp; sản lượng khai thác thủy sản giảm; du lịch đối diện với nhiều thách thức, lượng khách quốc tế giảm; chất lượng lao động hạn chế.

Trong khi đó, tình hình xung đột Nga - Ukraine, đà suy giảm kinh tế, nguy cơ suy thoái tại Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và nhiều nước phát triển đang ngày càng rõ ràng hơn. Lạm phát tăng cao kỷ lục ở một số nước. Rủi ro thu hẹp thị trường, đảo chiều của dòng vốn gia tăng, nguy cơ bất ổn định an ninh năng lượng, lương thực... Những khó khăn này sẽ tác động tiêu cực đến nước ta do có độ mở của nền kinh tế lớn. Chưa kể, ở trong nước, những khó khăn do diễn biến dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu... Chỉ rõ những khó khăn, thử thách này, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, "chúng ta phấn khởi nhưng cũng không chủ quan".

Dẫu vậy, trong khó khăn, thử thách không phải không có triển vọng phát triển. Bởi, khó khăn là thế, nhưng theo nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nước ta đang còn dư địa có thể đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế 3 tháng cuối năm nay lên, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 cao hơn số dự báo, từ đó bù đắp và đỡ gánh nặng cho những năm còn lại của nhiệm kỳ này. Đó là cần thiết phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, đẩy mạnh xuất khẩu…

Giải trình tại Phiên họp sáng qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đang rất quyết liệt với rất nhiều biện pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt, Quốc hội cũng đã tháo gỡ được rất nhiều vấn đề cho việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có việc khẩn trương xem xét, thông qua "một luật sửa 9 luật" tháo gỡ nhiều khó khăn cũng như đưa ra các cơ chế đặc thù để có thể triển khai thực hiện nhiều dự án quan trọng quốc gia. Đến nay, do các thủ tục đã cơ bản hoàn thành và công tác chuẩn bị cho khởi công các dự án đầu tư quan trọng quốc gia, các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã cơ bản hoàn thành, nên Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng, trong những tháng cuối năm và sang năm 2023, tình hình giải ngân vốn đầu tư công "chắc chắn sẽ cải thiện mạnh mẽ hơn, có đóng góp cho tăng trưởng, góp phần phục hồi nhanh nền kinh tế".

Trong thời gian tới, khó khăn, thách thức và cơ hội đang đi song hành. Khẳng định điều này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với mục tiêu Chính phủ đề xuất cho năm 2023, đó là “tiếp tục kiên trì lấy mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững làm căn cứ để đưa ra định hướng chính sách”. Đặc biệt, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, "không vì mục tiêu tăng trưởng trước mắt mà hy sinh ổn định kinh tế vĩ mô", vì đây là mục tiêu có sức ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các mục tiêu khác, thậm chí là nền tảng cho tăng trưởng trong dài hạn. Đồng thời, cần theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới, phản ứng chính sách của các nền kinh tế lớn, các đối tượng thương mại đầu tư chính, tình hình giá cả lạm phát để chủ động có giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/dong-gop-vao-thanh-qua-chung-co-su-chu-dong-dong-hanh-nhay-ben-quyet-doan-cua-quoc-hoi-i303397/