Đóng góp ý kiến xây dựng Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII: Những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm (Kỳ 10)
(Tiếp theo kỳ trước)
* Ông NGUYỄN HÀ PHƯƠNG, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh:
Cần bổ sung những chính sách trợ giúp xã hội phù hợp đối với người cao tuổi
(QTO) - Sau khi nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tôi nhận xét rằng, bố cục báo cáo trình bày hợp lý, nội dung các phần thể hiện cân đối, văn phong trong sáng, dễ hiểu.
Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; các cấp, các ngành, địa phương, gần 84.000 người cao tuổi (NCT) trên địa bàn toàn tỉnh được quan tâm chăm lo về đời sống tinh thần và vật chất, có điều kiện sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Gần 800 cấp hội xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào sự nghiệp CNH, HĐH quê hương, đất nước; 4.385 cán bộ, hội viên NCT đang đảm nhiệm các chức vụ chủ chốt trong bộ máy Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể chính trị, xã hội ở cơ sở. Ba nhiệm vụ trọng tâm và hai chương trình công tác lớn là xây dựng, chăm sóc, phát huy vai trò NCT và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh do Hội NCT tỉnh phát động được các cấp hội hưởng ứng tích cực và rộng khắp, góp phần đáng kể vào những thành tựu các mặt trong nhiệm kỳ qua.
Tuy có nhiều nỗ lực, phấn đấu nhưng hiện nay đời sống một bộ phận NCT còn gặp nhiều khó khăn do tuổi cao, sức yếu, bệnh tật, neo đơn; mức trợ cấp xã hội thấp. Công tác xã hội hóa giúp đỡ NCT còn gặp nhiều khó khăn. Vẫn còn nhiều NCT đau ốm, không có thu nhập ổn định, có hoàn cảnh già yếu, không nơi nương tựa rất cần sự quan tâm, giúp đỡ về đời sống vật chất lẫn tinh thần. Cùng với thực trạng chung của cả nước, hiện nay Quảng Trị đang bước vào thời kỳ già hóa dân số đặt ra nhiều thách thức lớn. Tỉ lệ NCT toàn tỉnh chiếm gần 13%/tổng số dân.
Liên hệ với tình hình chung của cả nước, theo tôi dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII cần đề cập nội dung chăm sóc, phát huy vai trò NCT và các chính sách xã hội phù hợp như nâng mức trợ cấp hằng tháng, hạ thấp độ tuổi người được hưởng chế độ trợ cấp xã hội đối với đối tượng nghèo, cận nghèo từ 80 tuổi xuống 75 tuổi. Nâng cao tuổi thọ bình quân của người dân trên địa bàn tỉnh là xấp xỉ 74 tuổi (hiện nay cả nước có tuổi thọ bình quân là 73,6; tỉnh ta có 317 cụ thọ từ 100 tuổi trở lên, trong đó có 1 cụ tròn 115 tuổi...). Ưu tiên đầu tư nguồn lực, khuyến khích phát triển các cơ sở cung cấp các dịch vụ xã hội, chăm sóc sức khỏe, khám định kỳ cho NCT. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, địa phương cần quan tâm, có trách nhiệm giúp đỡ, hỗ trợ các cấp Hội NCT trên địa bàn tổ chức thường xuyên các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục- thể thao...
* Ông NGUYỄN VĂN TỨ, Phó Bí Đảng ủy xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh:
Để phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát huy kết quả toàn diện
Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tôi thấy dự thảo báo cáo đã có phần đánh giá khá rõ nét về vấn đề nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Từ thực tế thời gian qua tôi nhận thấy, với sự quyết tâm cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong tỉnh tiếp tục có bước chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Để phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục phát huy hiệu quả một cách toàn diện, theo tôi tỉnh cần có chính sách hợp lý, xây dựng các đề án cụ thể để trùng tu, tôn tạo những di tích lịch sử, danh thắng hiện có trên địa bàn. Cần có biện pháp để duy trì các câu lạc bộ nghệ thuật, câu lạc bộ dân ca… có thể thực hiện theo hình thức xã hội hóa nhằm duy trì và gìn giữ những giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc vốn có của các địa phương, vùng miền trong tỉnh. Việc tăng cường đầu tư, từng bước hoàn thiện những thiết chế văn hóa tại cơ sở cũng đóng vai trò rất quan trọng.
Đối với những thôn, xã mới sáp nhập đơn vị hành chính, một số nhà văn hóa đang bị xuống cấp, diện tích nhỏ, không đảm bảo cho việc tổ chức hội họp nên cần được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện kịp thời nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.
* Ông TRẦN THẾ VŨ, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Gio Linh:
Từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất trường học
Qua nghiên cứu, tôi cơ bản đồng tình với giải pháp về phát triển giáo dục- đào tạo mà dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định. Đó là triển khai thực hiện đề án xóa phòng học tạm, phòng học mượn giai đoạn 2019 - 2021; phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…
Để dự thảo báo cáo hoàn thiện hơn, tôi mong muốn được bổ sung thêm một số nội dung, như cần quan tâm hơn đến việc đầu tư xây dựng hoàn thiện nhà đa năng, nhà công vụ giáo viên, phòng học thực hành theo tiêu chuẩn mới cùng các trang thiết bị cần thiết… tại các trường học.
Đối với các trường dân tộc nội trú, là trường dạy học sinh dân tộc thiểu số nên bên cạnh việc giáo dục kiến thức phổ thông thì việc giúp học sinh giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống và ý thức tự hào dân tộc đóng vai trò rất quan trọng.
Do vậy, cần đầu tư xây dựng thêm các nhà sinh hoạt giáo dục văn hóa dân tộc, từ đó tạo môi trường tốt để học sinh được giáo dục một cách toàn diện nhất. Góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời khơi dậy niềm tự hào về những đóng góp của dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc anh em cho học sinh.
* Ông NGUYỄN THÁI NHÂN, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Hội khoa học- kỹ thuật tỉnh:
Mọi hoạt động kinh tế - xã hội đều đòi hỏi phải có nội dung khoa học và công nghệ
Cùng sự phát triển của nền khoa học và công nghệ (KH&CN) cả nước, kể từ khi lập lại tỉnh đến nay, ngành KH&CN Quảng Trị đã có những bước phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng.
Bên cạnh thành tựu đạt được, tiềm lực, cơ sở vật chất KH&CN vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu nhân lực KH&CN có trình độ cao, chuyên sâu, nhất là chuyên gia về công nghệ; việc huy động nguồn lực của xã hội vào hoạt động KH&CN còn thấp; công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển KH&CN chưa được một số ngành, địa phương quan tâm đúng mức; hoạt động đổi mới sáng tạo còn hạn chế, chưa thực sự tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...
Để KH&CN giữ vai trò then chốt trong việc phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, bảo vệ tài nguyên và môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tốc độ phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế, là động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững…, theo tôi, cần đánh giá sâu sắc và biện chứng hơn về những khó khăn, tồn tại và có những giải pháp ưu tiên, nhấn mạnh đối với hoạt động KH&CN trong thời gian tới.
Cần có những giải pháp trọng tâm, mang tính đột phá về nguồn lực KH&CN; về việc nâng cao nhận thức xã hội, các cấp ủy đảng, chính quyền và doanh nghiệp về vị trí, vai trò then chốt của KH&CN trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần coi phát triển và đẩy mạnh ứng dụng KH&CN là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; gắn mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN với các mục tiêu, nhiệm vụ, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương.
TỔ PHÓNG VIÊN (lược ghi)
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=151071